Hàng loạt sai phạm về thu, chi tài chính tại Trường THCS Lam Sơn (quận 6) khiến học sinh hoang mang, giáo viên phẫn nộ đã khép lại bằng quyết định xử phạt hành chính của cơ quan quản lý. Song sự việc kết thúc chưa được bao lâu thì nay dư luận lại hoang mang trước đơn tố cáo của tập thể giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Tiến (huyện Hóc Môn, TPHCM) về những sai phạm tương tự, nếu không muốn nói có phần nghiêm trọng hơn đang diễn ra tại trường này.
Vụ việc đang được Thanh tra Sở GD-ĐT TPHCM vào cuộc. Chưa biết thực hư thế nào nhưng đọc những lời tố cáo của giáo viên như: học sinh khối 12 cuối năm muốn nhận phiếu báo danh dự thi tốt nghiệp phải đóng 200.000 đồng/học sinh; sau khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp, các em đến trường nhận giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời (3 bản) để làm hồ sơ dự thi ĐH phải đóng thêm 50.000 đồng/em; rút sổ sinh hoạt Đoàn phải nộp phí 44.000 đồng/học sinh, người viết chợt thấy “đắng lòng”. Tất cả mọi hoạt động đều diễn ra theo kiểu “tiền trao cháo múc”, sòng phẳng đến tàn nhẫn.
Trước đó không lâu, từng xảy ra trường hợp một nhóm học sinh Trường THPT Hùng Vương (quận 5) tố cáo đích danh thầy hiệu trưởng và hàng loạt hành vi “tận thu” của ban giám hiệu khiến thanh tra Bộ GD-ĐT phải vào cuộc. Hay quy định “cười ra nước mắt” ở phân hiệu Trường ĐH Bình Dương tại tỉnh Cà Mau, sinh viên đóng học phí chậm dưới 10 ngày sẽ bị tính thêm 3% học phí, chậm dưới 20 ngày chịu phạt 5%, trường hợp đóng chậm hơn 30 ngày phải nộp thêm mỗi tháng 10% học phí. Chuyện có thật mà cứ tưởng như đùa, ngỡ đâu trong môi trường giáo dục lại có chuyện tính “lãi” như đi vay ngân hàng, đếm tháng tính ngày với mức lãi suất không hề nhỏ.
Mấy ngày gần đây, một tờ báo vừa có loạt bài phanh phui hàng loạt hình thức móc nối giữa nhà trường và các doanh nghiệp mua bán sản phẩm. Từ việc bán thông tin cá nhân của phụ huynh như số điện thoại, e-mail cho các công ty bảo hiểm, nghiên cứu thị trường hay gián tiếp giới thiệu về một chương trình học, tài liệu tham khảo “rất có ích cho việc học của học sinh”. Lợi cho học sinh ở đâu chưa thấy, chỉ biết chắc chắn “quyền lợi” đã chảy vào túi một số cá nhân khi có công ty đã lên tiếng phản ánh tỷ lệ phần trăm chiết khấu cho trường không hề nhỏ.
Có thể nói, chưa bao giờ trường học lại bị đồng tiền chi phối mạnh mẽ đến vậy. Trong khi phụ huynh ngày càng than vãn tình trạng “lạm thu” đầu năm học, các cơ quan quản lý liên tục ban hành nhiều văn bản nhắc nhở lạm thu thì ở các trường học, những khoản thu vô lý vẫn không ngừng “đẻ” ra. Thế mới biết làm phụ huynh thời nay không hề dễ, trong khi trí lực phải căng mình ra để hiểu từng lời gợi ý, kiến nghị xa gần của cô giáo thì tài lực bị hao mòn nghiêm trọng. Song, di chứng để lại nặng nề nhất chính là ảnh hưởng không tốt đến nhận thức và tâm hồn non nớt của học sinh.
Ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, ngoài việc gánh trên vai áp lực bài vở không hề nhỏ, các em còn chịu thêm áp lực nhắc ba mẹ kiếm đủ tiền đóng cho nhà trường, đóng ngày nào để thầy cô không trách phạt. Sau này lớn lên, ai dám đảm bảo những tâm hồn ngây thơ đó sẽ không nhuốm màu toan tính, sống lạnh lùng, sòng phẳng với cuộc đời như chính những gì người lớn đã làm với các em trước đó.
ĐẶNG MINH