Tiểu thương chợ Hiệp Thành
Tuần qua, hàng chục tiểu thương đang kinh doanh nhiều ngành hàng tại chợ Hiệp Thành (phường Hiệp Thành, quận 12, TPHCM) đã đến Báo SGGP kêu cứu vì nguy cơ mất sạp kinh doanh do không “chính chủ”, dù họ đã buôn bán ở đây hơn chục năm, đóng thuế đầy đủ.
Dân lãnh đủ
Chợ Hiệp Thành được đưa vào hoạt động từ đầu năm 2002. Khi ấy, một số cán bộ đang công tác tại phường Hiệp Thành đã được phường ưu tiên bố trí sạp để… kinh doanh. Nhiều người trong số này không có điều kiện hoặc nhu cầu kinh doanh nên đã sang nhượng sạp cho người khác. Bà Phùng Thị Lan (ngụ tại phường Tân Chánh Hiệp, quận 12) kể: “Năm 2002, tôi mua lại sạp số 14C từ cô Nguyễn Thị Hoa. Cô Hoa là cháu bà Nguyễn Thị Bưởi - người được phường phân cho sạp này. Lúc sang nhượng, tôi đâu biết đây là sạp bố trí cho cán bộ phường”. Sạp rộng 4m2, được sang cho bà Lan với giá 65 triệu đồng, thời điểm ấy tương đương 5 cây vàng. Hơn 10 năm kinh doanh ngành hàng vải, đóng đầy đủ các nghĩa vụ thuế, đùng một cái, ngày 15-8-2013, bà Lan nhận được quyết định của UBND phường Hiệp Thành về việc thu hồi sạp 14C do trước đây sạp này bố trí cho bà Bưởi là “không đúng đối tượng và không có nhu cầu sử dụng”.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Huệ (ngụ tại phường Hiệp Thành, quận 12) có sang lại sạp 17A từ bà Nguyễn Thị Thu Tâm vào năm 2004 với số tiền 60 triệu đồng. Kinh doanh từ thời điểm đó đến nay, bà thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế, thậm chí còn được UBND quận 12 cấp giấy khen và được công nhận là tiểu thương kinh doanh giỏi của chợ. Thế mà, ngày 16-8 vừa qua, bà bị mời lên phường để nhận quyết định thu hồi sạp vì không “chính chủ”.
Đau hơn là trường hợp ông Thái Ngô San (ngụ tại phường Tân Chánh Hiệp, quận 12) sang lại sạp số 1C của vợ chồng ông Trần Ngọc Hưng - Võ Thị Một vào thời điểm tháng 7-2012 với giá 240 triệu đồng để kinh doanh quần áo may sẵn. Sạp này ông Hưng và bà Một sang nhượng lại từ “chính chủ” là ông Võ Văn Dân vào tháng 6-2010. Thư phản ánh của ông San ghi: “Ngày 16-8, phường mời tôi lên họp và trao quyết định buộc phải trả sạp trong thời hạn 14 ngày để cấp cho người khác, nếu không sẽ bị cưỡng chế”.
Còn có hơn chục trường hợp tương tự như vậy và tiểu thương có một lý lẽ không thể phủ nhận và phớt lờ: Từ năm 2002, việc bố trí sạp cho cán bộ, đúng sai là chuyện của phường và quận, sao nay lại bắt người dân phải chịu. Nếu bố trí sai, sao từ năm 2002 không sửa sai, để đến nay hơn 10 năm, tiểu thương đang kinh doanh lại buộc phải trả sạp?
Không có chuyện cưỡng chế
Trao đổi với phóng viên về vụ việc này, bà Võ Thị Hồng Minh, Chủ tịch UBND phường Hiệp Thành, khẳng định: “Phường chưa tiến hành cưỡng chế. Khi trao quyết định thu hồi sạp, phường có mời cả chủ sạp “chính chủ” và “không chính chủ” lên họp để cả hai bên đều biết nhưng chỉ có 6 cán bộ “chính chủ” dự họp, số còn lại đều vắng mặt”. Bà Võ Thị Hồng Minh cũng cho biết, bà chỉ mới về nhận nhiệm vụ Chủ tịch UBND phường hơn 2 năm và việc ra quyết định thu hồi 15 sạp là căn cứ theo thông báo kết luận của Quận ủy quận 12 vào năm… 2006, theo đó việc bố trí 15 sạp cho đối tượng cán bộ là sai. Nay thu hồi 15 sạp nhằm cấp lại cho 67 tiểu thương tại chợ giãn dân theo chủ trương của quận.
Cũng cần nói thêm, tại chợ Hiệp Thành, trước đây không chỉ có 15 cán bộ được bố trí sạp và toàn bộ các trường hợp “chính chủ” đều chưa được cấp giấy chủ quyền sạp, khi bố trí sạp cũng không có điều khoản ràng buộc “không được sang sạp”. Trả lời về việc vì sao chỉ thu hồi 15 sạp, bà Võ Thị Hồng Minh nói: “Tôi không biết, việc này là căn cứ vào thông báo kết luận của quận có nêu đích danh 15 sạp này”.
Chúng tôi đặt câu hỏi: “Khi ký quyết định thu hồi sạp, chị nghĩ liệu đây là quyết định có lý có tình chưa?”. Bà Võ Thị Hồng Minh thừa nhận: “Thật tình tôi cũng tâm tư lắm. Những tiểu thương này kinh doanh đàng hoàng, làm nghĩa vụ thuế hẳn hoi, bây giờ lẽ nào lại đẩy bà con ra đường”. Và lý do duy nhất bà Minh viện dẫn là thực hiện chỉ đạo của quận. Bà thông tin: Quận đã chỉ đạo cho phường tiếp tục khảo sát, xem xét và tuần sau sẽ báo cáo để quận có kết luận cuối cùng.
Hơn 10 năm kinh doanh, các tiểu thương đã góp sức để tạo nên diện mạo khang trang của chợ, không lẽ gì vì chuyện “chính chủ” hay “bố trí sai” từ hơn 10 năm trước mà nay bắt người dân lãnh đủ. Chính quyền quận 12 và phường Hiệp Thành nên thẳng thắn đối thoại với dân, giải quyết có lý có tình - đó là mong muốn của bà con tiểu thương chợ Hiệp Thành.
THƯ LÊ