Từ giữa tháng 4 đến nay, tại TPHCM đã lác đác xuất hiện tình trạng mất điện do quá tải cục bộ, dù ngành điện lực đã có phương án dự phòng từ đường dây đến trạm cung cấp.
Dân nóng, ngành điện “nóng” theo
Gọi đến đường dây nóng Báo SGGP, nhiều bạn đọc phản ánh tình trạng ở khu dân cư thường bị cúp điện đột xuất. Chị Hà Ngọc (ở đường Nguyễn Cảnh Chân, phường Cầu Kho, quận 1) than phiền: “Khoảng 22 giờ tối 3-5, cúp điện đang lúc thời tiết oi bức, cả xóm mất ngủ, ai cũng ra trước cửa hay hàng hiên cho đỡ nóng, chờ có điện lại. Một tiếng sau, có điện, ai cũng mừng, nhưng chỉ được hơn một tiếng lại cúp tiếp, nóng và tức muốn điên luôn!”. Chị Phương Uyên (ở phường Bình Trưng Đông, quận 2) bức xúc phản ánh: “Hồi giữa tháng 4, cả 3 đêm liền mất điện, lúc có lúc tắt, mệt quá!”. Một bạn đọc ở đường Bùi Viện (quận 1) liên tục suốt từ 30-4 đến 5-5 gửi tin nhắn đến đường dây nóng Báo SGGP, bực dọc: “Tại sao lại cúp điện liên tục ở đường Bùi Viện, cả trong mấy ngày lễ, mà không báo trước?”. Tình trạng mất điện nhiều nơi ở TPHCM và thường xảy ra vào thời điểm từ 21 giờ - 23 giờ. Tại sao?
Công nhân Công ty Điện lực Sài Gòn trực và đo tải, đo nhiệt bằng camera cầm tay tại giao lộ Bùi Viện - Đề Thám
Tổng Công ty Điện lực TPHCM cho biết, trên cơ sở dự báo nhu cầu tiêu thụ điện mùa khô 2015 và căn cứ tốc độ phát triển, năm nay ngành điện lực đã có dự phòng công suất các trạm và đường dây. Thời tiết nắng nóng, oi bức kéo dài nên nhu cầu sử dụng điện quá cao, ngành điện vẫn đáp ứng được, tuy nhiên có hiện tượng không như mọi năm: quá tải cục bộ rơi vào cao điểm khuya, từ 20 giờ trở đi, dẫn đến bật CB đầu trụ, gây mất điện vài khu vực dân cư.
Vất vả chống quá tải
Trưa ngày 9-5, chúng tôi đến góc đường Bùi Viện - Đề Thám, gặp anh Trần Anh Kiệt, Tổ trưởng Tổ Quản lý lưới điện (Công ty Điện lực Sài Gòn) cùng 3 công nhân ngồi trực tại đây để xác minh thông tin bạn đọc phản ánh, tìm hiểu vì sao cúp điện liên tiếp. Anh Kiệt than: “Đường Bùi Viện có hàng trăm khách sạn lớn nhỏ, dịch vụ ăn uống. Tối đến, các khách sạn, nhà hàng đồng loạt mở máy lạnh nên công suất tiêu thụ điện quá lớn, ngành điện phải gắn đến 3 trạm biến áp, chưa kể có khi còn phải tăng cường thêm máy lưu động, vậy mà có lúc cũng bị bật CB”.
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty Điện lực Sài Gòn, dẫn chứng: “Sản lượng tiêu thụ điện trên địa bàn quận 1 và quận 3 trong tháng 2 là 4,6 triệu kWh/ngày; cuối tháng 4 vọt lên 6,6 triệu kWh/ngày. Tức là tăng hơn 30% và tăng đột biến vào cao điểm khuya ở một vài khu vực. 4 khu vực nóng được đánh dấu trên bản đồ để “chăm sóc” là đường Nguyễn Huệ, Bùi Viện (quận 1), Hoàng Sa (đoạn cầu số 7) và Nguyễn Thiện Thuật (quận 3), phải tăng thêm 50% công nhân ứng trực tại hiện trường; cứ cách 1 - 2 giờ công nhân phải đo tải, đo nhiệt và báo về đội trực vận hành, nếu quá nhiệt, quá tải là xử lý ngay, không để xảy ra mất điện. Đến nay, công ty đã thay CB cho 10 trạm, cấy mới 2 trạm, chuẩn bị thi công tiếp 2 trạm cho khu Đồng Tiến và đường Nguyễn Cảnh Chân… Kết quả đến nay các điểm nóng đã không còn tình trạng quá tải cục bộ”.
Ông Võ Hồng Minh Danh, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thủ Thiêm, cho biết: “Tại quận 2 và quận 9, tình trạng quá tải cục bộ xảy ra ở một vài khu dân cư, do sử dụng quá nhiều máy lạnh, máy phun sương… dẫn đến phụ tải tăng gần 50%, nhất là cao điểm khuya. Hơn một tháng nay, anh em chúng tôi gồng mình để tăng cường công suất 26 trạm, chia tải hợp lý các lộ ra, kéo thêm 3,7km lưới hạ thế, thay các CB quá tải… Đến nay các khu vực quá tải đã được thu hẹp”. Ông Nguyễn Hữu Khoa, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Gò Vấp, cho hay: “Tại địa bàn quận Gò Vấp, từ giữa tháng 4 đến nay ngành điện lực đã tăng 40% số công nhân ứng trực 24/24 giờ tại 3 điểm nóng là khu vực Chợ Cầu, đường Nguyễn Thái Sơn và Thống Nhất. Vừa đo tải vừa đo nhiệt, hễ nghe bộ đàm báo là anh em có mặt ngay để khắc phục, vì phụ tải tăng nhanh quá, hơn 30% so với năm ngoái. Nhờ 5 trạm biến thế vừa tăng cường công suất, đến nay đã không còn quá tải cục bộ”.
Theo dự báo khí tượng, trung tuần tháng 5 sẽ có mưa chuyển mùa, tuy vậy ngành điện lực TP vẫn có công điện chỉ đạo 16 công ty điện lực trực thuộc không được lơ là, phải ứng trực 24/24 giờ và kéo dài đợt cao điểm đến giữa tháng 6.
|
Thư Lê