(SGGP). – Ngày 3-5, TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, hiện nay chưa có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy bệnh liên cầu khuẩn ở heo lây từ người sang người. Tất cả trường hợp nghi ngờ hay nhiễm căn bệnh này mà bệnh viện đang điều trị, đều có tiếp xúc với heo bệnh, hoặc ăn tiết canh, lòng heo, thịt heo chưa được nấu chín kỹ.
Đáng lưu ý, bệnh nhân khi bị nhiễm liên cầu khuẩn ở heo thường có triệu chứng sốt, đau đầu, buồn nôn, rối loạn tri giác, hôn mê hoặc bị tổn thương nhiều cơ quan. Nếu không phát hiện và điều trị sớm thì bệnh nhân sẽ bị viêm màng não hoặc nhiễm trùng huyết, có thể để lại di chứng, khó điều trị hoặc gây tử vong.
TS Kính cũng cho biết, trong vài tuần gần đây, bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp nghi nhiễm liên cầu khuẩn nhập viện, trung bình 1 - 2 ca mỗi ngày. Đáng chú ý là đã có 4 bệnh nhân được xác định nhiễm liên cầu khuẩn ở heo, trong đó 3 người bị viêm màng não và 1 người bị nhiễm trùng huyết.
Một số chuyên gia dịch tễ cho biết, bệnh liên cầu khuẩn xảy ra quanh năm nhưng vào mùa dịch tai xanh thì số lượng heo bị bệnh liên cầu nhiều hơn, nên số người mắc căn bệnh này cũng tăng cao. Hiện vẫn còn tình trạng người dân chạy bán heo ốm, heo dịch.
Trước tình trạng này, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân tuyệt đối không ăn tiết canh, gỏi, thịt heo chưa được nấu chín, khi mua thịt heo phải rõ nguồn gốc, có dấu kiểm dịch rõ ràng, những người giết mổ heo, hay đi tiêu hủy heo bệnh cần đeo khẩu trang, găng tay cẩn thận.
* Ngày 3-5, ông Đặng Đình Thoảng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hà Nam cho biết, dịch tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả đã bùng phát lại trên địa bàn tỉnh Hà Nam với 47 trường hợp mắc sau khi cùng ăn cỗ ở một đám cưới tại thôn Hàn, xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân.
Qua điều tra dịch tễ ban đầu cho thấy, đã có 110 người tham gia bữa cỗ trên, sau đó 47 người bị mắc tiêu chảy, trong đó, 4 trường hợp có biểu hiện nặng. Hiện nay, cơ quan y tế Hà Nam đang tiến hành các biện pháp xử lý, khoanh vùng ổ dịch. Đồng thời tiếp tục giám sát những người cùng dự bữa cỗ cưới tại thôn Hàn để theo dõi diễn biến bệnh.
Như vậy cho tới thời điểm này, chỉ riêng miền Bắc đã có 5 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương và Hà Nam ghi nhận dịch tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả.
Đáng chú ý, phần lớn các trường hợp nhiễm bệnh đều do tiếp xúc, sử dụng thực phẩm không an toàn bị nhiễm khuẩn tả, nguồn nước ở một số địa phương cũng đã bị nhiễm khuẩn tả, khiến cho dịch bệnh nguy hiểm này dễ lan rộng.
Tr.Kiên