Nước sạch

Mua bằng giá “trên trời”!

Nước sạch ở chung cư giá thường cao, ai cũng biết. Ở các khu đô thị, khu công nghiệp giá nước cũng cao tương tự. Tại sao? Tất cả là bởi năng lực quản lý của ngành cấp nước, nhưng hơn cả là một “lỗ hổng” cơ chế đã tạo ra sự phiền muộn này cho các đối tượng dùng nước nói trên.
Mua bằng giá “trên trời”!

Nước sạch ở chung cư giá thường cao, ai cũng biết. Ở các khu đô thị, khu công nghiệp giá nước cũng cao tương tự. Tại sao? Tất cả là bởi năng lực quản lý của ngành cấp nước, nhưng hơn cả là một “lỗ hổng” cơ chế đã tạo ra sự phiền muộn này cho các đối tượng dùng nước nói trên.

  • Bấm bụng xài nước giá vượt khung

“Giá nước như vầy làm sao chúng tôi chịu nổi!”, đó gần như là câu nói cửa miệng của người dân ở hầu hết các chung cư trên địa bàn TPHCM từ hàng chục năm qua. Nhiều người còn thốt lên: “Nhiều lúc còn không tin mình là người thành phố nữa dù có sổ hộ khẩu thành phố đàng hoàng”. Bao năm qua, tiền sử dụng nước sạch, chưa tính phí nước thải (từ tháng 8-2004), ngoài phần theo khung giá chung, “dân chung cư” còn phải trả thêm nhiều khoản khác như tiền điện bơm, tiền bảo trì, thuế giá trị gia tăng (GTGT), tiền thất thoát nước…

Mua bằng giá “trên trời”! ảnh 1

Trạm cấp nước số 2 của KCN Tân Bình.

Tại chung cư Trương Định (quận 3), hóa đơn tiền nước hàng tháng của tất cả các hộ đều giống nhau ở các khoản giá tiền (giá mới tính từ ngày 1-7-2004): trong định mức là 3.300 đồng/m3 (4m3/người/tháng), 2m3 tiếp theo tính 6.000 đồng/m3, hơn nữa áp giá 8.600 đồng/m3; các mức giá này đều vượt khung giá quy định 600 đồng/m3. Về phí nước thải cũng giống nhau, 250 đồng/m3 với 4m3 nước xài đầu tiên và 400 đồng/m3 cho lượng nước tiếp theo; tiền bảo trì bơm: 3.000 đồng, tiền điện bơm: khoảng 700 đồng/m3; thuế GTGT: 5%.

Và như vậy, mỗi tháng các hộ cứ căn cứ theo đó mà trả tiền tùy theo lượng nước sử dụng. Cộng lại, các hộ ở đây đều phải trả tiền nước từ gấp đôi đến gấp ba so với những hộ bên ngoài chung cư.

Tình cảnh này đã gây không ít phiền toái cho các đơn vị quản lý chung cư và chính quyền cơ sở. Nhưng những nơi này thì lại không thể làm gì hơn để cải thiện, đành “chịu trận” trước những bức xúc của dân.

Ông Võ Văn Tấn, Giám đốc Công ty Quản lý và Phát triển nhà quận Tân Bình, bộc bạch: “Các cơ quan chủ quản như chúng tôi phải đầu tư toàn bộ hệ thống cấp nước, trừ nguồn nước ra, sau đó các ban quản lý chung cư do dân bầu ra đảm nhận việc quản lý, thu tiền nước.

Các chi phí phát sinh khác thì phải thu của người dân chứ lấy ở đâu ra mà bù vào. Công ty Cấp nước (CTCN) chỉ bán nước và “chăm sóc” tới đồng hồ tổng của chung cư, chẳng ngó ngàng gì đến bên trong”. Những điều ông Tấn nói cũng là trăn trở chung của những đơn vị đầu tư và quản lý chung cư từ nhiều năm qua.

  • Thâm thủng nếu xài nước của ngành cấp nước!

Không chỉ chung cư, các khu công nghiệp (KCN) và khu chế xuất (KCX) cũng điêu đứng vì nước sạch. KCN Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) có 120 doanh nghiệp đang hoạt động, mỗi ngày cần khoảng 3.000m3 nước sạch nhưng phần lớn lượng nước lấy từ giếng khoan, phần còn lại mua của CTCN chỉ khoảng vài trăm mét khối.

Ông Lê Văn Khanh, Giám đốc KCN Lê Minh Xuân, than thở: “Bên CTCN chỉ lo tới “hàng rào” KCN thôi, còn chúng tôi tự bỏ vốn ra đầu tư mạng đường ống nước, tự gánh chi phí quản lý, duy tu, thất thoát nước… để nước bán đến doanh nghiệp vẫn đúng giá theo quy định dành cho sản xuất là 4.500 đồng/m3 nhưng các doanh nghiệp vẫn kêu ca và không dám xài”.

KCX Linh Trung 1 và 2 đi vào hoạt động gần 10 năm nay nhưng hiện tại khu 2 vẫn chưa tiếp cận được nguồn nước của CTCN. Riêng khu 1, cho dù đã có nước từ CTCN nhưng giá vẫn là 4.500 đồng/m3 và giá bán đến doanh nghiệp cũng vậy, chưa kể thuế VAT, phí thoát nước, phí bảo vệ môi trường (doanh nghiệp chịu)....

Một lãnh đạo khu chế xuất Linh Trung bức xúc: “Chúng tôi cũng muốn thực hiện chủ trương hạn chế khai thác nước ngầm nhưng với cơ chế giá này chúng tôi không có khoản nào để bù đắp chi phí đầu tư hệ thống đường ống, phí dịch vụ, quản lý mạng, duy tu, khấu hao, thất thoát nước…”.

KCN Tân Bình đến giờ vẫn xài nước sạch từ hai trạm nước xử lý nước ngầm do KCN tự đầu tư và các giếng khoan cục bộ. Các doanh nghiệp và dân cư của trên 500 căn hộ chung cư trong KCN đều mua nước của hai trạm với giá 3.200 đồng/m3.

Anh Vũ Thành Trung, Đội trưởng Đội công trình công cộng – KCN Tân Bình cho biết, KCN cũng xin Chi nhánh cấp nước Phú Hòa Tân và phải mất 6 tháng mới đấu nối được nhưng chưa dám xài vì còn chờ thương lượng giá cụ thể chứ giá đánh đồng tới “hàng rào” 4.500 đồng/m3 thì khó cho KCN quá.

Chính vì giá nước như trên mà đa số các KCN-KCX bắt buộc phải khai thác tối đa hệ thống nước ngầm của mình (nếu có điều kiện) để cung cấp cho doanh nghiệp với giá rẻ hơn từ 50%-60% so với giá nước của CTCN, doanh nghiệp cũng thích mà KCN cũng cân đối được thu chi và nhanh thu hồi vốn.

Ông Bùi Sĩ Hoàng, Phó Giám đốc CTCN, thừa nhận cách thức bán nước sạch hiện nay của CTCN cho các chung cư, khu đô thị, KCN – KCX quả là chưa hợp lý, thiệt thòi cho các đối tượng này, một phần vì CTCN không đủ năng lực “quản” hết và vì cũng muốn xã hội hóa việc cấp nước ở các đối tượng này! Nghĩa là việc trả tiền nước giá “trời ơi” sẽ vẫn còn tiếp tục. Và các hộ dân, cứ chờ...!?
 

HÀ CHÂU

Tin cùng chuyên mục