“Kiềng 3 chân” phát triển sản phẩm OCOP

Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) đã trải qua 5 năm phát động, trở thành mô hình khởi nghiệp sôi động của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, không chỉ từng bước lan tỏa ở thị trường nội địa mà còn xuất khẩu.

Theo Bộ NN-PTNT, đến hết tháng 12-2023, cả nước đã có 11.054 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên và vượt cả mục tiêu của giai đoạn 2021-2025 (mục tiêu 10.000 sản phẩm), với 5.600 chủ thể tham gia mô hình OCOP.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) nhận định, chất lượng của sản phẩm OCOP đã được cải thiện rất nhiều so với buổi ban đầu. Rất nhiều sản phẩm mới, không chỉ thuần túy dựa trên giá trị bản địa mà đã đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng hiện đại, chẳng hạn như cách thiết kế bao bì, nhãn mác đến cách tiếp cận, đưa vào hệ thống phân phối lớn như siêu thị, trung tâm thương mại.

Mặc dù số lượng sản phẩm OCOP đang tăng nhanh, nhưng nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại, đang có những sự đơn điệu và trùng lặp, dẫn đến “giẫm chân nhau” trên thị trường. Thậm chí, nhiều nơi, mô hình OCOP chỉ đang phát triển theo kiểu phong trào, chính quyền địa phương vận động các chủ thể khởi nghiệp bằng OCOP, nhưng lại không hỗ trợ về thị trường, để người dân tự mò mẫm đầu ra, sản xuất manh mún…

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, “OCOP” có nghĩa là “mỗi xã một sản phẩm”. Bản thân tên gọi đã nói lên rằng, mỗi sản phẩm OCOP phải là đặc trưng của mỗi vùng, miền với vai trò như một đại sứ chuyển tải những câu chuyện riêng mang tính nhân văn, lịch sử.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, sản phẩm OCOP ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa, cần đầu tư thêm hàm lượng chất xám, ứng dụng khoa học - công nghệ để tạo ra nhiều sản phẩm mới và tìm lối đi riêng mới tạo được chỗ đứng trên thị trường.

c2b-1807.jpg
Các đại biểu tham quan trưng bày sản phẩm OCOP trong hội chợ tổ chức tại Hà Nội vào tháng 8-2023. Ảnh: VĂN PHÚC

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, Nhà nước chỉ có thể hỗ trợ về chủ trương, chính sách, hỗ trợ cơ chế. Còn việc xúc tiến thương mại, tìm đầu ra, nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới bao bì, mẫu mã… chủ yếu phải từ chính các chủ thể OCOP. Để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, bên cạnh tham gia các hội chợ, triển lãm và quảng bá trên mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử, cần nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm OCOP để đưa vào hệ thống phân phối hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện ích). Đến nay, tất cả 63 tỉnh, thành đều xây dựng được điểm phân phối sản phẩm OCOP.

Ông Paul Le, Phó Chủ tịch của Central Retail Việt Nam, cho biết, các siêu thị sẵn sàng tiếp nhận sản phẩm OCOP nhưng việc thiết kế sản phẩm cần tương thích không gian kệ hàng siêu thị và đặc biệt là phải đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đại diện Bộ NN-PTNT khuyến nghị, để thực sự hướng tới xuất khẩu cũng như thúc đẩy tiêu dùng trong nước, tạo được niềm tin và sự ủng hộ của người tiêu dùng, thì 3 vấn đề “mấu chốt” là tập trung nâng cao chất lượng bằng ứng dụng khoa học - công nghệ; làm bao bì, nhãn mác bắt mắt và phải quan tâm xây dựng thương hiệu, gắn với truy xuất nguồn gốc, đạt các tiêu chuẩn, chứng chỉ.

Tin cùng chuyên mục