Mảnh đất nhà ông Bảy Lộc rộng chừng ba trăm mét, nằm phía bờ Tây sông Sài Gòn quanh năm sóng vỗ. Ngự trị trên đó là căn nhà lá có tự lâu đời bốn mùa nắng gió. Những làn gió từ sông Sài Gòn thổi lên quanh năm mát rượi. Những con bìm bịp từ đâu kéo về đậu trên đám dừa nước, gọi con nước lớn ròng. Những đám lục bình theo con nước dạt về bám quanh những gốc dừa nước nở hoa tím ngát. Những tàn cây hoang dại lâu năm liên kết với nhau thành những mái vòm. Một khu vườn hoang dã và thơ mộng còn lại ít ỏi trên vùng đất Sài Gòn thời hiện đại.
Ngay sát khu vườn ông Bảy Lộc là căn biệt thự rộng mênh mông màu ngói mới đỏ tươi nằm trong bốn bức tường bao bọc. Chủ căn biệt thự là chú Bắc chừng độ bốn mươi tuổi. Nghe nói phẩm hàm của chú cũng cao lắm đi làm có xe hơi đưa rước.
Hồi mới chuyển về ở chú Bắc sang chơi thường, đôi lúc cũng trà dư tửu hậu. Với ông Bảy Lộc thì ai cũng vậy, ai cũng là bà con xóm giềng tối lửa tắt đèn có nhau. Cái tình người trong ông lúc nào cũng đầy ắp, phóng khoáng như gió, như nước sông Sài Gòn vậy. Nhưng với riêng chú Bắc thì nó cứ vơi dần kể từ ngày ông không thuận bán miếng đất cho chú Bắc. Không bán, không phải ông không thích tiền tỷ, nếu tính ra mảnh đất của ông ở thời điểm hiện tại cũng có vài tỷ và có thể còn hơn thế nữa, chả là hồi đầu năm có một thầy phong thủy đi ngang phán một câu xanh rờn: “Mảnh đất rùa vàng”, thầy còn nói thêm: “Ai là chủ nhân miếng đất đó luôn được quyền cao, chức trọng, con cháu được đời đời vinh hoa phú quí”. Ông thì chẳng tin dị đoan, nhưng từ thời còn nhỏ xíu ông đã nghe ông già mình bảo rằng: “Mảnh đất rùa vàng”. Quả thật nó có hình thù như một con rùa nằm, cái đầu hơi chúi xuống như đang mải mê uống dòng nước ngọt từ sông Sài Gòn mênh mông vô tận.
Có thể vì lẽ đó chú Bắc muốn mua bằng mọi giá. Song, với ông Bảy Lộc dù 5 tỷ hay hơn thế nữa ông cũng không thể bán. Bởi lẽ với ông không chỉ là đất ở, mà còn là mảnh đất tổ tiên để lại từ thời Sài Gòn hoang sơ thuở khai hoang lập ấp. Cùng những kỷ niệm sâu sắc mà ông Bảy Lộc không thể quên. Đó là đêm mùa xuân Mậu Thân (1968), lúc ấy suốt dải đất bờ sông Sài Gòn bạt ngàn dừa nước và cây hoang dã. Ngay trên mảnh đất “hình con rùa” này là một điểm vượt sông của quân giải phóng tiến vào giải phóng Sài Gòn.
Giờ đây, đêm đêm ông vẫn như còn nghe văng vẳng tiếng khua nước của các chú bộ đội vượt sông, tiếng súng nổ. Hình ảnh vợ ông trút vội nồi bánh tét, rồi bốc từng đòn bánh tặng các chú bộ đội hơi nóng còn bốc lên nghi ngút. Khi trời chưa sáng hẳn tiếng súng nổ càng dữ dội, từng bầy trực thăng của quân đội Sài Gòn quần đảo nhả đạn xuống hai bờ sông. Căn nhà của ông bốc cháy, khói đạn mù mịt, vợ ông người con gái của mười tám thôn Vườn Trầu ngã xuống cùng mấy chú bộ đội ngay bên bờ cái công sự mé triền sông.
Bom đạn rồi cũng yên ắng. Ông Bảy Lộc trở về cất lại nếp nhà, bám vườn ruộng, hơn bốn mươi năm trôi qua giờ tuy đã gần bảy mươi tuổi ông vẫn sống độc thân. Người ta bảo: “Đàn bà chồng chết, thắt lưng cho chặt, thờ chồng giữ trọn chữ trinh” còn ông là đàn ông sao phải cam phận ở vậy suốt đời... Đó là những lời khuyên chân tình quí mến ông. Song, trong lòng ông mãi mãi không thể có người đàn bà thứ hai. Hình ảnh người vợ hiền thục, người liệt nữ ông mãi tôn thờ đã đóng cửa trái tim ông. Lời nói của nàng trước lúc trút hơi thở cuối cùng như còn vang mãi bên tai ông: “Hãy giữ mảnh đất tổ tiên... làm người... dân... Nam bộ... tốt”...
Suốt mấy chục năm qua ông sống không hổ thẹn với nàng, với đời, mặc dù ông chỉ là “một phó thường dân Nam bộ”. Ông không mưu cầu chức tước, danh lợi, tiền bạc. Chức tước, lợi danh, một thời rồi cũng qua đi. Tiền bạc như bóng phù vân, nay còn mai hết, chỉ có tình người mãi mãi còn. Ông ôm giữ mảnh đất này là ôm giữ kỷ niệm, nơi thờ phụng ông bà, nơi có nấm mộ của nàng, cùng một cái công sự của mấy chú bộ đội đào từ hồi Tết Mậu Thân, ông vẫn gìn giữ nó đến tận bây giờ, ông coi đó như một báu vật phải giữ gìn cho mai sau. Ông đã làm trên đó một mái vòm lợp lá che mưa, che nắng.
Dưới góc cây đước già gần đó ông đặt một cái trõng tre, sáng nào ông cũng ngồi đó nhấm nháp ly cà phê đen đặc quánh, hướng mắt ra phía dòng sông Sài Gòn lăn tăn sóng vỗ. Sáng mồng hai tết năm nào ông cũng dọn cỏ hai bờ công sự và đặt mâm cơm cúng vong hồn các chiến sĩ. Ông đứng đó, ngóng về nơi xa xôi. Những gợn sóng nhấp nhô như những chiếc nón tai bèo của các chú bộ đội vượt sông. Đâu đó những gợn sóng phản chiếu ánh mặt trời sẫm đỏ, như những vệt máu của các chú bộ đội còn loang đỏ trên mặt sóng dòng sông Sài Gòn hôm nay và mãi mãi đến tận ngàn năm sau.
Với ông Bảy Lộc, tuy là người ít chữ, nhưng ông hiểu rằng: Sóng nước là vô tận và vô hạn. Cuộc đời con người là hữu hạn, ngắn ngủi. Tiền bạc là của phù vân. Người xưa bảo rằng: “Khi sinh ra chẳng mang đến, khi chết chẳng mang đi”. Ông đã sống gần trọn cuộc đời trong cái xóm nhỏ bên bờ sông Sài Gòn này, bà con lối xóm thân tình, cởi mở, phóng khoáng như cây bần, cây đước ven sông.
Ấy vậy mà từ khi có những ngôi biệt thự mọc trên đất này, không gian dường như chật hẹp. Những bức tường rào ngăn hết đường xưa lối cũ. Những tiếng còi xe hơi bấm vô tội vạ đinh tai, nhức óc xóm giềng... Rồi bỗng dưng người ta đồn thổi: “Nhà ông Bảy Lộc có ma, đêm nào bóng ma cũng chạy nhảy trên cành cây”... Có người còn bắn tin: “Thôi bán quách đi, ở làm chi căn nhà có ma đó”... Ấy là người ta đồn đại vậy, với ông thì chưa bao giờ có ma và thấy ma, nhưng ông phải kiểm chứng tin đồn đó thật hay giả. Đêm đêm ông đóng cửa nhà, ra ngồi trên cái chõng tre bên thành công sự đợi ma. Một đêm, hai đêm, ba đêm trôi qua im ắng. Đến đêm thứ tư vào khoảng hai giờ sáng ông nghe tiếng nổ lẹt xẹt rồi những đốm sáng như những vệt lân tinh chạy trên những ngọn cây. “ Không lẽ có ma thật” – Ông nghĩ và dán mắt theo từng vệt sáng. Bất ngờ ông phát hiện vệt sáng đó bắt nguồn từ sân thượng ngôi biệt thự của chú Bắc phát ra. Ông lặng lẽ trở vào nhà, lẩm nhẩm một mình: “Ma sống, chớ không phải ma chết”.
Những ngày sau đó có vài lần ông gặp chú Bắc, nhưng chú Bắc không dám nhìn thẳng vào mắt ông, vội vàng quay mặt đi nơi khác như chưa một lần gặp ông. Ngoài xa ngọn gió từ sông Sài Gòn vẫn ào ạt thổi, vô tư, phóng khoáng. Những ngọn cỏ trên bờ công sự vẫn long lanh ngậm giọt sương mai vẫy gọi những mùa xuân mới. Ông nâng ly cà phê nhấm nháp từng ngụm mỉm cười xem lại tờ giấy hiến “mảnh đất rùa vàng” cho Ủy ban nhân dân phường với nguyện vọng: Sau khi ông qua đời, mong ủy ban phường hãy xây dựng trên nền đất của ông một nhà văn hóa, để làm nơi sinh hoạt văn hóa thể thao cho thanh thiếu niên toàn phường. Và xin hãy giữ gìn, bảo tồn cái công sự của các chiến sĩ quân giải phóng mà ông đã coi như báu vật và gìn giữ nó suốt đời ông.
Ngoài xa, mé triền sông Sài Gòn tiếng con bìm bịp gọi bạn đời lại vang lên da diết. Những chùm hoa lục bình vẫn nở tím như thuở nào. Nụ hoa lục bình tím nở, hay nụ cười mãn nguyện của người vợ hiền năm xưa. Ông thì thầm trước phần mộ nàng: “Anh đã và mãi mãi là người dân Nam bộ tốt như lời em dặn dò”... Đôi mắt ông nhạt nhòa trong nắng sớm, những chùm hoa lục bình tím biếc, cả dòng sông lục bình tím nở... Những tia nắng mùa xuân rực rỡ cả khu vườn. Một nhà văn hóa khang trang, một khu bảo tồn cứ ẩn hiện trong đôi mắt ông.
TPHCM tháng 8 năm 2011
XUÂN HÒA
Hộp thư Cuộc thi truyện ngắn Ban Tổ chức tiếp tục nhận được tác phẩm dự thi của các tác giả: Đoàn Hữu Nam (Hội VHNT tỉnh Lào Cai), Hoàng Thế, Ngô Văn Phú, Vũ Phương Mai Anh (Hà Nội), Mai Đình Lưu, Nguyễn Thị Chiên, Nguyễn Ngọc Ký, Xuân Hòa, Nguyễn Trùng Dương, Đặng Đức Thưởng, Thạch Cương, Lê Hữu Hiền, Vũ Đình Phương, Nguyễn Hoàng Dung, Trương Thị Thanh Thùy (TPHCM), Vũ Thị Thiên Hương (Nha Trang), Huỳnh Hải Âu, Nguyễn Ngọc Bảy (Bình Thuận), Nguyễn Quốc Nam (Cần Thơ), Lê Ngọc Hạnh (Bình Dương), Vũ Thị Thiên Hảo (Đà Lạt), Nguyễn Thị Cẩm Vân (Long An). Chân thành cảm ơn và mong tiếp tục nhận được các tác phẩm dự thi.