Lặng thầm

Lặng thầm

Trước khi đọc các mục khác, ông Minh thường lướt qua mục cáo phó. Mắt ông bỗng nhòe đi và dừng lại trước dòng chữ in đậm: Huỳnh Thị Thu Nguyệt.

Minh họa: D.Kh.

Minh họa: D.Kh.

Vẫy chiếc taxi, ông lên xe mà không biết mình đi đâu. Người lái xe phải hỏi đến lần thứ ba. Xuống xe ông quên trả tiền. Người lái xe lại nhắc. Một cô gái mặc bộ đồ tang chạy ra dắt ông lên sảnh. Ngồi bên chiếc bàn ông hỏi cô gái:

- Má ra đi sao con?

- Má con đi tối qua. Đi nhẹ nhàng mà như chờ đợi. Má dặn đưa tận tay bác.

 Ông run run đón lấy bì thư. Một tấm hình úa màu thời gian rớt ra. Trong hình một đôi trai gái ngời ngời hạnh phúc. Đó là tấm hình ông cách nay hơn 30 năm. Đằng sau tấm hình là dòng chữ nắn nót, trân trọng: “Mãi bên anh”.

***

Minh đang học Đại học Văn khoa Sài Gòn. Tết Mậu Thân. Nhóm sinh viên cùng giải phóng quân chiếm đài phát thanh, chỉ mỗi Minh dính thương. Một cô gái có khuôn mặt như trẻ thơ với bàn tay có những ngón thuôn dài búp măng băng bó cho anh.

Sau Mậu Thân, Nhựt Minh là bút danh của anh ở Báo Giải Phóng. Minh thích nghi nhanh với cuộc sống ở rừng và có nhiều bài viết được đánh giá cao. Anh được cơ quan cử đi công tác tại Đại hội phụ nữ toàn Miền. Hôm khai mạc đại hội, Minh ngạc nhiên thấy phía cuối hội trường có vài hàng ghế được quây thành ô vuông, che vải kín mít. Hỏi ra, Minh được biết đó là khu dành cho đại biểu đang hoạt động bí mật trong nội thành. Anh càng tò mò hơn khi nghe các báo cáo viên trùm khăn kín mặt như những phụ nữ Hồi giáo.

Ở rừng, trời sập tối nhanh. Theo kế hoạch, tối nay Minh tiếp xúc với điển hình nội đô. Anh nóng lòng vì ngoài thành tích nổi bật, người báo cáo chiều qua còn có đôi mắt rất quen. Khu lán đại biểu “trùm mặt” nằm riêng rẽ, khuất sau hàng bằng-lăng tím… Minh ngồi chờ bên chiếc bàn ghép bởi những cây bói rừng. Anh định đứng lên đi lại cho bớt căng thẳng thì một bóng người đi tới. Chiếc khăn rằn che gần hết khuôn mặt, tay cầm cây đèn được chế từ một lọ thủy tinh có những hạt nhựa xanh đỏ. Minh thầm nghĩ, con gái có khác, chiến tranh vẫn làm đẹp.

- Nhà báo đợi lâu rồi hả, xin lỗi nha! - Một chất giọng nhẹ và ấm làm anh bồi hồi.

- Tôi vừa tới. Mời chị… à mời đồng chí ngồi (kêu đồng chí cho chắc ăn - Minh nghĩ).

Cuộc phỏng vấn kéo dài gần 3 giờ. Minh say sưa với những trận đánh của nữ biệt động Sài Gòn vào bót cảnh sát Thị Nghè, giết ác ôn ngay giữa chợ Tân Định và những ngày nổi dậy xuân Mậu Thân. Chần chừ mãi, Minh đánh liều hỏi:

- Hồi Mậu Thân đồng chí có ở Đài Phát thanh Sài Gòn không?

Một thoáng bối rối mà Minh cảm nhận được từ đôi bàn tay cứ xoa xoa liên hồi. Đôi bàn tay với những ngón thuôn dài… từng ám ảnh anh hình như đang ở trước mặt. Phải chi không có chiếc khăn rằn, phải chi không dưới ánh đèn dầu chắc chắn Minh đã có câu trả lời:

- Hồi Mậu Thân… tôi ở phía… cầu Chữ Y. Sao đồng chí hỏi vậy?

- Tôi bị thương ở Đài phát thanh. Một nữ biệt động đã băng bó cho tôi - Một phút im lặng. Bàn tay trước mặt Minh lại tiếp tục xoa xoa vào nhau.

“Nữ biệt động T.N.” là nhan đề bài báo đưa Nhựt Minh trở thành nhà báo tên tuổi ở R.

***

Sau 30-4-1975, Minh được tòa soạn cử đi viết về Đại hội phụ nữ thành phố. Minh gặp lại đủ mặt những chị em năm xưa. Riêng nữ biệt động T.N., người mà Minh mong gặp lại không có. Linh tính mách bảo: Nguyệt không thể hy sinh. Và Minh tự an ủi: không biết mặt, giáp mặt chắc gì nhận ra. Chỉ còn đôi mắt và những ngón tay... Nhưng, tìm một đôi mắt, kiếm đôi bàn tay lúc này khác chi mò kim đáy nước. Ngày cuối đại hội, cô gái lễ tân đến bên Minh hỏi nhỏ: “Có phải anh là nhà báo Nhựt Minh?”. Rồi tiếp: “Có người gửi cho anh cái này”. Minh lướt nhanh tờ giấy: “K/g nhà báo! Tôi muốn gặp anh tại…”. Minh đinh ninh đó là T.N.

Trước căn nhà tồi tàn nằm sâu trong hẻm cụt, chưa kịp bấm chuông, Minh đã thấy bóng người chờ sẵn. Bàn tay với những ngón thuôn dài búp măng nhẹ nhàng tra chìa vào ổ khóa. Minh nghẹn ngào nhìn vào đôi mắt không còn trẻ thơ mà phảng phất nỗi buồn u tối. Minh bước theo như mộng du. Giữa không gian ngột ngạt chìm trong tiếng quạt lạch cạch, phải một lúc lâu, uống gần hết ly nước đá, Minh nói trong hơi thở:

- Tôi tìm đồng chí suốt, cứ nghĩ đồng chí dự đại hội… -Chưa kịp dứt lời, cái giọng Sài Gòn nhẹ mà ấm đã hờn mát:

- Tôi đâu có diễm phúc. Tôi nghĩ anh quên hết rồi. Sao! Anh thế nào? Đã có gia đình chưa? Mấy cháu rồi? -Khóe miệng với hàm răng trắng đều lần đầu hiện ra trước mắt Minh sao mà chua chát. Những câu hỏi liên hồi như xả bớt nỗi đầy vơi mấy ngày nay và cả mấy năm qua. Dù cố nén nhưng càng nén, càng bật ra dữ dội.

- Như ngày ở R thôi đồng chí ơi! - Minh giả lả cho không khí bớt nặng nề - sao đồng chí biết mà gửi giấy vậy?

- Trên tivi đó. Thấy mặt hoài. Phát ghét. Tôi không dự nhưng biết hết. Bộ có việc gì mà xăng xái chỗ này chỗ kia vậy?

- Thì tìm đồng chí. Mắc cười, không biết mặt mà ráng tìm. Vậy mà cũng gặp. Đồng chí thấy giỏi hông. - Minh nhại tiếng nhẹ tênh Sài Gòn.

- Anh làm ơn dẹp cái “đồng chí” của anh đi. Bộ anh đến để họp hả?

- Rồi, rồi. Xin tuân lệnh đồng chí.

- Lại nữa! Anh mà còn “đồng chí” là khỏi nói chuyện luôn đó.

Minh nhìn thẳng vào đôi mắt âu sầu giờ đã thơ trẻ lại như ngày nào.

Thu Nguyệt bị bắt và đày ra Côn Đảo sau ngày ở R về. Sau giải phóng, tổ chức chưa phân công tác cho Nguyệt, chờ xác minh những ngày Nguyệt ở Côn Đảo.

Một buổi chiều nắng dịu nhẹ công viên. Ngồi xuống chiếc ghế đá xỉn màu sạch sẽ, Minh choàng một tay lên bờ vai Nguyệt, ghé sát định đặt nụ hôn lên môi người con gái anh thương vụng nhớ thầm. Không ngờ, Nguyệt né sang bên. Đôi mắt sâu thẳm và xa xăm nhìn thẳng vào Minh:

- Em thương anh, nhưng hãy giữ cho nhau một tình bạn sáng trong. Không đáp lại tình yêu, em đau khổ không kém anh đâu. Em thương anh nhiều lắm… - Minh chết lặng. Nguyệt như nói với chính mình:

- Chúng tra tấn đến nỗi em không còn khả năng làm mẹ. Em gánh chịu một mình. Anh phải có vợ và những đứa con. Đó là niềm mong mỏi… Vì nó, ta đã vượt qua tất cả để còn nhau… - Tiếng Nguyệt đứt quãng trong nấc nghẹn. Minh im lặng. Nước mắt chảy vào trong. Không khóc được, nỗi đau nhân lên gấp bội. Cả hai lẳng lặng nhìn bóng mấy cây cổ thụ đổ dài gẫy gập vào hoàng hôn.

Minh rủ Nguyệt đi chơi vài lần nữa nhưng Nguyệt từ chối khéo. Nguyệt chỉ đồng ý đi với Minh đến thăm một người quen cũ. Lần đó, Minh cố tình dừng lại giữa đường và rẽ vào một quán cà phê. Vùng vằng mãi, Nguyệt mới vào theo. Ngồi một lúc, Minh nghiêm trang:

- Anh quyết định rồi. Chúng ta làm đám cưới. Anh không thể sống thiếu em… Nguyệt cúi đầu không nói gì cho tới khi rời quán.

Lần cuối cùng Minh đến, căn nhà tồi tàn đã sửa lại. Một bà sồn sồn cho biết bà là chủ nhà. Chị Tư Măng đầu hẻm đưa cho bức thư của Nguyệt, Minh vội sà vào quán cà phê cóc, đọc ngấu nghiến: “Anh Minh. Em được minh oan và bố trí công tác. Em sẽ rời Sài Gòn và xin con nuôi. Đừng tìm em. Vĩnh biệt”. Minh như bị trúng gió. Ly cà phê đen nguội lạnh trong khi cổ anh đắng nghét.

Cả tháng, Minh chạy xe lòng vòng tìm Nguyệt một cách vô lý. Nhưng với Minh, vô lý còn hơn vô vọng. Kẻ đang yêu không chấp nhận thực tại phũ phàng.

Gần đây, Minh mới biết ngày đó Nguyệt vẫn ở Sài Gòn. Chị đảm trách chức Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện ngoại thành trước khi nghỉ hưu. Nguyệt vẫn đọc không sót một bài báo nào của Minh. Con nuôi của Nguyệt ra đón Minh hôm tang lễ. Cháu đã có gia đình, rất thương mẹ và thương cả mối tình lặng thầm của mẹ.

Hoàng Đình Chiến

Tin cùng chuyên mục