Chắc có lẽ ít có đơn vị nào dành một vị trí trang trọng để tưởng nhớ đồng chí, đồng đội của mình như Cảnh sát PCCC TPHCM. Dù trước hay sau khi xây dựng cơ quan thì Đảng ủy, Ban Giám đốc Cảnh sát PCCC TPHCM vẫn dành vị trí tôn kính để ai cũng có thể đến viếng dù bất kể thời gian nào. Đó là Nhà tưởng niệm liệt sĩ, nơi Tổ quốc ghi công 7 CB-CS PCCC đã anh dũng hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ lặng thầm nhưng đầy vinh quang…
Vẫn còn đây…
Trước khi khởi công xây dựng, nơi ghi nhớ sự hy sinh thầm lặng của các liệt sĩ PCCC được xây dựng trang trọng ở bên trái cửa ra vào. Nơi ấy, dù ngày hay đêm vẫn nghi ngút khói hương. Như một thói quen đáng kính, CB-CS nào đi ngang qua đây cũng ghé ngang qua viếng và kính cẩn, nghiêng mình thắp cho các anh một nén nhang. Nhang không bao giờ thiếu, nhưng nhiều anh vẫn có thói quen đốt thêm một điếu thuốc. Rồi, lặng lẽ cắm điếu thuốc vào chân nhang và dâng vào bát. Dù không nói ra, nhưng các CB-CS đều rất thương kính và tự hào, khâm phục với tấm gương hy sinh anh dũng của các anh - những liệt sĩ trong thời bình - đã không quản ngại hy sinh chống lại “giặc lửa hung tàn” để hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng và cao cả mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã tin tưởng giao phó. Mỗi gương hy sinh của các anh là một chiến công khác nhau, một chiến công mà nhiều người trong lực lượng đều không mong đợi. Bởi lẽ, khi lực lượng chữa cháy ra quân là đâu đó đang rất cần sự hỗ trợ các anh. Đó là vụ cháy lớn nhỏ hay người bị nạn kẹt trong đống đổ nát, hoang tàn hay một thi thể nào đó đang bị nước cuốn trôi đi mất…
Bàn thờ Nhà tưởng niệm liệt sĩ lúc nào cũng khói hương nghi ngút…
Thượng tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Cảnh sát PCCC TPHCM, xuất thân từ một lính chữa cháy và qua trưởng thành, rèn luyện đã được tổ chức tin tưởng phân công lãnh đạo lực lượng PCCC quận 4, quận 1, cho biết: “Cứ mỗi lần viếng Nhà tưởng niệm, ký ức hào hùng của các chú, các anh lại hiện về rõ mồn một. Các anh, các chú hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Và, có những chiến công xảy ra khi tôi chưa vào ngành cảnh sát PCCC. Như vụ chú Nguyễn Văn Bảy và Võ Quang Hà hy sinh vào ngày 12-4-1979. Lúc ấy, Phòng Cảnh sát PCCC trực thuộc Công an TPHCM và 2 chú là cán bộ của Tiểu đội cấp cứu. Đơn vị đặc thù này có khá nhiều việc, dù biên chế lúc đó rất mỏng. Ngoài cứu người bị nạn, cứu người trong đám cháy thì đơn vị đặc biệt này còn đảm nhận công tác lặn mò vũ khí của bọn cướp, đối tượng xấu… phục vụ cho công tác điều tra. Cả nước chắc còn nhớ vụ ám sát vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga để bắt cóc con trai của nghệ sĩ đa tài, nhưng bạc mệnh này. Sau khi bắt được hung thủ, bọn chúng khai báo là quăng khẩu súng gây án dưới chân cầu Bình Lợi. Đây là khu vực nước chảy rất xiết và có nhiều vùng xoáy. Sau nhiều ngày lặn mò không có, với lòng quyết tâm với công việc và xác định đây chính là mấu chốt để đấu tranh với bọn tội phạm, chú Bảy và chú Hà vẫn không nản lòng mà quyết định lặn mò lần nữa. Và, đó là lần cuối cùng các chú tham gia cùng đồng đội. Thời điểm ấy, chú Bảy 50 tuổi còn chú Hà chỉ mới 23 tuổi đời”.
Và sống mãi…
Chiến tranh đã lùi xa, những tưởng trong đời thường sẽ không còn đau thương, mất mát. Công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vẫn đòi hỏi các CB-CS công an nói chung và lực lượng PCCC nói riêng tiếp tục dấn thân với hiểm nguy, gian khó, hy sinh… Các anh, các chú được ghi danh ở Nhà tưởng niệm là tiêu biểu cho sự hy sinh thầm lặng của lực lượng PCCC. Còn rất nhiều gương dũng cảm khác mà mỗi khi nhắc đến thì CB-CS đều rất ngưỡng mộ. Về vấn đề này, Thượng tá Huỳnh Quang Tâm, cho biết tiếp: “Thời điểm “dầu sôi, lửa bỏng”, nhưng các chú rất quyết tâm thực hiện công tác của mình. Như trường hợp chú Trương Văn Nở, bị thương trong trận cứu nổ ở Tây Ninh. Chú không yên tâm nằm trong bệnh viện, mà xin về đơn vị. Mặc dù, vết thương còn sưng to, chú Nở vẫn hăng hái xung phong cùng đồng đội tiếp tục đi chữa cháy. Chú Mười Ba trong lúc chữa cháy bị ngất đi do khói ngạt. Tuy vậy, khi tỉnh lại, chú Mười Ba đã không do dự và tiếp tục xông vào lửa khói cứu chữa. Đáng khâm phục là gương của Đại tá Lê Tấn Bửu (hiện nay là Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh) đã bị tường đổ, đè kín người khi làm nhiệm vụ trinh sát đám cháy tại kho hóa chất thuộc Nhà máy Dệt VISIFASA vào năm 1976. Dù thân thể bầm dập như vậy, nhưng Đại tá Bửu vẫn cố gắng tìm mọi cách vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ”.
Mỗi vụ chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn là một câu chuyện khác nhau với cách xử lý tình huống cũng không giống nhau. Tuy nhiên, dù trang thiết bị chưa được trang bị xứng tầm công việc, nhưng với sự dạn dày kinh nghiệm, niềm đam mê các anh đã vượt qua để dành chiến thắng. Đại úy Huỳnh Văn Tuấn, Phó trưởng Phòng Cứu hộ, cứu nạn, cho biết: “Trong quá trình công tác, chúng tôi đã nhiều lần thoát chết trong gang tấc. Chúng tôi không thể nào quên trường hợp của chú Nguyễn Ngọc Tốt, một cán bộ có thời gian cống hiến 40 năm trong nghề đã 2 lần ngất lịm, tưởng chừng như đã chết trong quá trình lặn mò xác, hung khí ở giếng sâu, sông lạ… Sự cố chìm tàu Dìn Ký nếu không có sự quan sát đầy kinh nghiệm của Thượng tá Nguyễn Văn Công - Phó trưởng Phòng Cứu nạn, cứu hộ thì tôi và Đại úy Nguyễn Chí Thành - Đội phó Đội Cứu nạn, cứu hộ dưới nước đã kẹt lại bên trong khoang tàu khi tàu Dìn Ký bị dòng nước chảy mạnh xô lật nghiêng bên mạn phải”.
Còn sống, còn sức lực, còn công tác! Đối với cuộc đời, các anh, các chú được ghi danh trong Nhà tưởng niệm không còn công tác nữa, nhưng các anh, các chú vẫn còn sống mãi trong lòng của đồng đội, đồng chí thân thương…
ĐOÀN HIỆP