Kinh tế TPHCM tiếp tục phát huy vai trò năng lực nội sinh

Theo chương trình công tác hôm nay 6-11, Thành ủy TPHCM sẽ tiếp và làm việc với Đoàn cán bộ khảo sát thực tế của nhóm 2 - Ban Chỉ đạo Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam.

Theo kế hoạch, chủ trì buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM.

Nội dung buổi làm việc tập trung vào việc tổng kết về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. TPHCM là địa phương nhận nhiệm vụ báo cáo 7/8 nội dung tổng kết của Ban Chỉ đạo Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam.

Theo báo cáo tóm tắt, TPHCM đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Kinh tế TPHCM tiếp tục phát huy vai trò năng lực nội sinh với khu vực có vốn đầu tư trong nước chiếm tỷ trọng cao, kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đóng vai trò quan trọng.

Các thành phần kinh tế phát triển cả về số lượng và chất lượng, quy mô ngày càng tăng, đặc biệt là kinh tế ngoài nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đến năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) TPHCM theo giá hiện hành gấp 2,9 lần so với năm 2010.

Thời gian tới, kinh tế TPHCM tập trung vào những định hướng phát triển quan trọng trên các lĩnh vực, trong đó phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị. Phát triển công nghiệp theo hướng công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp xanh, năng lượng xanh, gắn với liên kết vùng. Cùng với đó, phát triển các trung tâm nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đủ khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

TPHCM cũng hướng đến trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại, bao gồm trung tâm tài chính quốc tế, thương mại, logistics, y tế chuyên sâu, giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ, nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo. Phát triển kinh tế biển trở thành trụ cột quan trọng của kinh tế TPHCM gắn với vùng Đông Nam bộ và vùng ĐBSCL....

Tin cùng chuyên mục