Kinh tế thế giới năm 2010, theo nhận định của nhiều chuyên gia, là một bức tranh đầy gam màu sáng tối đan xen. Khác với năm 2009, năm mà hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới gặp khủng hoảng, năm nay đánh dấu bước phục hồi đầu tiên ở nhiều nền kinh tế, dù vẫn rất mong manh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ một cuộc khủng hoảng khác.
Các nền kinh tế mới nổi phục hồi mạnh mẽ
Phục hồi rõ nét nhất vẫn là nền kinh tế Trung Quốc. Trong một bản công bố cuối năm 2009 của các định chế tài chính thế giới, nền kinh tế nước này đã vượt Nhật Bản, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới sau Mỹ. Kinh tế Mỹ sau nhiều tháng GDP tăng trưởng âm, kể từ giữa năm 2009 đã bắt đầu tăng trưởng trở lại và đạt tốc độ 5,5% trong quý 4-2009.
Riêng khu vực đồng EUR, mặc dù thoát khỏi khủng hoảng trước Mỹ, nhưng thống kê mới đây cho thấy mức tăng trưởng của Đức, nền kinh tế lớn nhất của khu vực này, đang trở lại bằng 0 trong quý 4-2009. Ngoài ra, hàng loạt nước trong khu vực cũng đang đối mặt khủng hoảng công nợ như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Ireland...
Riêng những nền kinh tế mới nổi, sự phục hồi khá ấn tượng. Malaysia vừa công bố mức tăng trưởng GDP trong quý 4-2009 với tỷ lệ khá bất ngờ là 4,5%. Nền kinh tế Hồng Công (Trung Quốc) trong cùng kỳ cũng tăng 2,3%, lãnh thổ Đài Loan tăng ấn tượng 9,2% và Thái Lan tăng 5,8%. Trước đó, Trung Quốc cũng đã công bố mức tăng trưởng GDP trong quý 4-2009 là 10,7%. Điều này đã dẫn đến việc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nâng mức dự báo tăng trưởng của nước này trong năm 2010 lên hơn 10%.
Chính vì tốc độ tăng trưởng khá lạc quan này, các nước đã tự tin công bố dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2010. Thủ tướng Malaysia dự báo nền kinh tế nước này tăng 5%, thậm chí Singapore dù tăng trưởng GDP quý 4-2009 ở mức âm cũng nâng dự báo tăng trưởng trong năm khoảng 4,5% - 6,5%, Ấn Độ dự báo tăng trưởng đến 8,75%...Mức tăng trưởng của các nền kinh tế tại khu vực châu Á được đánh giá cao là do tăng xuất khẩu, trong đó xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng nhanh.
Nước có sản lượng hàng xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh nhất là Hàn Quốc, trong tháng 12-2009 hàng xuất khẩu của nước này sang Trung Quốc tăng đến 94% so với cùng kỳ năm 2008. Tương tự là lãnh thổ Đài Loan - tăng 91,2%, Malaysia - tăng 52,9%... Thế nhưng theo các chuyên gia, tỷ lệ này vẫn thấp hơn so với mức trước khủng hoảng và thấp hơn tăng trưởng sản lượng.
Theo chuyên gia kinh tế Jonathan Anderson thuộc Ngân hàng UBS của Mỹ, nếu loại trừ Trung Quốc và Ấn Độ, các nền kinh tế mới nổi tăng trung bình 4% cao hơn các nền kinh tế lớn, tỷ lệ này cũng bằng với mức chênh lệch trước khủng hoảng.
Tuy nhiên, có nhiều vấn đề mà những nền kinh tế mới nổi đang đối mặt, nhất là đối với những nước lệ thuộc nhiều vào các khoản vay nước ngoài. Theo Ngân hàng Thế giới (WB) nếu siết chặt các quy định về tài chính, tỷ lệ tăng trưởng ở các nền kinh tế mới nổi sẽ giảm 0,2% - 0,7% trong 5 - 7 năm tới.
Rủi ro: tăng trưởng nóng, bong bóng chứng khoán và lạm phát
Mặc dù vậy, tất cả các nước đang phát triển cũng phải đối phó với các rủi ro do sự tăng trưởng nóng gây ra như giá cả tăng vọt dẫn đến lạm phát, tái khủng hoảng tín dụng do nợ khó đòi tăng cao, bong bóng chứng khoán và bất động sản… Hơn thế nữa, sự mất cân bằng trong cán cân thanh toán trên toàn cầu cũng gây rủi ro cao đối với việc phục hồi kinh tế. Các chính phủ phải quyết định xem khi nào ngừng các biện pháp kích thích kinh tế.
Theo khuyến cáo của IMF, các nước phát triển cần tiếp tục duy trì các biện pháp kích thích kinh tế khi tốc độ phục hồi kinh tế còn chậm, tỷ lệ thất nghiệp cao và nhà đất tiếp tục đóng băng. Riêng các nền kinh tế đang phát triển, đã đến lúc ngừng các gói kích cầu.
Sự phục hồi kinh tế của các nước châu Á đã nâng giá đồng tiền và cổ phiếu của các nước này. Tuy nhiên, điều đó cũng có nghĩa là hàng xuất khẩu của họ sẽ gặp khó khăn. Vì vậy, gần đây, Liên hiệp quốc đã cảnh báo các nền kinh tế châu Á không nên quá phụ thuộc vào xuất khẩu. Theo ông Ajay Chhibber, Trợ lý Tổng thư ký LHQ kiêm Giám đốc Chương trình phát triển LHQ (UNDP) khu vực châu Á - Thái Bình Dương, điều đáng ngại là các nước châu Á đã quên rằng mô hình tăng trưởng cũ dựa vào xuất khẩu là mô hình phát triển không bền vững.
Ông cho rằng việc đồng nhân dân tệ của Trung Quốc ở mức thấp so với USD đã tạo áp lực lên các đồng tiền châu Á, buộc các đồng tiền này đứng trước sức ép phá giá để cạnh tranh về lợi thế xuất khẩu. Các doanh nghiệp Indonesia và nhiều nước Đông Nam Á khác đang lo giá đồng tiền của họ khá cao, ảnh hưởng tiêu cực đến hàng xuất khẩu.
Ông Chhibber cho rằng chỉ khi nào các nền kinh tế châu Á, đặc biệt là những nền kinh tế lớn, chuyển hướng sang phục vụ nhu cầu nội địa nhiều hơn thì mới có thể nói tới chuyện phát triển bền vững. Cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua là một cơ hội tốt để các nền kinh tế châu Á chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng mở rộng nhu cầu nội địa.
Các nền kinh tế châu Á phục hồi sớm trong cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua sẽ gặp những vấn đề lớn hơn vì tác động tiêu cực của các gói kích cầu. Một trong những mặt tiêu cực đó là tình trạng bong bóng bất động sản. Điều này đòi hỏi các nước phải siết chặt quy định về vốn. Trước hết phải ngăn chặn các dòng vốn ồ ạt đổ vào thị trường bất động sản khi giá trị các đồng tiền tăng cao và thị trường chứng khoán cũng trên đà hồi phục mạnh.
Giám đốc UNDP khu vực châu Á - Thái Bình Dương đưa ra một ví dụ về chính sách đánh thuế trên vốn của Brazil, xem đó là một giải pháp để các nhà quản lý ở châu Á áp dụng. Vào tháng 10-2009, Brazil đã áp thuế 2% đối với các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán đang trên đà tăng của nước này.
Việc áp thuế lên các dòng tài chính quốc tế là cần thiết đối với các nhà đầu tư tại các thị trường mới nổi. Malaysia cũng đã kiểm soát dòng vốn từ năm 1998 trong suốt giai đoạn khủng hoảng tài chính vì trước đó nguồn vốn không kiểm soát từ bên ngoài ồ ạt vào sau đó ồ ạt rút ra gây bất ổn kinh tế nước này. Thế nhưng, ông Chhibber cho rằng các biện pháp kiểm soát những dòng vốn đầu tư từ bên ngoài, nhất là đối với dòng vốn đầu tư vào chứng khoán của các nước châu Á xem ra đã quá trễ và “quả bong bong” đã hiện hữu và viễn cảnh một cuộc khủng hoảng tài chính khác vẫn tiếp tục tồn tại.
Một vấn đề nan giải khác mà không ít nền kinh tế của châu Á đang đối mặt: tỷ lệ lạm phát bắt đầu có xu hướng tăng lên. Nhiều nhà phân tích lo ngại sau khi nền kinh tế hồi phục, tốc độ lạm phát trở lại và có khả năng ở mức cao như những năm 2007 - 2008. Lần này, có thể thấy rằng yếu tố lạm phát xuất phát từ các gói kích cầu, việc nới lỏng chính sách tiền tệ và do thương mại nội khối tăng mạnh.
Thực phẩm và năng lượng là 2 thành phần chính biểu thị chỉ số giá tiêu dùng của châu Á, thậm chí chiếm tới 60% và 15% ở một số nền kinh tế. Do đó, khi giá 2 mặt hàng này tăng, chỉ số giá tiêu dùng sẽ tăng ngay và gây áp lực lạm phát.
Tờ Asia Times cho biết đã có nhiều dấu hiệu cho thấy giá thực phẩm đang tiếp cận với mức giá năm 2008 trong bối cảnh giá dầu cũng đang trên đà tăng trở lại do kinh tế thế giới hồi phục. Cũng tạp chí này dẫn lời các nhà kinh tế cho rằng những nước hàng đầu ở châu Á đối mặt với lạm phát là Việt Nam, Ấn Độ và Sri Lanka, nhóm thứ hai là Philippines, đặc khu Hồng Công (Trung Quốc) và Hàn Quốc. Hiện chưa rõ là tốc độ lạm phát tại các nước này có ảnh hưởng đến toàn khu vực hay không, các nhà kinh tế đang tiếp tục theo dõi.
Tầm quan trọng của các chính sách kinh tế
Nhiều nhà phân tích kinh tế cho rằng năm 2010 sẽ là năm “rất thử thách” cho các nhà hoạch định chính sách kinh tế. Ở một mức độ nào đó, năm 2009 dễ dàng hơn với việc đưa ra các gói kích thích kinh tế và năm 2010 sẽ khó khăn hơn khi quyết định ngừng hay không các gói kích thích kinh tế này.
Thế nhưng ngừng như thế nào và khi nào là vấn đề đáng nói. Theo IMF, đối với các nước muốn phục hồi nền tài chính vững bền, các biện pháp khuyến khích tài chính nên được chấm dứt trong khi các chính sách về khuyến khích tiền tệ cần được duy trì thêm một thời gian. Thứ hai là khi rút lại các biện pháp kích thích kinh tế cần phải tính đến nhiều yếu tố. Thứ ba là phải nhắm đến việc khôi phục vai trò của thị trường. Thứ tư là trước khi rút các biện pháp kích thích kinh tế cần thông tin rõ ràng và kịp thời để đảm bảo sự ủng hộ của người dân.
Theo Chủ tịch Ủy ban quốc gia về cải cách và phát triển của Trung Quốc, ông Trương Bình, quản lý kinh tế vĩ mô của Trung Quốc trong năm 2010 sẽ bị thử thách trên thị trường trong nước và quốc tế. Ông Li Daokui, chuyên gia kinh tế tại Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc, cho rằng nếu ngân hàng tiếp tục cho vay dễ dàng, lạm phát sẽ gia tăng. Nhưng nếu chính phủ siết chặt chính sách tiền tệ quá sớm, nền kinh tế sẽ lại rơi vào giảm phát.
Năm 2009, các ngân hàng Trung Quốc cho vay 1,4 ngàn tỷ USD, gần gấp đôi năm 2008 và chiếm gần một nửa GDP của Trung Quốc trong năm 2009. Năm nay, vì lo ngại tình trạng bong bóng bất động sản và các khoản nợ khó đòi, các ngân hàng bắt đầu siết chặt quy định cho vay. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng đã nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 0,5% từ đầu tháng 2-2010 nhằm giảm số lượng vốn cho vay.
Ngoài ra, nếu đầu tư công quá nhiều sẽ làm yếu đầu tư tư nhân và làm tăng năng suất quá cao ở một số ngành công nghiệp như thép. Vì vậy, cái khó là làm sao vừa phát huy được hiệu quả các gói kích cầu vừa hạn chế tối đa những tác động có hại của nó.
VŨ MINH (Tổng hợp từ FT, Asia Times, Bloomberg và The Economist)