Báo SGGP nhận được đơn khiếu nại của bạn đọc Lê Văn Danh, đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ tính hợp pháp của một hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất được công chứng tại Văn phòng công chứng Chợ Lớn vào tháng 4-2009.
Tưởng đã nắm dao đằng chuôi
Vào năm 2007, ông Lê Văn Danh (ngụ tại phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, TPHCM) thỏa thuận cho bà Trần Thái Hoan (ngụ tại đường Gia Phú, phường 3, quận 6, TPHCM) vay tiền với lãi suất 2%/tháng. Ông Danh đã 9 lần đưa tiền cho bà Hoan vay, nhưng do bà Hoan không thanh toán cả lãi và vốn nên đến ngày 3-9-2008, hai bên tiến hành chốt nợ.
Theo đó, bà Hoan viết giấy xác nhận còn nợ ông Danh 3,7 tỷ đồng, lãi suất 2%/tháng trong thời hạn 3 tháng; nếu đến tháng thứ tư mà bà Hoan vẫn chưa trả vốn thì sẽ trả lãi cho ông Danh 10%/tháng. Giấy xác nhận nợ có 2 người làm chứng cùng ký tên.
Tháng 6-2009, do bà Hoan vẫn không thanh toán tiền, ông Danh khởi kiện ra Tòa án Nhân dân quận 6, đồng thời đề nghị tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, cấm bà Hoan chuyển dịch căn nhà thuộc sở hữu của bà tại số 19 đường số 15, khu phố 1, phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức (gọi tắt là nhà số 19) để đảm bảo việc thi hành án.
Tháng 9-2009, TAND quận 6 mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, tuyên bà Hoan phải trả cho ông Danh số tiền 3,7 tỷ đồng. Bà Hoan kháng cáo lên TAND TPHCM, tuy nhiên dù được triệu tập xét xử hợp lệ 2 lần nhưng bà vẫn vắng mặt không có lý do. Tháng 2-2010, TAND TPHCM ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án dân sự tranh chấp hợp đồng vay tài sản nói trên, tuyên bản án sơ thẩm của TAND quận 6 có hiệu lực pháp luật.
Ông Danh làm đơn yêu cầu thi hành án (THA) và Chi cục THA dân sự quận 6 ủy thác cho Chi cục THA dân sự quận Thủ Đức thực hiện. Ông Danh tưởng rằng mọi việc đã đến hồi kết, căn nhà của bà Hoan sẽ bị kê biên và phát mãi để thanh toán tiền nợ cho ông. Thế nhưng…
Luật “đá” nhau
Ngay sau khi thụ lý vụ việc, chấp hành viên của Chi cục THA dân sự quận Thủ Đức xác minh và xác định được bà Hoan mua căn nhà số 19 từ bà Vang Ngọc Thanh; hợp đồng chuyển nhượng nhà đất của hai bên lập tại Phòng Công chứng số 4 vào ngày 7-4-2009. Đến ngày 17-6-2009, UBND quận Thủ Đức đã cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đối với căn nhà nói trên cho bà Hoan (đổi sổ).
Tuy nhiên, vấn đề rắc rối ở chỗ, chỉ 11 ngày sau khi ký hợp đồng mua căn nhà từ bà Thanh, dù chưa hoàn tất thủ tục đăng bộ sang tên (đổi sổ) thì bà Hoan đã ký hợp đồng chuyển nhượng căn nhà nói trên cho người khác là ông Nguyễn Văn Thành, có chứng nhận của Văn phòng công chứng Chợ Lớn vào ngày 18-4-2009 (thời điểm này, căn nhà chưa bị TAND quận 6 ra văn bản ngăn chặn). Do vậy, chấp hành viên không thể kê biên tài sản để thi hành án.
Ông Danh có đơn khiếu nại, đề nghị cơ quan chức năng làm rõ việc Văn phòng công chứng Chợ Lớn chứng nhận hợp đồng chuyển nhượng nhà đất khi bà Hoan chưa đăng bộ, sang tên là đúng hay sai so với quy định pháp luật. Về vấn đề này, cơ quan THA dân sự cũng thấy “lúng túng”, vì hiện nay pháp luật quy định mâu thuẫn nhau về xác định thời điểm chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với bất động sản.
Cụ thể, theo quy định của Luật Nhà ở thì quyền sở hữu nhà ở được chuyển cho bên mua từ thời điểm hợp đồng chuyển nhượng được công chứng (khoản 5, Điều 93). Còn theo quy định của Bộ luật Dân sự thì “Việc chuyển quyền sở hữu đối với bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký quyền sở hữu (khoản 1, Điều 168); đối với tài sản mua bán mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì quyền sở hữu được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký quyền sở hữu (khoản 2, Điều 439) và việc chuyển quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký quyền sử dụng đất (Điều 692)”.
Do vậy, Chi cục THA dân sự quận Thủ Đức phải chờ hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền để xác định chủ sở hữu, chủ sử dụng nhà, đất số 19 là ai thì mới có thể tiến hành các bước xử lý tài sản theo quy định.
Thế là, chỉ vì sự quy định chồng chéo của luật mà quyền lợi hợp pháp của người dân cứ bị “treo” không biết đến khi nào mới được giải quyết.
Tri Tâm