Qua đơn khiếu nại tố cáo của người dân gửi đến Báo SGGP cho thấy, có không ít trường hợp khi giải tỏa đất đai, vì mục đích tư lợi nên một số cán bộ chính quyền địa phương lạm quyền, làm thay chủ doanh nghiệp, hù dọa cưỡng bức thay cho tự thỏa thuận, thương lượng. Những vụ việc như vậy thường dẫn đến kết cục đất đai không giải tỏa được, còn cán bộ mất chức, chính quyền mất uy tín.
Luật Đất đai quy định việc thu hồi, tổ chức bồi thường và giải tỏa đất đai phải tuân thủ theo đúng trình tự pháp luật. Nguyên tắc chung, nhà nước thu hồi, tổ chức bồi thường, giải tỏa thu hồi đất đối với các công trình công; còn các doanh nghiệp lấy đất kinh doanh thì tự thỏa thuận, thương lượng đền bù. Như vậy, rõ ràng việc cán bộ chính quyền địa phương thay chủ doanh nghiệp thực hiện giải tỏa đất đai là lạm quyền, trái pháp luật. Luật Đất đai 2013 quy định: Chủ tịch UBND quận có thẩm quyền ban hành quyết định và tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế thu hồi đất. Lực lượng công an được mời tham gia, hỗ trợ công tác giải tỏa theo quyết định. Vì thế, khi lực lượng công an tự xuống hiện trường cùng doanh nghiệp tổ chức giải tỏa đất đai là trái luật. Quyết định 79/2010 của UBND TPHCM về tổ chức và hoạt động của Phòng Quản lý đô thị quận - huyện, nêu rõ: Phòng Quản lý đô thị quận có chức năng tham mưu cho quận về quản lý nhà nước lĩnh vực xây dựng, kiến trúc, quy hoạch xây dựng… Còn công tác tham mưu cho quận ban hành quyết định cưỡng chế, thực hiện quyết định cưỡng chế thu hồi đất thuộc về Phòng Tài nguyên - Môi trường. Do đó, những trường hợp Phòng Quản lý đô thị quận tham mưu cho quận cưỡng chế, thu hồi đất thay cho doanh nghiệp là lạm quyền, “đá lộn sân”. Khi công an, cán bộ chính quyền đứng ra làm thay cho chủ đầu tư, không chỉ đi ngược lại nguyên tắc chung, mà để lại nhiều hậu quả khó lường.
Theo luật gia Trần Đình Dũng (Trung ương Hội Luật gia Việt Nam), 80% vụ khiếu nại hiện nay đều xuất phát từ việc thu hồi, đền bù và giải tỏa đất. Để khắc phục thực trạng này, Luật Đất đai mới đã quy định khá chặt chẽ về quy trình, thủ tục và trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong công tác thu hồi đất đai, nhằm tránh cán bộ lạm quyền, tùy tiện ban hành quyết định thu hồi, cưỡng chế, lạm thu đất của dân. Khi các bước về thủ tục, trình tự thu hồi đất đã hoàn tất, đúng pháp luật, chủ tịch quận mới có quyền ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất và tổ chức thực hiện quyết định đó. Để giảm bớt điểm nóng khiếu nại về đất đai, cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân, thì việc sửa đổi, điều chỉnh luật hoàn thiện hơn là chưa đủ, mà cần phải có sự kiểm soát, giám sát các cá nhân, tổ chức thực hiện để tránh lạm quyền, lợi dụng vai cán bộ nhà nước làm thay cho doanh nghiệp.
TRẦN YÊN