Hưng thịnh từ biển

Khởi động cuộc cách mạng “xanh lam”

Khởi động cuộc cách mạng “xanh lam”

Vùng biển Việt Nam hội tụ đầy đủ một cách kỳ lạ hầu hết các yếu tố, điều kiện chính trị, kinh tế, sinh thái môi trường tự nhiên và nhu cầu xã hội để phát triển 6 ngành kinh tế biển quan trọng: Cảng biển - vận tải hàng hải, đóng tàu, công nghiệp dầu khí - khai khoáng, nghề cá - nuôi trồng hải sản, du lịch - nghỉ dưỡng và lấn biển. Những lợi thế này có thể giúp Việt Nam phát triển, trở thành một quốc gia biển mạnh và bền vững.

  • Thực trạng khai thác
Khởi động cuộc cách mạng “xanh lam” ảnh 1

Cửa biển Hà Tiên.

Biển Đông có vị trí địa lý thuận lợi, gần các tuyến đường hàng hải chính của thế giới - là đặc điểm địa lợi không phải quốc gia nào cũng có và nguồn lợi tài nguyên, mang đặc trưng của vùng biển nhiệt đới - mà nhiều cường quốc về khai thác biển đang mong muốn hợp tác khai thác. Trong 30 năm, kể từ ngày thống nhất đất nước, các ngành kinh tế biển của Việt Nam đã gặt hái được những thành tựu rất quan trọng. Những con số thống kê đã gây nhiều ấn tượng mạnh mẽ.

Năm 1987, Việt Nam bắt đầu xuất khẩu dầu khí với sản lượng hết sức khiêm nhường - 0,23 triệu tấn. 7 năm sau, năm 2004, đã xuất khẩu trên dưới 20 triệu tấn, tăng gần 10 lần, đạt kim ngạch gần 7 tỷ USD. Tổng sản lượng thủy hải sản đạt hơn 2,5 triệu tấn. Xuất khẩu thủy hải sản cũng đã vượt qua ngưỡng 2,3 tỷ USD. Đặc biệt là kinh tế cảng biển - vận tải hàng hải, đóng tàu... đã mở ra những đột phá như chuyển tải dầu ở vịnh Vân Phong, Khánh Hòa - mới qua 7 chuyến đã thu cho ngân sách địa phương hơn 400 tỷ, các doanh nghiệp thu lợi hơn 20 tỷ đồng.

Du lịch, nghỉ dưỡng biển cũng đang phát triển với nhiều địa điểm mạnh như vịnh Hạ Long, Hội An, Nha Trang, Mũi Né, Vũng Tàu, Phú Quốc... Đặc biệt, những tôn vinh của quốc tế như công nhận vịnh Hạ Long là di sản, vịnh Nha Trang là một trong 29 vịnh đẹp nhất trên hành tinh đã nâng tầm vóc của vùng biển của Việt Nam. Đó là tiền đề hợp tác, hội nhập trong quá trình khai thác và phát triển biển.

Nhưng so với các nước trong khu vực, kinh tế biển của chúng ta còn rất khiêm tốn, chưa ngang với tầm vóc và tiềm năng cũng như nhu cầu đòi hỏi của xã hội.

  • Khởi động cuộc cách mạng “xanh lam”

Kinh nghiệm nhiều quốc gia cho thấy, muốn làm giàu từ biển phải tập trung ba việc. Một là, lợi dụng mặt biển mở rộng hoạt động hàng hải, vận tải hàng hóa, giao lưu hội nhập tạo thế giao thông thông suốt. Hai là, phải khai thác hợp lý các nguồn lợi tài nguyên, môi trường. Cuối cùng, phải có lực lượng, tiềm lực đủ mạnh để bảo vệ, bảo đảm cho 2 hoạt động trên.

Muốn làm giàu từ biển, chúng ta phải có chiến lược phát triển khai thác biển. Phải định rõ được những mục tiêu ưu tiên, những vùng trọng điểm và thời gian thực hiện.

Đầu tiên phải triệt để lợi dụng lợi thế địa lý tự nhiên để hoạch định chiến lược phát triển. Điều kiện địa lý, sinh thái tự nhiên đã tạo ra 3 vành đai lợi thế: Hệ thống vòng cung các đảo ngoài khơi Hoàng Sa - Trường Sa, hệ thống các đảo gần bờ như Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo, Hòn Khoai, Thổ Chu, Phú Quốc và vùng biển ven bờ. Sự phân vùng tự nhiên giúp ta có định hướng, tập trung xây dựng phát triển ưu tiên, trọng điểm từng hạng mục, theo từng vòng cung lãnh hải.

Vùng kinh tế đảo xa là vùng nhạy cảm có tính quốc tế, có vai trò tiền tiêu, hậu cần cho việc khai thác biển khơi. Vùng các đảo ven bờ có nhiều lợi thế, là bàn đạp, hậu cần cho vùng khơi và trấn giữ vùng bờ. Vùng ven bờ với diện tích hơn 450 ngàn cây số vuông thềm lục địa và gần 3 triệu ha đất ngập nước là vùng nhạy cảm về môi trường, chứa nhiều tài nguyên nguồn lợi, là vùng tương tác biển và lục địa điển hình, là địa bàn phát triển mạnh trong vòng 5 - 15 năm tới.

Vấn đề thứ hai là phải tập trung chỉ đạo đầu tư mở ra những hướng đột phá cho phát triển. Chúng ta đang đặt nhiều hy vọng vào mũi đột phá, khai thác lợi thế cảng sâu vùng “biển vàng” vịnh Vân Phong.

Cuối cùng, cũng đã đến lúc phải nghĩ đến công cuộc lấn biển, phải chuẩn bị xây dựng khai thác khoảng không gian biển rộng lớn ven bờ, ven đảo, xây dựng hệ thống kho tàng, bãi chứa ngầm dưới mặt nước biển.

Kinh tế biển là kinh tế của khoa học, công nghệ và tiềm lực chính trị, tài chính. Nước ta có lợi thế tự nhiên nhưng cũng nhiều hạn chế về thực lực. Hòa vào dòng thác phát triển, hội nhập quốc tế, cuộc cách mạng “xanh lam” – khai thác khoảng không gian to lớn của đại dương đã bắt đầu khởi động.

Cái thế của Việt Nam, trong quá trình hưng thịnh, không thể không tính đến lợi thế của vùng biển Đông. Trong những năm tới, sự khởi sắc của nền kinh tế Việt Nam chắc chắn gắn liền với biển.

TSKH. NGUYỄN TÁC AN
(Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang)

Tin cùng chuyên mục