Lâm Đồng: Sạt lở nghiêm trọng quanh dự án hồ chứa Đông Thanh

Chiều 2-8, ông Đinh Đức Chí, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng), cho biết, địa phương đã chỉ đạo khắc phục tình trạng sạt trượt, sụt lún đất tại vị trí thi công xây dựng hồ chứa Đông Thanh (xã Đông Thanh).

Theo phản ánh của nhiều hộ dân sinh sống tại đây, những ngày qua, gần vị trí thi công cụm đầu mối thuộc dự án xây dựng hồ chứa Đông Thanh liên tục xảy ra sạt trượt, sụt lún trên diện rộng. Trong đó, tuyến đường giao thông phục vụ đi lại, sản xuất cho khoảng 50 hộ dân bị sạt lở nghiêm trọng, có vị trí rộng 20-40cm, sâu hơn 1m làm đảo lộn sinh hoạt của người dân.

Ông Nguyễn Văn Thắng (ngụ thôn Đông Anh) cho biết: “Gia đình tôi xây căn nhà trị giá 3,7 tỷ đồng, vừa mới vào ở từ tháng 3-2023. Thế mà gần đây cả khu đất bị kéo tụt xuống phía dưới, gia đình phải bỏ lại căn nhà để đảm bảo an toàn”.

Phía trước nhà dân ở xã Đông Thanh (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) bị sạt trượt. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Phía trước nhà dân ở xã Đông Thanh (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) bị sạt trượt. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Theo UBND huyện Lâm Hà, sạt trượt xảy ra từ đầu tháng 7-2023 đến nay vẫn tiếp diễn. Tại đây, có 9 hộ dân bị ảnh hưởng với 53.800m2 diện tích sản xuất nông nghiệp và 500m đường giao thông.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, trong tháng 8-2023 sẽ xuất hiện 2-3 cơn bão (hoặc áp thấp nhiệt đới) trên Biển Đông, có thể ảnh hưởng đến Bắc bộ, Bắc Trung bộ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của El Nino, trong tháng 8, nhiều nơi vẫn thiếu hụt lượng mưa. Cùng với khô hạn, thiếu nước thì tình trạng nắng nóng vẫn phổ biến.

VĂN PHÚC

Ông Đinh Đức Chí cho biết thêm, hồ chứa nước Đông Thanh là dự án trọng điểm của huyện Lâm Hà, có tổng số vốn đầu tư 495 tỷ đồng, diện tích lòng hồ 25,3ha, diện tích thu hồi là 37ha. Dự án hoàn thành sẽ phục vụ nước sinh hoạt cho 7.500 hộ dân trên địa bàn. Hiện địa phương đã vận động, hỗ trợ các hộ gia đình đến nơi ở an toàn, cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại những khu vực có nguy cơ cao; đồng thời làm việc với đơn vị tư vấn, khoan thăm dò địa chất để tìm nguyên nhân sạt trượt, từ đó tìm ra phương án khắc phục triệt để nhất.

Liên quan vụ việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương xử lý sự cố sụt lún, báo cáo về UBND tỉnh trước ngày 15-8.

  • Đánh giá nguyên nhân, mức độ sụt lún đường Hồ Chí Minh (đoạn qua TP Gia Nghĩa, Đắk Nông)

Chiều 2-8, ông Đỗ Tấn Sương, Chủ tịch UBND TP Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông), cho biết, TP đang phối hợp với ngành chức năng đánh giá nguyên nhân, mức độ sụt lún đường Hồ Chí Minh (đoạn qua phường Nghĩa Thành, TP Gia Nghĩa) để có giải pháp khắc phục.

Sáng cùng ngày, đoạn đường này xuất hiện nhiều vệt nứt, kéo dài hơn 15m, sâu 1-1,5m. Sạt lở xuất hiện ngay sau đó, làm hư hỏng một số nhà cửa và tài sản của người dân. Sau khi phát hiện sự việc, cơ quan chức năng đã nhanh chóng di dời 16 hộ dân (58 người) đến nơi an toàn, bố trí ăn ở cho người dân; phân luồng giao thông, hạn chế người và phương tiện đi vào và theo dõi diễn biến.

Tại huyện Tuy Đức, sáng 1-8 cũng xuất hiện nhiều vệt nứt gãy đất, kéo dài khoảng 200m ở bon Bu Krắc (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức). Đến chiều 2-8, vệt nứt này đã lan rộng và kéo dài gần 1km. Chính quyền địa phương đã sơ tán 56 hộ dân (gần 190 người) đến nơi an toàn.

Cùng ngày, Đài Khí tượng - Thủy văn khu vực Tây Nguyên khuyến cáo người dân ở tỉnh Gia Lai hạn chế lưu thông qua các ngầm, cầu tràn, cầu dân sinh, nơi đất dốc tại các địa phương có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Tin cùng chuyên mục