Mức thuế công bằng với mọi người

Hành vi trốn thuế và những bất cập trong lĩnh vực thuế rất khác nhau. Nên chăng, đến lúc chúng ta rà soát toàn bộ hoạt động trong lĩnh vực thuế. Quy định nào đã lạc hậu nên điều chỉnh ngay để dưỡng sức người dân và doanh nghiệp.
Chọn mua hàng hóa tại siêu thị. Ảnh: LẠC PHONG
Chọn mua hàng hóa tại siêu thị. Ảnh: LẠC PHONG

Từ Tết Nhâm Dần 2022 tới nay, giá cả hàng hóa, dịch vụ thiết yếu tăng 10%-30% hoặc hơn nữa. 1kg ếch, cá sặc... ở chợ Tân Định, TPHCM cuối năm 2021 lần lượt là 50.000 đồng, 100.000 đồng, nay đã là 70.000 đồng, 140.000 đồng. Giá cả các mặt hàng thực phẩm thiết yếu này chưa có dấu hiệu dừng lại khi giá xăng dầu liên tục tăng.

Giá cả một số mặt hàng “không thiết yếu lắm” như hoa, trái cây cũng tăng mạnh hồi rằm tháng Giêng vừa qua với lý do “nhà vườn không dám trồng nhiều vì ngại dịch bệnh”, nay khi đã hết rằm vẫn… đi ngang. Có thể thấy, hiện đã hình thành một mặt bằng giá mới của rất nhiều loại hàng hóa. Thế nhưng, thu nhập và thuế thu nhập cá nhân của rất nhiều người gần như không thay đổi. Với nhiều người làm công ăn lương, tết vừa qua có chút tiền thưởng chưa đủ bù đắp những khó khăn trong dịch, thì kỳ lương cuối của tháng 2 đã bị “tạm” trừ ngay thuế thu nhập.

Để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 43 và trên cơ sở đó Chính phủ ban hành Nghị định 15 ngày 28-1-2022 quy định giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) cho tổ chức, cá nhân sản xuất - kinh doanh không phân biệt áp dụng hình thức thuế khấu trừ hay tính tỷ lệ phần trăm trên doanh thu.

Đây là lần đầu tiên thuế VAT được giảm đồng bộ từ khâu sản xuất đến tiêu dùng, giúp người dân bớt gánh nặng chi phí tiêu dùng. Thế nhưng do việc thực hiện còn nhiều vướng mắc và cũng có thể do một số yếu tố khác như giá nhiên liệu tăng cao, chi phí logictics nhiều mặt hàng không giảm nên thực tế người tiêu dùng vẫn chưa cảm thấy nhẹ bớt gánh nặng “cơm áo”.

Đáng nói, trong bối cảnh đó, có không ít người thu nhập “khủng” nhưng “né” được thuế thu nhập hoặc nếu phải đóng thì đóng ít hơn nhiều so với những người làm công ăn lương. Không phải ngẫu nhiên vừa qua Bộ Tài chính đã chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng “lập 2 hợp đồng với 2 mức giá khác nhau trong chuyển nhượng đất đai để trốn thuế thu nhập và nhiều loại thuế, phí khác liên quan”. Thị trường bất động sản đang sôi động ở nhiều địa phương, với sự tiếp tay của nhiều văn phòng công chứng, chỉ cần mức giá chuyển nhượng được ghi “bớt” một nửa so với mức giá thật sự, Nhà nước đã thất thu hàng trăm tỷ đồng, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng tiền thuế.

Mặc dù ngành thuế đã có rất nhiều nỗ lực trong triển khai thu thuế hoạt động kinh doanh trên không gian mạng nhưng như chia sẻ của nhiều cán bộ thuế, việc thu thuế trong lĩnh vực này còn rất nhiều khó khăn. Không ít người kinh doanh vẫn cố tình tìm mọi cách trốn thuế. Chưa kể, thuế thu nhập cá nhân trong lĩnh vực này chỉ khoảng 2%, rất thấp so với những người làm công ăn lương với mức thuế thu nhập có thể lên tới 35% tùy mức thu nhập.

Hành vi trốn thuế và những bất cập trong lĩnh vực thuế rất khác nhau. Nên chăng, đến lúc chúng ta rà soát toàn bộ hoạt động trong lĩnh vực thuế. Quy định nào đã lạc hậu nên điều chỉnh ngay để dưỡng sức người dân và doanh nghiệp. Nhà nước nên mạnh tay xử lý nghiêm những hành vi trốn thuế hoặc tiếp tay cho hành vi này. Ngành thuế và các cơ quan liên quan phải phân định rõ trách nhiệm nếu để thất thu thuế trong lĩnh vực này. Nếu cần, có thể đề xuất điều chỉnh các quy định xử phạt theo hướng tăng nặng. Các quy định về thuế phải đảm bảo công bằng, hợp lý để mọi người vừa có điều kiện chấp hành tốt nghĩa vụ thuế vừa có thể chăm lo cho cuộc sống của chính mình và gia đình. Để tạo nguồn thu bền vững không cách gì tốt hơn là nuôi dưỡng nguồn thu và xử lý nghiêm hành vi gian dối, nhiều chuyên gia kinh tế đã nhận định như vậy.

Tin cùng chuyên mục