Xem quảng cáo kiếm tiền triệu
Các thông tin rao tuyển dụng việc làm ảo thường được quảng cáo trên các diễn đàn rao vặt, kênh tìm kiếm việc làm của sinh viên. Những lời chào mời việc nhẹ, nhàn hạ mà mức lương hấp dẫn đã thu hút nhiều người đăng ký làm việc.
Qua thông tin từ bạn đọc phản ánh đến đường dây nóng Báo SGGP, phóng viên đã liên hệ với tài khoản Facebook có tên là V.V. đang rao tuyển dụng việc nhẹ, lương cao, để hỏi cách thức kiếm tiền, người này liền gửi một đường link, rồi hướng dẫn: “Bạn chỉ cần nhấp vào đây, tải ứng dụng về trên điện thoại di động, sau đó đăng ký, nhập thông tin tài khoản. Mỗi ngày, dành ra từ 10 đến 15 phút đọc các tin quảng cáo, hoặc các bài báo soát lỗi chính tả, mỗi lượt đọc như vậy bạn sẽ nhận được thù lao. Đến mức 100.000 đồng, có thể đổi trực tiếp ra thẻ cào điện thoại, hoặc chuyển thẳng vào tài khoản ngân hàng. Ngoài ra, khi bạn mời được một người mới, cài ứng dụng qua đường link bạn chia sẻ, thì bạn sẽ nhận được 3.000 đồng tiền hoa hồng”.
Thưc tế, khi đọc một bài báo ở các trang này, quảng cáo liên tục nổi lên khiến người đọc rất khó chịu và mất nhiều thời gian. Ở đây, còn có nhiều lời mời chào trực tiếp chọn xem các tin hoặc video quảng cáo để nhằm tăng thêm “xu ảo” vào ví điện tử của mình.
Hiện nay trên mạng internet, các ứng dụng đọc báo dò chính tả, xem quảng cáo kiếm tiền như vậy nhiều nhan nhản.
đăng ký làm việc
Tiền đâu không thấy
Thực chất, đây là một chiêu trò lừa người lao động đang có nhu cầu tìm việc làm, tuy không mới, nhưng đánh trúng tâm lý của nhiều bạn sinh viên, người nội trợ muốn có công việc làm thêm tại nhà lúc nhàn rỗi. Lời quảng cáo việc nhẹ, lương cao nên vẫn có nhiều người dính bẫy. Dành thời gian đọc báo, xem quảng cáo cả tháng trời nhưng mãi không thấy tiền đâu. Thực chất phía chủ các trang mạng sẽ nhận được tiền từ các nhà quảng cáo, dựa theo lượt view của người xem.
Nguyễn Thị Hiền (sinh viên Đại học Khoa học xã hội - Nhân văn TPHCM) chia sẻ: “Mình đã từng đăng ký tham gia mỗi ngày dành 60 phút để đọc báo tìm lỗi chính tả và xem các quảng cáo, tuy nhiên sau gần một tháng, thu nhập cũng chỉ được 100.000 đồng, nhưng không thể đổi ra tiền mặt hay thẻ cào điện thoại như lời hứa tuyển dụng ban đầu. Mỗi lần xem quảng cáo, cứ thấy điểm thưởng tăng dần, nên tin tưởng, cứ tiếp tục xem. Nhưng về sau không rút được tiền, mới biết mình bị lừa”.
Tương tự, bạn Trần Văn Quyết (sinh viên Đại học Văn Lang) cũng từng bỏ thời gian dài xem quảng cáo để kiếm tiền, Quyết cho hay: “Ban đầu mình hơi nghi ngờ, lúc ấy mấy anh chị tuyển dụng hứa đảm bảo sẽ kiếm được tiền và rất nhiều tiền nên mình tin tưởng tham gia. Khi không rút được tiền mới tỉnh mộng, biết rằng mình đã bị lừa, và biết việc kiếm tiền không hề dễ dàng”.
Hiện nay trên mạng đang tràn ngập thông tin tuyển dụng việc làm dịp Tết Nguyên đán, nhưng không phải thông tin nào cũng trung thực, chính xác. Những lời mời chào việc nhẹ, lương cao tại các chuỗi cửa hàng, rạp phim, siêu thị... đang thu hút được rất nhiều người lao động quan tâm.
Để tránh bị lừa, thiệt hại tiền bạc, tốn thời gian, người có nhu cầu tìm việc làm cần tìm hiểu kỹ thông tin từ các đơn vị tuyển dụng, nên cân nhắc kỹ trước khi nộp các khoản tiền. Nếu không may trở thành nạn nhân của các trò lừa đảo này, cần tìm đến các cơ quan chức năng ở địa phương để tố cáo, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình.