Lúng túng khi qua cầu Kênh Tẻ

Cầu Kênh Tẻ (TPHCM) thông xe tháng 9-2004, kéo khoảng cách giữa quận 4 và quận 7 lại gần hơn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế cho hai quận nói riêng và TPHCM nói chung. Dù vậy việc đi lại, thông thương của người dân từ hướng quận 7 sang quận 4 nhiều năm qua còn bất tiện, khó khăn do đường dẫn (cặp bên hông cầu) lên cầu là đường cụt.
Lúng túng khi qua cầu Kênh Tẻ

Cầu Kênh Tẻ (TPHCM) thông xe tháng 9-2004, kéo khoảng cách giữa quận 4 và quận 7 lại gần hơn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế cho hai quận nói riêng và TPHCM nói chung. Dù vậy việc đi lại, thông thương của người dân từ hướng quận 7 sang quận 4 nhiều năm qua còn bất tiện, khó khăn do đường dẫn (cặp bên hông cầu) lên cầu là đường cụt.

Nhiều xe tải lưu thông vào đường dẫn bên hông cầu Kênh Tẻ (phía quận 7) để lên cầu qua quận 4 nhưng đường dẫn bị cụt phải quay trở ra đường Trần Xuân Soạn.

Nhiều xe tải lưu thông vào đường dẫn bên hông cầu Kênh Tẻ (phía quận 7) để lên cầu qua quận 4 nhưng đường dẫn bị cụt phải quay trở ra đường Trần Xuân Soạn.

Để sang quận 7, người dân sống trên đường Tôn Thất Thuyết (quận 4) sẽ lưu thông vào đường dẫn (cặp bên hông cầu Kênh Tẻ), rồi qua cầu, mất khoảng 5 phút. Trong khi đó, bên phía quận 7, đường dẫn (cập bên hông cầu) là đường cụt. Để sang quận 4, người dân sống trên đường Trần Xuân Soạn, quận 7 phải đi vòng theo lộ trình Trần Xuân Soạn – Lê Văn Lương – Nguyễn Hữu Thọ – cầu Kênh Tẻ với chiều dài hơn 3km, mất gần 20 phút. Với người dân vãng lai, không xác định được hướng đi vòng nên việc lưu thông càng khó khăn và lúng túng. Chiều 17-6, đứng quan sát dưới gầm cầu Kênh Tẻ khoảng 15 phút, chúng tôi ghi nhận có hơn 20 xe gắn máy, ô tô, xe tải lưu thông vào đường dẫn bị cụt và quay trở ra đường Trần Xuân Soạn.

Ông Nguyễn Bá Dương, hành nghề xe ôm trên đường Trần Xuân Soạn, cho biết: “Trung bình mỗi ngày có khoảng chục người đi đường dừng xe hỏi đường lên cầu Kênh Tẻ, còn số phương tiện đi nhầm vào đường cụt rồi quay ra thì vô số kể…”. Bất cập trên tồn tại hơn 8 năm qua, người dân đã nhiều lần phản ánh với chính quyền địa phương, ngành chức năng nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp. Nhiều tài xế xe tải bức xúc: Việc thiết kế và đưa vào sử dụng cầu Kênh Tẻ của chủ đầu tư như thế là bất hợp lý, chẳng khác nào đánh đố người đi đường. Nếu thiết kế đường cập bên hông cầu không dẫn lên cầu thì đơn vị quản lý hạ tầng giao thông phải lắp đặt biển báo chỉ dẫn ở đầu đường để người lưu thông không tốn thời gian đi vào đường cụt. Đằng này…

Ông Bùi Trần Cường, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng giao thông – Khu Quản lý giao thông đô thị số 4 (Sở GTVT TP), cho biết: Trong thiết kế của chủ đầu tư (Khu Quản lý giao thông đô thị số 1) thì cầu Kênh Tẻ không có đường nhánh dẫn lên cầu do vướng rạch Ông Đội. Hơn nữa, ở thời điểm xây cầu, mật độ cư dân trong khu vực thưa thớt nên việc đầu tư đường nhánh dẫn lên cầu là không cần thiết. Những năm trở lại đây, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, người dân từ nơi khác đến gần khu vực cầu cất nhà ở nhiều nên phát sinh bất cập.

Sắp tới, khu sẽ lắp đặt biển báo hướng dẫn đường lên cầu Kênh Tẻ ở 2 vị trí: Đầu hẻm 693 đường Trần Xuân Soạn và ở nút giao Trần Xuân Soạn – Lê Văn Lương. Theo đó, để đi từ đường Trần Xuân Soạn, quận 7 sang quận 4, người dân có thể đi theo hai hướng: Trần Xuân Soạn – Lê Văn Lương – Nguyễn Hữu Thọ - cầu Kênh Tẻ, hoặc Trần Xuân Soạn – hẻm 963 – Nguyễn Hữu Thọ - cầu Kênh Tẻ.

Phạm Minh

Tin cùng chuyên mục