PHÓNG VIÊN: Theo ông, trong việc huy động các doanh nghiệp tham gia xây dựng các công trình hạ tầng, làm cách nào hạn chế tiêu cực, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh?
Ông LÊ HOÀNG CHÂU: Việc xã hội hóa đầu tư để huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng theo phương thức BT (xây dựng - chuyển giao), BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao) và PPP (hợp tác công tư) đã mang lại hiệu quả rất lớn, thiết thực. Trong đó, phải kể đến những công trình lớn đã và đang xây dựng như cầu Phú Mỹ, xa lộ Hà Nội, cầu sắt Bình Lợi, đường nối Vành Đai 2… Mới đây, TPHCM đã kêu gọi đầu tư 133 dự án theo phương thức xã hội hóa, trong đó có các dự án quy mô lớn như chỉnh trang khu vực Nam Kênh Đôi (quận 8) có tổng vốn đầu tư 14.000 tỷ đồng, với quỹ đất đối ứng tại chỗ 28ha; dự án cầu Thủ Thiêm 4 có tổng vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng, dự kiến đối ứng 16 khu đất.
Để chủ trương đạt hiệu quả cao, TPHCM công khai đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư cũng như các khu đất đối ứng. Các trường hợp chỉ định thầu, nhà đầu tư, chỉ được thực hiện trong những trường hợp đặc biệt theo quy định của Luật Đấu thầu. Hiệu quả của việc đấu thầu công khai, minh bạch mang lại là hạ được tổng suất đầu tư, giá trị đất đối ứng tăng lên và tạo sự công bằng cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng. Công khai, minh bạch là giải pháp tốt nhất để hạn chế tham nhũng trong lĩnh vực đất đai và chống thất thoát tài sản công.
Vậy các doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi như thế nào khi đất đai được đấu giá công khai, minh bạch?
Đất đai đối với doanh nghiệp đơn thuần là mặt bằng nhà xưởng, trụ sở công ty với lợi thế của địa điểm, nhưng khi là nguồn vốn đối ứng, đất đai là hàng hóa đặc biệt - bất động sản. Giá trị đất đai quyết định yếu tố thành bại của doanh nghiệp. Nếu không thực hiện đấu thầu công khai, một số nhà thầu, nhà đầu tư được hưởng lợi đơn, lợi kép. Nhà đầu tư được chỉ định làm nhà thầu xây lắp mà không phải thông qua thủ tục đấu thầu rộng rãi để chọn nhà đầu tư. Khi được chỉ định nhà đầu tư dự án bất động sản, các khu đất đối ứng cũng được ưu đãi tương tự. Điều này sẽ dẫn đến bất bình đẳng trong đầu tư, cạnh tranh không lành mạnh. Những doanh nghiệp không có được sự ưu ái sẽ không đủ sức cạnh tranh. Vì thế, mỗi khi các doanh nghiệp được tiếp cập đất đai một cách minh bạch, công khai và bình đẳng, sẽ tạo được lợi thế trong kinh doanh. Đây cũng chính là lợi ích mà doanh nghiệp có được từ việc công khai, minh bạch trong đấu thầu dự án, đấu giá đất. Một khi đã tạo lập môi trường đầu tư lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng, sẽ củng cố lòng tin cho các nhà đầu tư; làm lợi cho ngân sách nhà nước và tăng sự đồng thuận trong xã hội. Nhiều nhà đầu tư sẽ hào hứng bỏ vốn đầu tư để làm giàu cho doanh nghiệp, góp phần xây dựng hạ tầng thành phố.
Nhà nước đang lấy ý kiến góp ý về sửa đổi Luật Cạnh tranh, Hiệp hội Bất động sản TPHCM có góp ý thêm về nội dung này?
Về hành vi cạnh tranh không lành mạnh được quy định tại Chương VI Dự thảo luật, Hiệp hội nhận thấy, điều quan trọng là cần quy định các tiêu chí xác định hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Trên thực tế có rất nhiều loại hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Do vậy, hiệp hội đề nghị dự thảo luật cần quy định các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm và giao cho Chính phủ quy định các biện pháp chế tài nếu đối tượng vi phạm các điều cấm. Tại Khoản 5 Điều 46 Dự thảo luật đưa ra khái niệm “lôi kéo khách hàng bất chính”, về cấu trúc văn phạm có lẽ chưa chuẩn, nên chỉnh lại “có hành vi bất chính nhằm lôi kéo khách hàng” thì phù hợp hơn.