Tản văn

Một sự thật

Một sự thật

Anh là người vượt sông sau cùng. Đêm lạnh. Trăng non mờ ảo. Đúng ra là trăng khuyết cuối tháng. Anh nhớ rõ, khi bắt đầu đặt chân xuống nước, thấy mảnh trăng cong veo quẫy lên như con cá màu bạc. Khái niệm về thời gian đã trở lại trong bộ nhớ.

Lúc đó chừng nửa đêm. Thời gian buốt lạnh và chật hẹp. Đại đội anh sau trận Phú Hòa Đông chỉ còn 12 người. Suốt ngày, luồn lách bò lết trên cánh đồng hoang dại bít bùng cỏ tranh, cỏ Mỹ và gai mắc cỡ, tránh né sự soi mói của máy bay trực thăng vũ trang và pháo Đồng Dù. Máu chảy, lại khô, rồi lại chảy.

Một sự thật ảnh 1

Tuần tra. Ảnh: T.L.

Cũng lạ, sau cái buốt lạnh, một cảm giác bình yên tĩnh lặng theo nước sông Sài Gòn dậy lên. Cũng là hình dáng mảnh mai, thanh thoát ấy, nhưng trăng cuối tháng màu sẫm hơn, đường nét rõ hơn, trầm tĩnh hơn, kín đáo hơn. Một liên tưởng thú vị, đầu tháng, trăng như một cô gái sinh ra và lớn lên trong một gia đình khá giả sống hồn nhiên với lứa tuổi của mình, tinh nghịch, nhí nhảnh, nói cười luôn miệng.

Cuối tháng, trăng như cô gái sinh ra trong gia đình nghèo khó phải gắng sức lo toan nhiều bề nên già dặn, chín chắn, sâu sắc hơn. Vẫn đẹp. Cái đẹp hồn nhiên sôi nổi và cái đẹp tĩnh lặng, sâu lắng. Chẳng ai có thể xếp cái đẹp này hơn cái đẹp kia.

Ở khúc sông này, bờ bên kia là vùng rừng Nam Bến Cát đã bị bom pháo và xe tăng địch tàn phá càn ủi thành một vùng trống lổng xơ xác. Anh nhìn hướng trăng mà đi. Đi trong nước. Những bước đi mạnh mà chắc. Khúc sông này vẫn nhận thủy triều. Con nước đang lên. Nước tràn đầy trong các con rạch. Nước nhấn chìm những bãi cỏ năn lác và những cây móp quần tụ ở ven sông. Tốc độ nước lên chậm hơn nước ròng. Con nước dâng từ từ. Không có sóng cồn, sóng bạo. Chỉ có sóng nhớ, sóng thương. Anh đã cười ngô nghê với trăng. Nụ cười vùi trong dề lục bình. Hơi ngứa một chút. Trên dề lục bình là chiếc bồng được bịt kín bằng ni lông và khẩu súng AK đã lên đạn sẵn.

Không biết có phải cười thật không. Anh ngờ vực những biến động giác quan của mình. Nhưng thoáng nghĩ tới hình dáng đàn bà con gái thì có. Cũng tại mảnh trăng khoét lõm trắng ngần lặng lẽ thanh thản gỡ mây mà nhô lên ở phía trước. Ra tới gần giữa dòng mới thấy sức nước mạnh như thế nào, mới thấy dòng sông ban đêm rộng lớn ra sao... Không thể nhìn lên cao được. Chỉ có thể nhìn thẳng. Kinh nghiệm mách bảo, không nên để tầm nhìn hướng đến nơi xa nhất. Hãy chọn điểm đến gần nhất để không bị choáng ngợp.

Đồng đội anh đã sang hết bờ bên kia. Cuộc vượt sông đã có thể nói thành công. Anh nhắm tới một dề lục bình ở phía trước mặt. Nơi giữa dòng, sức nước còn mạnh hơn. Không thể cắt ngang. Chỉ có thể nghiêng theo dòng nước.

Khi dề lục bình phía trước đã gần lại, đột nhiên, anh cảm thấy dòng sông như bốc lửa. Tàu tuần tiễu của địch từ phía hạ nguồn, lách qua khúc cua, ào ạt xông lên. Đèn pha sáng rực. Súng nổ ầm trời. Một phản ứng bản năng. Ngay lập tức, anh đeo súng qua vai lặn sâu xuống lòng sông. Có những phút dài hơn cả một đời người. Anh phải trồi lên mặt nước. Để thở! Đạn bay. Nóng bỏng da đầu, tê buốt bắp chân. Sức lực con người dẫu sao cũng có hạn.

Đến lần thở thứ ba, anh sặc nước. Có một luồng ánh sáng xanh lét găm thẳng vào mặt và một tia lửa đỏ rực xuyên qua bả vai. Anh có cảm giác như bị kéo xuống. Không có cảm nhận về sự tồn tại của cơ thể. Không phải rơi tự do. Anh đang bị cuốn đi. Cũng không có cảm nhận về tốc độ, về sự lên xuống. Anh đang lướt đi trong một thế giới màu xám nhạt. Màu sắc của một chiều mùa đông khô hạn. Không một tiếng chim kêu, tiếng gió thổi. Tĩnh lặng đến miên man. Một thế giới hỗn mang, hư ảo. Thế giới ấy nhấn chìm thế giới hiện tại và làm tan biến tất cả. Ngay cả cái tôi thực thể của bản thân cũng bị phân hủy, tan biến. Anh đang bị mất đi từng phần...

Nhưng rồi, có một vật thể êm mịn như cỏ non trong mùa xuân bao bọc ép sát giữ chặt để các bộ phận trong cơ thể anh không bị rời ra, không bị tan biến. Lần lần, cái “tôi” trở lại với anh. Anh nhận ra hơi ấm từ vật thể êm ái ấy thấm qua miệng và lan tỏa trong cơ thể.

Lần đầu tiên trong đời anh nhận ra có sự khác biệt các loại hơi ấm. Lửa có hơi ấm thô nhám, có sức mạnh khuất phục đập tan cái lạnh. Hơi ấm của người nhẹ, mềm và dâng lên từ từ. Ấy là hơi ấm của người cùng giới, của đồng đội khi ép sát bên nhau. Còn có một thứ hơi ấm khác từ người. Hơi ấm này có mùi vị ấm nồng của đồ ăn, thức uống bổ dưỡng, không chỉ thấm từ ngoài vào trong và có cả từ trong ra ngoài. Lần lần, anh nhận ra cái vật thể mềm mại uyển chuyển đang bao bọc gìn giữ cơ thể anh là một phụ nữ.

“Lúc đó, ý thức về sự tồn tại về sự sống đã trở lại trong tôi. Tôi thấy cô gái ấy đưa tôi từ lòng sông lên bờ, thay quần áo và hô hấp nhân tạo cho tôi. Hơi thở nồng nàn ấm áp của cô là một lực đẩy để trái tim tôi đập trở lại. Cô ôm ấp, vuốt ve, khêu gợi lại sức sống đã tàn lụi trong tôi. Tôi sống lại trong sự mơ màng. Ở một thế giới tĩnh lặng mờ ảo ánh trăng”, anh kể, khi thành tiếng với giọng trầm giọng cao, khi thầm thì, khi kể trong im lặng.

Chẳng có ai tin lời anh. Vào thời điểm ấy, ở khúc sông ấy không một người dân nào sinh sống. Chim chóc không sống nổi huống chi là người. Ai cũng nói vậy. Cho đến nhiều năm sau ngày giải phóng, người dân và chính quyền địa phương cũng khẳng định điều đó – “Tưởng tượng thôi. Cũng tốt!”, có người an ủi, vỗ về.

“Khi tôi tỉnh lại. Nắng hồng nhẹ đưa. Vết thương trên vai tôi được băng bó cẩn thận. Tôi đang nằm trên một nền đất cao sát gò mối có nhiều cây mua lùm xùm và những khóm lồng mứt rậm rạp. Tôi đã được che giấu rất cẩn thận. Bên tôi còn nguyên chiếc bồng và khẩu súng AK đã lên đạn sẵn và một bông mua tím mới nở long lanh hạt sương. Nhưng, cái quan trọng nhất, rõ rệt nhất là mùi vị và hơi ấm của cô gái vẫn còn đọng lại, bao bọc quanh tôi”, anh vẫn kể, kể lể miên man.

“Không phải tưởng tượng, không phải ảo giác. Không phải chuyện thần thoại. Cô ấy đẹp như tiên giáng trần. Tôi cảm nhận rõ ràng bộ ngực căng tròn của cô ấy chà xát lên ngực tôi, truyền hơi ấm vào tim tôi...”.

Bao năm rồi, người ta vẫn lắng nghe, như nghe chuyện cổ tích. Thế thôi! Anh buồn lắm. Nhưng vẫn tìm...

Một chiều nọ, ở quán cà phê thị trấn Thanh An, có ông già trầm mặc và khô cằn như một gốc cây dẻ gai, thủng thẳng hỏi:

- Tìm lại để làm chi! Trả ơn chăng?

- Phải!

- Trả ơn bằng gì?

- Không biết, nhưng phải cám ơn, trả ơn...

- Có tấm lòng là đủ rồi.

Người ấy bỏ đi.

Chị chủ quán xởi lởi vui vẻ bảo:

- Người cõi trên đấy! Sống chẳng giống ai. Quanh năm, suốt tháng sống trên sông, nay đây mai đó. Mỗi ngày câu chừng 1kg cá. Đủ ăn thôi, không câu thêm. Nhiều năm rồi, từ sau ngày giải phóng.

Một cán bộ xã khi xưa từng là du kích nói:

- Ông ấy là người ở thành phố, sau ngày 30-4-1975 cứ ngược xuôi theo dòng sông này để tìm một hiện vật nào đó của cô con gái đã hy sinh năm 1972. Nghe nói, con gái ổng là một chiến sĩ giao liên bám trụ ở vùng Rạch Bắp, Nam Bến Cát. Cô ấy hy sinh trên khúc sông ấy. Bị địch bắn chết khi đang vượt sông. Nhiều lần tìm kiếm nhưng không thấy xác và hiện vật nào hết.

Khu vực Rạch Bắp là nơi anh vượt sông tháng 6-1972. Không thể khác được! Chính cô giao liên ấy đã cứu anh thoát chết. Niềm tin đến với anh một cách tự nhiên như mùa xuân đến, hoa đào nở. Sáng ra, sương đọng long lanh trên lá, trên hoa...

Anh lại miệt mài đi tìm người nữ giao liên ấy. Thời gian cứ trôi đi. Chỉ biết thêm họ tên cô gái ấy và năm cô hy sinh 1972. “Thôi đừng tìm nữa. Giữ gìn kỷ niệm cho đẹp là được rồi!”. Mọi người khuyên như vậy. Anh vẫn tìm. Ông già “cõi trên” vẫn tìm. Không có cái đẹp nửa vời. Kìa như vầng trăng. Trăng luôn luôn tròn đầy.

Không thấy trăng tròn vì người ta không thấy phần còn lại bị che khuất. Sự thật là vậy.

Không có nửa hạt sương trên cánh mua tím. Chỉ có hạt sương long lanh. Ngày xưa thế, hiện tại như vậy, mãi mãi là như vậy...

Lời kể thêm sau 30 năm

“5 năm, 10 năm, 20 năm rồi 30 năm chiến tranh đã qua, cuộc đời và sự hy sinh thầm lặng oanh liệt của người con gái giao liên bám trụ ở ven sông Sài Gòn vẫn chỉ vẻn vẹn ít dòng chữ trong giấy báo tử. Có lần, nhìn sâu trong hạt sương long lanh đọng trên cánh hoa mua tím lịm và mảnh trăng cuối tháng chênh vênh trên nền trời phía Tây, tôi thấy ra một sự thật. Người nữ giao liên ấy, từ trong điểm bí mật ở ven sông đã lặn ngụp dưới lòng sông trong làn đạn đưa tôi lên bờ, cứu tôi thoát chết. Khi bọn lính tràn lên bờ lùng sục, cô đã cất giấu tôi, ngụy trang kỹ cho tôi ở nơi an toàn rồi phóng mình xuống sông đánh lạc hướng kẻ địch. Lúc đó trời đã sáng, con nước đang xuống mạnh, dòng chảy xiết. Tàu tuần tiễu của địch đuổi theo cô về phía hạ lưu. Cô đã hy sinh và xác cô theo dòng nước cuồn cuộn trôi ra biển Đông...”.

Đấy là một sự thật. Sự thật tìm ra từ vầng trăng cuối tháng và hạt sương long lanh trên cánh hoa mua tím, thứ hoa rất phổ biến mọc rải rác ven sông Sài Gòn. 

3-2005
TRẦN VĂN

 

Tin cùng chuyên mục