(SGGP).- Sáng 6-9, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) TPHCM phối hợp cùng Cục Cảnh sát PCCC (C66) - Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học “10 năm xây dựng và phát triển lực lượng Cảnh sát PCCC TPHCM (4-10-2006 - 4-10-2016)”.
Ở vai trò là đơn vị nòng cốt trong trong công tác PCCC của thành phố, 10 năm qua, Cảnh sát PCCC TPHCM đã tham mưu cho Thành ủy, UBND thành phố triển khai nhiều giải pháp mang lại hiệu quả cao trong phòng ngừa cháy nổ xảy ra. Trong đó, việc xây dựng và triển khai 2 đề án: “Nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy - cứu hộ cứu nạn (PCCC-CHCN) trên địa bàn TP xứng tầm với các nước trong khu vực” và “Quy hoạch ngành PCCC trên địa bàn tới năm 2025” được xem là các giải pháp căn cơ, chiến lược. Qua giải pháp này, gần 50 khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao đã được chuyển hóa, nguy cơ cháy nổ ở TP đã giảm mạnh.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, TPHCM là trung tâm kinh tế, văn hóa - du lịch, giáo dục - khoa học lớn nhất nước, bên cạnh sự phát triển nhanh sẽ dễ phát sinh sự cố, trong đó cháy nổ luôn có nguy cơ cao. Để công tác PCCC ở thành phố tiếp tục đạt được nhiều kết quả cao, kéo giảm số vụ cháy nổ xảy ra, đặc biệt không để xảy ra cháy gây hậu quả nghiêm trọng, Cảnh sát PCCC TP cần chủ động và phối với các đơn vị, ngành liên quan, khắc phục các tồn tại: nâng cấp mạng lưới - hệ thống cấp nước chữa cháy; nhanh chóng thành lập các đội chữa cháy khu vực còn thiếu, cần thiết thành lập các đội PCCC chuyên ngành tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; nâng cao nghiệp vụ cho lực lượng PCCC cơ sở - tại chỗ…
Thay mặt lãnh đạo TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm đánh giá cao vai trò của Cảnh sát PCCC TP trong công tác tham mưu cho thành phố, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn cháy nổ ở thành phố trong thời gian qua. Đồng chí Lê Thanh Liêm cho rằng, Cảnh sát PCCC TP cần kiện toàn bộ máy, không ngừng nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ; coi trọng việc tuyền truyền, việc tuyên truyền phải hiệu quả để nâng cao ý thức của người dân, cùng người dân phòng cháy tốt. Cần chú trọng bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học để làm chủ công nghệ trong phòng và chữa cháy; tăng cường, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực PCCC-CHCN.
TUẤN VŨ