Hơn 20 năm xây dựng và phát triển, các khu chế xuất và khu công nghiệp (KCX-KCN) đã có những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Ngoài việc giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, sự hình thành các KCX-KCN đã thu hút một lượng lớn dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nước ta. Trong những năm gần đây, một số nhà đầu tư nước ngoài, nhất là đối tác đầu tư lớn có nhu cầu mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như đầu tư mới muốn làm ăn lâu dài tại Việt Nam.
Để đáp ứng nhu cầu của đối tác, tại một số địa phương đã hình thành một số KCN chuyên sâu, chuyên biệt. Cụ thể, mới đây Chính phủ đồng ý chọn KCN Phú Mỹ 3 tại Bà Rịa - Vũng Tàu làm KCN chuyên sâu Việt Nam - Nhật Bản, nhằm cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ về hợp tác Việt Nam - Nhật Bản, trong đó Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những địa phương được chọn làm điểm nhấn. KCN chuyên sâu Việt Nam - Nhật Bản dự kiến thu hút các doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và các DN quy mô lớn, trình độ công nghệ cao.
Cuối năm 2013, TPHCM cũng đã trao giấy chứng nhận đầu tư xây dựng Khu Kỹ nghệ Việt - Nhật tại KCN Hiệp Phước, giai đoạn 2 với tổng vốn 31 triệu USD và đã được khởi công xây dựng vào ngày 17-2-2014. Khu Kỹ nghệ Việt - Nhật được thành lập để thu hút ngành công nghiệp hỗ trợ của Nhật Bản trên cơ sở cung ứng dịch vụ “trọn gói” từ nhà xưởng đến thủ tục pháp lý theo yêu cầu của DN, nhằm tạo môi trường thuận lợi nhất để nhà đầu tư tập trung nguồn lực cho sản xuất và kinh doanh. Sự hình thành các KCN chuyên biệt đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhà đầu tư.
Cụ thể, Khu Kỹ nghệ Việt - Nhật (TPHCM), dù đang trong quá trình xây dựng, song theo chủ đầu tư dự án đã có hơn 30 doanh nghiệp Nhật Bản có ý định đầu tư vào đây và đã đến tham quan, tìm hiểu về KCN chuyên biệt này.
Sự hình thành các KCN chuyên biệt sẽ giúp nhà đầu tư nhanh chóng đi vào hoạt động sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư do hạ tầng cơ sở hoàn thiện. Bên cạnh đó, còn giúp cơ quan quản lý nhà nước dễ dàng trong việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động đầu tư tại các KCN hoạt động trong từng lĩnh vực cụ thể. Ngoài ra, những KCN chỉ dành riêng cho các DN đến từ một quốc gia, vùng lãnh thổ nên sẽ tạo động lực hấp dẫn DN đến đầu tư lâu dài tại Việt Nam.
Trong bối cảnh các nước đang cạnh tranh về thu hút đầu tư, sự hình thành các KCN chuyên biệt là mô hình cần nhân rộng. Để mô hình thực sự phát huy hiệu quả, nhà nước cần nghiên cứu thực hiện cơ chế một cửa tại các Ban Quản lý KCN để giải quyết nhanh các vướng mắc về thủ tục hành chính cho nhà đầu tư.
Ngoài ra, chú trọng xây dựng đồng bộ các dịch vụ điện, nước, hệ thống xử lý chất thải… Đảm bảo cung cấp mặt bằng và hạ tầng KCN đạt tiêu chuẩn với giá thấp nhất để khuyến khích các DN vào Việt Nam đầu tư kinh doanh lâu dài. Đồng thời đặc biệt chú trọng đến vấn đề tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho DN, cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư.
ĐÌNH LÝ