Tại Malaysia, ngành sản xuất nhựa tái chế là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2000. Với hơn 1.300 nhà sản xuất nhựa, Malaysia là một trong những quốc gia có ngành công nghiệp sản xuất nhựa tái chế lớn nhất toàn cầu. Sau khi Trung Quốc ngừng thu mua gần như toàn bộ rác thải để tái chế từ năm 2018, Malaysia trở thành địa điểm mới thu hút rác từ mọi nơi trên thế giới, tạo đòn bẩy cho ngành công nghiệp tái chế rác thải. Các số liệu của Liên hiệp quốc cho thấy, nhập khẩu rác thải nhựa của Malaysia đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 2016, lên 870.000 tấn vào năm 2018.
Song song đó là sự gia tăng nhanh chóng về số lượng các nhà máy tái chế rác. Trong đó, nhiều nhà máy hoạt động không có giấy phép và ít quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường. Đại diện của tổ chức Greenpeace tại Malaysia, Heng Kiah Chun, cho biết có 2 loại rác thải nhựa. Một loại là nhựa hỗn hợp sạch, có thể dễ dàng tái chế. Loại thứ hai là loại không thể tái chế. Loại này được để lẫn với nhựa có thể tái chế trong cùng một container.
Những container nhựa bẩn cập cảng Malaysia nhờ khai báo gian dối. Chúng được các nhà buôn lậu rác thu mua về vì giá thành rẻ hơn. Các công ty bất hợp pháp này không bận tâm đến môi trường. Họ đổ chất thải trên đất nông nghiệp mua được từ nông dân địa phương, sau đó những người lao động nghèo được trả lương thấp phân loại tại chỗ. Họ thu tất cả những gì có thể tái chế được, rồi mang đi rửa các dấu vết của phân bón, thuốc trừ sâu hay kim loại nặng... Nước rửa sau đó được thải vào các con sông liền kề. Điều này ít gây tốn kém hơn nhiều so với việc lắp đặt hệ thống xử lý rác thải, có thể tốn tới vài triệu USD.
2 năm trở lại đây, truyền thông quốc tế đồng loạt tố cáo vấn nạn rác thải đến từ phương Tây đã tác động thế nào đến quốc gia Đông Nam Á này. Tuy nhiên, theo nhà hoạt động Heng Kiah Chun, điều này không đem lại nhiều thay đổi, mà chỉ khiến các nhà máy tái chế rác hoạt động bí mật hơn. Để hạn chế, Malaysia đã thắt chặt việc cấp phép nhập khẩu, tăng cường giám sát nhập rác và thực thi chính sách nghiêm hơn tại các cảng. Năm 2019, 170 nhà máy tái chế rác bất hợp pháp đã bị đóng cửa. Vào năm ngoái, cũng như một số nước khác trong khu vực, Malaysia gửi trả 150 container chứa 3.737 tấn chất thải; trong đó 43 container cho Pháp, 42 cho Anh, 17 cho Mỹ và 11 cho Canada. Chính phủ Malaysia cũng đưa ra 19 tiêu chí mà các nhà nhập khẩu rác thải phải đáp ứng để được cấp phép nhập khẩu. Thế nhưng, ô nhiễm do tái chế rác bất hợp pháp vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Trong khi đại dịch Covid-19 khiến nhiều ngành bị chững lại, thì ngành tái chế rác thải dường như không bị ảnh hưởng, mà ngược lại còn tăng trưởng. Việc đổ chất thải nhựa và đốt rác lộ thiên vẫn tiếp diễn.
Nguyên nhân có thể do chính quyền khó duy trì các biện pháp kiểm tra, ít người giám sát. Ông Mageswari, thuộc Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng Penang, cho rằng, việc xử lý những nhà máy tái chế rác bất hợp pháp không được thực hiện triệt để. Khi chính phủ đóng cửa các nhà máy này ở một vùng, thì họ lại chuyển đến vùng khác và chất thải vẫn bị “bỏ rơi” ở nhiều nơi...