Lối mở cho những “Tuabin xanh”

Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn về phát triển năng lượng tái tạo, nhất là các nguồn năng lượng sạch từ điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối.

Kết quả nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức - GIZ cho thấy, riêng với điện mặt trời, năm 2020, các dự án trên lãnh thổ Việt Nam đạt ít nhất 7 Gigawatt (GW), vượt xa mục tiêu quốc gia là 0,8 GW theo Quy hoạch điện lực VII (điều chỉnh, năm 2016). Trong giai đoạn 2021 - 2030, các dự án điện mặt trời trong nước có thể đạt mức vài trăm GW, vượt xa mục tiêu đề ra là 12 GW vào năm 2030. 

Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến cuối tháng 8-2020, cả nước có khoảng 45.299 dự án điện mặt trời, tổng công suất lắp đặt lên đến 1.029 MWp (công suất định danh của thiết bị thu năng lượng mặt trời) với tổng sản lượng điện phát lên lưới là 500.692 MWh, giúp giảm phát thải 457.132 tấn khí CO2.

Đã có 5.000 MW từ nguồn điện mặt trời đi vào vận hành, trong đó dự án quy mô nối lưới đạt khoảng 4.500 MW, đối với điện mặt trời mái nhà đạt trên 31.570 dự án với tổng công suất là 657,88 MWp.  

Trong 2 năm qua, đã có sự phát triển bùng nổ các dự án điện gió, điện mặt trời tập trung và ứng dụng điện mặt trời phân tán rộng rãi trong dân như điện mặt trời áp mái, điện gió, điện mặt trời kết hợp sản xuất nông nghiệp, thủy sản và du lịch sinh thái, cộng đồng… Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cũng đã đầu tư lắp đặt, sử dụng các nguồn năng lượng này để giảm chi phí. Năng lượng tái tạo hầu như không gây ra các tác động đến môi trường, mà còn phát huy lợi ích về kinh tế - xã hội, giúp đa dạng hóa nguồn cung năng lượng. 

Tuy nhiên, phát triển năng lượng tái tạo không thể cùng lúc tạo ra sự đột phá như việc đổ tiền vào xây dựng một nhà máy nhiệt điện than, có thể phát ra hàng ngàn MW. Đó là một quá trình nhận thức và chuyển dịch năng lượng từ nâu sang xanh. Việc phát triển mang tính bùng nổ của nguồn năng lượng tái tạo này ở Việt Nam cũng đang vướng các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách liên quan thị trường điện; chính sách giá điện và bảo đảm đầu tư, vướng mắc trong việc thực thi chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho phát triển, sử dụng năng lượng tái tạo. Trong đó, “xung đột” về sử dụng đất nông nghiệp, thủy sản để phát triển điện gió, điện mặt trời; việc quản lý tiêu chuẩn, kỹ thuật, công nghệ và trang thiết bị từ các nguồn nhập khẩu, cũng như năng lực, trách nhiệm thi công của các đơn vị... đang là những vấn đề nóng được đặt ra đối với phát triển năng lượng tái tạo. 

Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định mục tiêu nâng “Tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15%-20% vào năm 2030, từ 25%-30% vào năm 2045”. Theo đó, xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hóa thạch. Ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện; khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường, cùng phát triển kinh tế tuần hoàn. Song song đó, hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng và các địa phương có lợi thế.

Định hướng chiến lược đã có, công việc bây giờ để các “tuabin xanh” phát triển bền vững là cần nghiên cứu xác định đúng nhu cầu sử dụng điện, phân tích chi phí và lợi ích của các kịch bản phát triển năng lượng khác nhau, theo mô hình phát triển bền vững. Bên cạnh đó, cần có các cơ chế chính sách, tài chính, để thúc đẩy doanh nghiệp, người dân và cộng đồng tham gia phát triển, ứng dụng năng lượng tái tạo nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, giảm thiểu nhiệt điện than, giảm thiểu tác động tới môi trường, bảo đảm phát triển bền vững các.

Tin cùng chuyên mục