MGĐ-120: Giải pháp giải quyết thiếu lao động thu hoạch lúa

MGĐ-120: Giải pháp giải quyết thiếu lao động thu hoạch lúa

Máy gặt đập liên hợp MGĐ-120 do Công ty chế tạo Vinappro sản xuất đã giảm chi phí thu hoạch chỉ còn ½, tỉ lệ hao hụt còn 3% so với thu hoạch thủ công là 7%. Máy thực hiện động tác 6 trong 1: vơ, cắt, chuyển, đập, làm sạch, vô bao, là giải pháp hữu hiệu cho tình trạng thiếu lao động nông nghiệp.

MGĐ-120: Giải pháp giải quyết thiếu lao động thu hoạch lúa ảnh 1

Máy gặt đập liên hợp MGĐ-120 hoạt động trên cánh đồng lúa ấp An Lợi xã Hòa Bình huyện Chợ Mới tỉnh An Giang. Ảnh: Thành Tâm.

Trên cánh đồng lúa đông–xuân ở ấp An Lợi, xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới tỉnh An Giang xuất hiện 6 chiếc máy gặt đập màu đỏ mới tinh của Công ty Vinappro. Bà con nông dân thực hành những động tác kỹ thuật trên máy rồi cùng xuống ruộng lúa thu hoạch.

Anh Trần Đức Đạt, Trưởng phòng kỹ thuật Công ty Vinappro, cho biết: Trong chương trình cơ giới hóa nông nghiệp, sau khi đã sản xuất và cung cấp các loại máy tạo ôxy, máy bơm cho bà con nuôi tôm ở Bến Tre và Trà Vinh thành công, công ty đã nghiên cứu chế tạo những máy gặt đập để cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa.

Qua kinh nghiệm sử dụng các máy gặt đập liên hợp của nhiều nước và một số máy đơn vị bạn chế tạo, công ty Vinappro đã chọn người bạn đồng hành là Công ty BS (Briggs & Stratton – Mỹ) và Viện Lúa PhilRice (Philippines) cùng chế tạo máy gặt đập liên hợp MGĐ-120.

Công ty BS cung cấp động cơ và thiết kế, còn Công ty Vinappro đảm nhận việc chế tạo với sự giúp đỡ kỹ thuật của Đại học Nông Lâm TPHCM. Máy gặt đập này có chiều rộng cắt 1.200mm, chiều cao cắt 100 - 500mm, năng suất cắt, tùy thuộc vào loại ruộng và độ đứng của cây lúa, từ 1 ha - 1,5ha/ngày.

Hao hụt do hạt rơi vãi, đập sót, theo rơm từ 1% - 3% (thu hoạch thủ công hao hụt 7%). Tiêu thụ nhiên liệu 15 lít/ha. Trọng lượng máy chỉ có 600 kg, gọn nhẹ dễ sử dụng, có khả năng vượt lầy. Chi phí giảm 50% so với thu hoạch thủ công.

Máy gặt đập MGĐ–120 còn được Công ty Vinappro điều chỉnh, bổ sung thiết kế, đưa đi khảo nghiệm tại 10 địa điểm ở miền Đông Nam bộ và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, đã phát huy được khả năng tại ruộng đồng Việt Nam, ở đất khô và cả đất ướt. Giá mỗi máy MGĐ-120 là 43 triệu đồng. Công ty Vinappro đã bán 6 máy MGĐ-120 cho nông dân ở huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) và cung cấp cho Liên minh HTX tỉnh An Giang 6 máy.

An Giang là tỉnh dẫn đầu về sản xuất lúa, có 500.000 ha đất trồng lúa, năng suất bình quân 6tấn/ha/vụ, tổng sản lượng lúa thu hoạch năm qua là 3 triệu tấn lúa. Do phát triển công nghiệp, đô thị hóa nhanh, lực lượng lao động nông nghiệp đã bị thu hút nhiều vào các khu công nghiệp hoặc lên TPHCM tìm việc làm có thu nhập cao hơn, nên đến mùa thu hoạch lúa, lao động bị thiếu nghiêm trọng.

Máy gặt đập liên hợp MGĐ-120 ra đời là một tin vui cho ngành nông nghiệp. Theo anh Lý Sở Tăng, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh An Giang, Ngân hàng NN-PTNT tỉnh An Giang đã tiến hành đầu tư trang bị cho HTX, xã viên nông nghiệp của tỉnh 5 MGĐ-120 trong thu hoạch vụ lúa đông-xuân và từ nay đến mùa thu hoạch lúa hè-thu sẽ đầu tư trang bị thêm 100 máy gặt đập này để thực hiện cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa trong tỉnh.

Ngân hàng NN-PTNT tỉnh cho HTX, xã viên vay 70% giá trị của máy không phải trả lãi, mỗi năm chỉ phải trả 1/3 vốn vay. Ngoài việc hỗ trợ từ ngân hàng, các HTX nông nghiệp tỉnh còn được Tổ chức Hỗ trợ phát triển nông nghiệp quốc tế ACDI/VOCA mở nhiều lớp đào tạo người vận hành máy, giới thiệu máy, nâng cao nhận thức thu hoạch bằng máy, quảng bá dịch vụ thu hoạch bằng máy đến nông dân.

Anh Lý Sở Tăng tính sơ bộ một bài toán hiệu quả kinh tế của máy. Theo anh, công gặt đập thủ công hiện nay khoảng 1,2 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng 1 ha lúa, 1 ha tiêu thụ 15 lít xăng thành tiền 120.000 đồng, tiền công 4 lao động theo máy khoảng 160.000 đồng, khấu hao máy móc, dầu nhớt khoảng 400.000 đồng thì mức lời tối thiểu là 500.000 đồng đến 800.000 đồng và nếu làm 1 năm 2 vụ, mỗi vụ khoảng 30 ha thì chỉ hơn 1 năm là có thể thu hồi vốn.

ĐỨC THÀNH

Tin cùng chuyên mục