Mong muốn và hiện thực

Khi Hội Nhà văn TPHCM công bố giải thưởng văn học TPHCM năm 2013 chỉ có 3 tác phẩm được tặng thưởng: Tiếng vọng dòng sông - tập thơ của Quang Chuyền, Những chiếc lá thiêng liêng - tập thơ của Từ Quốc Hoài và Cả làng biết bay - tập truyện thiếu nhi của Thu Trân, dư luận đã xuất hiện nhiều ý kiến khác nhau. Có người cho là chính xác, có người nói là khắt khe, có người cho là rộng rãi, có người bảo là mất mùa, có người cho đó là chuyện thường tình. Về việc này, theo tôi, cần có một cái nhìn và thái độ bình tĩnh. Văn học có năm được mùa lớn, có năm được mùa nhỏ, đó như là quy luật vậy.

Theo quy chế, chỉ những hội viên mới được dự giải và cơ cấu giải thưởng có 2 loại: giải thưởng, tặng thưởng và ở cả hai, các tác phẩm là đồng hạng.

Là người trong cuộc, tôi biết, từ những người thảo ra đến những người thực thi quy chế đều rất mong muốn có những giải thưởng đã đề ra. Hơn nữa, còn luôn luôn mong có giải cao, có thêm những giá trị mới dự vào dãy giá trị tinh thần chung của đất nước, của dân tộc.

Nhưng thực tiễn cho thấy, để có được những tác phẩm như thế, hoàn toàn không dễ dàng. Điều này tùy thuộc nhiều yếu tố và trong một cuộc hội thảo gần đây bàn về “Làm thế nào để tác phẩm có giá trị cao”, nhiều người nhấn mạnh đến cái tài (có phần bẩm sinh và có phần do rèn luyện), cái tâm (tấm lòng, tâm huyết của nhà văn với sự nghiệp và nghệ thuật), cái tầm (tư tưởng lớn, trí tuệ mẫn tiệp và lóe sáng của cảm xúc…) của người sáng tạo.

Nhưng điều này không phải lúc nào cũng kết hợp được những yếu tố ấy trong một con người, hoặc liên tục qua các năm. Bởi vậy chúng ta phải chấp nhận một sự thật, trong văn học nghệ thuật, sản lượng các mùa gặt có thể trồi sụt theo từng năm, dù chăm sóc ngày một tốt hơn.

Năm nay, trong số 26 tác phẩm dự giải, có nhiều màu sắc đa dạng, phong phú. Nhiều tác phẩm phản ánh công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ đổi mới khá hấp dẫn, nhiều tác phẩm trở lại những trang sử quá khứ đầy hào hùng và bi tráng, một số tác phẩm thể hiện những quan hệ xã hội da dạng, phức tạp trong đời sống hiện tại. Trong văn xuôi có những thể nghiệm mới về nghệ thuật mà trước đây ít có hoặc chưa có. Thơ cấu tứ đa dạng hơn, nhiều cảm xúc mới lạ hơn.

Trong lý luận phê bình không chỉ bó hẹp trong quan niệm truyền thống mà mở rộng sang cả phần chính trị - xã hội. Những mặt mạnh cùng hạn chế đan xen trong từng tác phẩm. Và kết quả lựa chọn qua 2 vòng sơ khảo và chung khảo, được ban chấp hành chuẩn y, chỉ là 3 tác phẩm chúng tôi nhắc đến ở trên. Đây là những tác phẩm hội tụ nhiều ưu điểm, tránh được hạn chế mà nhiều tác phẩm khác mắc phải.

Nhưng so với tiêu chí, với mong muốn của ban giám khảo, tác phẩm được giải phải có đóng góp trong việc mở ra phương thức sáng tạo mới, phản ánh sinh động một hiện thực đặc sắc nào đó của đất nước, dân tộc, thời đại mình; thể hiện được ý tưởng, tư tưởng liên quan đến số phận chung của nhân loại, lay động sâu sắc lòng người, hoặc chí ít cũng làm giàu thêm các giá trị truyền thống của quá khứ, thì những tác phẩm dự giải lại chưa đạt mức mà thành viên giám khảo kỳ vọng.

Điều này thể hiện qua những thảo luận sôi nổi, xem xét thận trọng ở các cuộc họp hội đồng và qua từng lá phiếu. Bởi quan niệm như thế, nên năm 2013, văn học TPHCM không có giải thưởng mà chỉ có tặng thưởng. Như người xưa thường nói “so bó đũa lấy cột cờ” thì đây là những tác phẩm nổi trội hơn, hoàn thiện hơn. Nhìn lui lại mấy năm gần đây, năm 2010, có giải thưởng và có cả giải thưởng cho cây bút trẻ xuất sắc; năm 2012 cũng có giải thưởng và tặng thưởng. Có văn xuôi, có thơ và cũng không quên văn học thiếu nhi là mảng đề tài thường ít được quan tâm.

Riêng lĩnh vực lý luận phê bình, không phải hội không chú ý, nhưng thật sự những năm gần đây, trong số những tác phẩm dự giải, chưa có tác phẩm nào thật nổi bật. Đó là điều đáng tiếc, nhưng cũng là lý do mà Hội Nhà văn TPHCM hết sức quan tâm xây dựng đội ngũ và đẩy mạnh hoạt động lý luận phê bình.

LÊ QUANG TRANG

Tin cùng chuyên mục