Khi những lời quảng cáo có cánh trên tờ rơi và những trung tâm môi giới việc làm không còn được người tìm việc tin tưởng, thời gian này, kẻ xấu còn trà trộn vào tận lớp học để chiêu dụ các sinh viên (SV) mới. Vì thiếu kinh nghiệm, cả tin nên nhiều SV mới ở TPHCM đã mắc bẫy.
Vào tận lớp học để lừa
Mới đây, một nhóm SV năm nhất Khoa Quản trị kinh doanh ĐH Tôn Đức Thắng bị lừa mỗi người 340.000 đồng khi tham gia lớp tập huấn bán hàng của Công ty cổ phần Tân Mỹ. Theo SV Lê Nguyễn Hoàng, đang trong lớp thì Mạnh, ngồi chung bàn, nhận điện thoại với vẻ đầy lo lắng. Vừa cúp máy, Mạnh quay ra nói với mọi người rằng anh trai của bạn đang cần gấp người làm bán thời gian, mà chưa tuyển đủ, trong khi công việc sắp bắt đầu. Thấy lịch học khá thưa nên Hoàng cùng 3 bạn nữa nhờ Mạnh xin việc cho mình.
Ngay tối hôm đó, một anh tên Bảo gọi điện báo cuối tuần tới địa chỉ số 2 Lữ Gia (quận 11) tập huấn. Hoàng kể: “Tại đó, tụi em cùng 20 bạn khác cũng là SV năm nhất của nhiều trường ĐH, CĐ được tập huấn về cách quảng cáo sữa tới các đại lý sữa. Cuối buổi, mọi người được yêu cầu đóng 340.000 đồng làm thẻ ATM để sau này nhận lương, làm thẻ thành viên và đóng phí tập huấn. Sau đó, Bảo gợi ý ai muốn đi làm liền thì đặt cọc tiền để lấy sữa đi chào hàng theo các địa chỉ công ty cung cấp, số tiền tùy từng sản phẩm, từ 700.000 đồng trở lên. Vì hết tiền nên em và một số bạn hẹn bữa khác sẽ bắt đầu công việc.
Trên xe buýt, tụi em thảo luận về buổi tập huấn thì một chị đi xe chung khuyên tụi em không nên tham gia vì đó là nhóm bán hàng đa cấp, chuyên dụ người vào nhập hội để đi bán hàng với giá trên trời. Em gọi hỏi anh Bảo thì anh nói đa cấp không lừa ai mà chỉ tạo cơ hội cho mọi người có thu nhập cao. Tuy nhiên, muốn thu nhập cao thì phải đầu tư là lẽ đương nhiên!”.
Cũng vì cả tin chiêu tuyển dụng, Nguyễn Thanh Tuyền (SV CĐ Sư phạm Trung ương 2) mất 380.000 đồng. Tuyền kể: “Nghe Ngọc - một cô bạn mới trong lớp - nói hệ thống siêu thị Coop Mart đang tuyển dụng, chị của Ngọc có mấy suất, không muốn bỏ qua cơ hội tốt, em đồng ý liền. Hôm sau, Ngọc nói chị gái đã đồng ý giúp em, giờ đi mua hồ sơ để nộp và mua đồng phục là tuần sau có thể đi làm. Rồi Ngọc bảo em đưa tiền nhờ chị Nhung mua giúp để đỡ mất thời gian tới siêu thị. Vì tin tưởng bạn nên em đưa 380.000 đồng để mua 1 bộ hồ sơ và 3 chiếc áo theo Ngọc báo giá. Từ hôm đó, em không thấy Ngọc đi học, điện thoại không liên lạc được, sợ bạn có chuyện gì nên em tới Coop Mart Xa Lộ Hà Nội tìm chị Nhung để hỏi thăm thì phòng nhân sự nói không có người tên Nhung. Về lớp tìm hiểu thêm, em mới hay danh sách 3 lớp cùng học đại cương chung không có ai tên Ngọc và có nhiều bạn trong lớp cũng bị lừa giống em”.
Đánh cắp sản phẩm của người tìm việc
Ngoài việc lừa tiền, nhiều công ty còn lừa ứng viên thông qua các bài kiểm tra tuyển dụng. Trần Minh Thương (SV năm cuối ĐH Văn Lang) cho biết: “Em tìm việc trên mạng, sau khi gửi hồ sơ xin việc qua mạng theo yêu cầu của Công ty NC, em nhận được mail phản hồi với nội dung thông báo đã qua vòng 1 và để hoàn thành vòng 2 thì phải thiết kế một banner cho ngày 20-10 với logo và slogan mà công ty đưa ra, đòi hỏi những yêu cầu về kích thước, định dạng, dung lượng khá chi tiết. Họ còn đề nghị em thiết kế cho mềm mại, độc đáo giúp họ. Vì lần đầu tìm việc thông qua internet nên em cũng không nghi ngờ gì mà sốt sắng làm liền. Cả tuần sau khi gửi bài kiểm tra, em vẫn không nhận được phản hồi từ công ty, nhưng lại thấy sản phẩm của mình được chạy quảng cáo trên một kênh mua hàng trực tuyến. Chia sẻ với một số anh chị đã đi làm, em mới hay đó là chiêu trò nhiều công ty vẫn dùng mỗi khi cần ý tưởng mới mà không muốn tuyển thêm nhân sự và không phải trả công”.
Chị Lương Minh Trang, Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH MTV Nhân lực trẻ, cho biết: “Thông thường, quy trình tuyển nhân sự qua mạng sẽ trải qua khâu lọc hồ sơ, sau đó sẽ gửi email hoặc gọi điện thoại mời ứng viên tới gặp mặt và phỏng vấn trực tiếp, sau đó mới yêu cầu làm bài kiểm tra ngay tại công ty để thử năng lực. Tuy nhiên, khi sử dụng sản phẩm của ứng viên chưa phải là nhân viên của công ty thì phải được sự cho phép của ứng viên đó. Trả thù lao hay không là do hai bên tự thỏa thuận”.
Hiểu tâm lý của nhiều SV ở các tỉnh về TPHCM trọ học thường mong muốn tìm được việc làm ngay để có thu nhập, đỡ gánh lo cho gia đình, nên kẻ gian lợi dụng lừa gạt tiền. Vì vậy, nhà trường nên cảnh báo SV mới cảnh giác, tránh bị mắc lừa.
MINH VÂN