Một quyết định khó hiểu

Hai bên tranh chấp, bên thứ 3 được

Hiện nay, việc xét xử án dân sự thường gây nhiều tranh cãi, bởi “xử sao cũng đúng” do có quá nhiều mâu thuẫn pháp luật tồn tại. Nhiều quyết định khó hiểu ngay với những người làm luật. Dưới đây là một trường hợp khá điển hình.

Hai bên tranh chấp, bên thứ 3 được

Bà Cao Thị Kiều Hạnh nộp đơn kiện ông Trần Thạnh Phúc để đòi lại số tiền bà đã cho ông mượn xây nhà. Trong quá trình TAND quận Thủ Đức (TPHCM) thụ lý xét xử, bà Hạnh phát hiện ông Phúc có ý định bán chính căn nhà được tạo nên bằng tiền vay mượn của bà, nên bà Hạnh yêu cầu TAND quận Thủ Đức áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm ngăn chặn việc chuyển nhượng nhà đất, đảm bảo việc thi hành án. Thẩm phán đã đồng ý cho bà nộp tiền đảm bảo (để bồi thường thiệt hại, nếu yêu cầu áp dụng biện pháp này là sai, gây thiệt hại cho người khác). Thẩm phán cũng đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ”, tức phong tỏa nhà đất nói trên.

Vụ án đang diễn ra, bỗng gần 6 tháng sau kể từ ngày thẩm phán ra quyết định áp dụng biện pháp trên, ông Vũ Tất Trình, Chánh án TAND quận Thủ Đức, ra quyết định giải quyết khiếu nại của bà N. - người mua căn nhà bị phong tỏa nói trên - với nội dung: Yêu cầu thẩm phán hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời. Theo yêu cầu của chánh án, thẩm phán giải quyết vụ án đã ra quyết định hủy bỏ biện pháp này. Thế là tài sản bị phong tỏa được “cởi trói”, tự do chuyển nhượng cho người khác.

Chỉ bằng một quyết định hành chính giải quyết khiếu nại, tòa án đã góp phần làm tài sản trong vụ án “lọt” ra ngoài. Trong khi tài sản đó liên quan đến nội dung tranh chấp (nhà được tạo lập bởi tiền mượn). Tại sao chánh án lại chấp nhận đơn của một người không liên quan gì đến vụ án một cách dễ dàng như vậy, khi mà Điều 124 Luật Tố tụng dân sự quy định, chỉ có đương sự (nguyên đơn, bị đơn, người được tòa chấp nhận đưa vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) mới có quyền khiếu nại đối với biện pháp khẩn cấp tạm thời. Thời hạn khiếu nại cũng chỉ trong vòng 3 ngày, chứ không phải đến gần 6 tháng chánh án mới ra quyết định giải quyết khiếu nại, yêu cầu thẩm phán hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp trên như thế.

Áp luật nhà hay đất, khi hai là một?

Căn cứ để chánh án yêu cầu thẩm phán hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là do bà N. cung cấp hợp đồng nhận chuyển nhượng nhà đất của ông Phúc đã được công chứng trước khi thẩm phán ra quyết định áp dụng phong tỏa nhà đất nói trên (khoảng 1 tuần). Chánh án cho rằng, hợp đồng công chứng này là “tình tiết mới”.

Thay vì khi xuất hiện tình tiết mới liên quan đến vụ án thì tòa phải đưa hồ sơ vào vụ án để chủ thể thành người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, đằng này chánh án lại viện dẫn khoản 5 Điều 93 Luật Nhà ở để xác định “quyền sở hữu nhà được chuyển nhượng kể từ thời điểm hợp đồng được công chứng”. Trong khi đó, hợp đồng trên là hợp đồng chuyển nhượng cả nhà và đất (chứ không chỉ riêng nhà - căn hộ) thì không thể áp dụng theo Luật Nhà ở được. Khi có liên quan đến đất thì cần phải xét đến các quy định của Bộ luật Dân sự. Cụ thể, khoản 1 Điều 168 “thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký quyền sở hữu” và Điều 692 “việc chuyển quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký quyền sử dụng đất”. Trước khi thẩm phán ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cũng đã xác minh rõ tài sản nhà đất vẫn do ông Phúc đứng tên. Ngoài ra, luật cũng quy định nếu bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời sai, gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường và bà Hạnh cũng đã nộp tiền đảm bảo cho yêu cầu của mình. Từ đó thật khó hiểu vì sao chánh án yêu cầu hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời nói trên.

Theo nhiều chuyên gia pháp luật, đối với vụ án này, lẽ ra ngay từ đầu khi bà N. nộp đơn khiếu nại, tòa án phải trả lời không tiếp nhận đơn vì bà không phải là đương sự trong vụ án nên không có quyền khiếu nại (theo Điều 124 Luật Tố tụng dân sự). Đồng thời, hướng dẫn bà tiến hành tham gia vụ án với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Thế nhưng, tiếc thay, chánh án đã quyết định khác và hậu quả là tài sản liên quan trong vụ án bị tẩu tán, gây thiệt hại cho đương sự còn lại.

HÀN NI

Tin cùng chuyên mục