
Chiều 22-12, dưới sự chủ trì của Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo, kỳ họp thứ 6 HĐND TP khóa VII đã họp phiên bế mạc. Đồng chí Lê Hoàng Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM tham dự phiên họp. Trước đó, trọn buổi sáng, các đại biểu tiếp tục góp ý về những vấn đề kinh tế - xã hội năm 2006.
- Hãy biết giữ lời hứa với dân và doanh nghiệp

Các đại biểu HĐND TPHCM biểu quyết thông qua nghị quyết kỳ họp.
Đại biểu Võ Văn Sen cho rằng, đã có sự chuyển biến tích cực về ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều hành, quản lý ở các cấp chính quyền. Tuy nhiên việc triển khai một số dự án đang phạm phải một số vấn đề như cách tiến hành sai, có dấu hiệu xé nhỏ gói thầu. Việc này có ảnh hưởng lớn đến chuyển dịch trong nội bộ cơ cấu kinh tế, phát triển ngành công nghiệp mũi nhọn và dịch vụ cao cấp.
Còn một việc nổi cộm nữa, theo ông Sen đó là sự thất bại ở Công viên phần mềm Quang Trung. Theo dự án của UBND TP năm 2005, công viên này phải đạt 40% doanh số về phần mềm, nhưng điều này đã không thực hiện được. Trong khi đó, nhiều công ty phần mềm nước ngoài xin đăng ký hoạt động trong Công viên phần mềm Quang Trung nhưng TP không đủ đất giao cho họ và hệ quả là một vài công ty đành phải mua lại đất của công ty khác…
Theo ông Sen, nếu không chấn chỉnh kịp thời những vướng mắc này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng chất xám cao mà Đại hội Đảng bộ TPHCM khóa VIII đã đề ra.
Nhìn ở góc độ các vấn đề xã hội, đại biểu Đặng Văn Khoa đã đưa cho các đại biểu coi các tấm hình chứng minh về nỗi khổ của bà con tạm cư đang chờ chính quyền… hứa tái định cư trong 3 - 6 tháng, nhưng nay đã vài ba năm rồi mọi chuyện vẫn… chỉ là hứa. Ông thẳng thắn: Các chủ đầu tư không đoái hoài gì tới cuộc sống của người tạm cư, họ chưa đặt mình vào hoàn cảnh khốn khó của người dân để cảm thông. Ông đề nghị trong thời gian sắp tới, HĐND TP cần có cuộc giám sát chuyên đề về công tác tái định cư.
- Phân cấp quy hoạch là cần thiết
“Tôi chịu trách nhiệm nếu phân cấp quy hoạch TP thành 24 mảnh”! Đó là lời hứa của Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Đua với HĐND TP khi nói về phân cấp quy hoạch cho 24 quận, huyện. Ông giải thích: thời kỳ trước đổi mới, nhà nước làm quy hoạch chủ yếu là để cho các cơ quan nhà nước, các xí nghiệp quốc doanh làm theo kế hoạch của nhà nước. Các chỉ số rất đẹp nhưng khó khả thi… Đến khi đất nước chuyển sang kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, nhưng nội dung quy hoạch chưa chuẩn bị kịp, do quá trình đô thị hóa tự phát quá nhanh.
Quy hoạch chi tiết 1/2000 đã không được dự báo và thể hiện trên diện rộng nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang xây dựng đô thị, sản xuất kinh doanh. Thành ra, có nơi quy hoạch 1/500 không trên cơ sở quy hoạch 1/2000 và việc xử lý hiện trạng quy hoạch lộn xộn hiện nay cần phải có nhiều thời gian. Ông không tán thành ý kiến ĐB Võ Văn Sen khi cho rằng UBND TP chỉ đạo phân cấp quy hoạch cho quận, huyện là “sơ sài”.
Ông nhấn mạnh, phân cấp chính là yếu tố “đầu vào” cho việc lập quy hoạch. “Có ai hiểu hơn, sát sườn hơn tập thể Ban Thường vụ và chính quyền địa phương nơi đó muốn phát triển ngành nghề gì, thế mạnh ở đâu, nguồn lực như thế nào, tăng trưởng ra sao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nào…?” - Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Đua nói.
- Cải cách hành chính: Phải phá vỡ sự nể nang
Tại kỳ họp, Chủ tịch UBNDTP Lê Thanh Hải phát biểu nhấn mạnh, công tác CCHC phải gắn liền với mục tiêu chống lãng phí, tiêu cực, tham nhũng. Một nội dung quan trọng mà thành phố sẽ tập trung thực hiện là khai thông, tháo gỡ những vướng mắc trong thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản bằng vốn ngân sách.
Ông nói: “Tại sao từ quận huyện đến thành phố, ở đâu cũng kêu là thủ tục chậm mà không chỉ rõ chậm khâu nào, do ai? Chúng ta phải phá vỡ sự nể nang, thiếu minh bạch ngay trong chính bộ máy của mình. Xin các đồng chí nói cụ thể, thành phố cam kết nếu do quy định không hợp lý thì sẽ sửa, nếu do cán bộ thì cương quyết xử lý”.
Một nội dung quan trọng khác trong CCHC là vấn đề phân cấp. Về việc phân cấp trong quy hoạch, ông nhấn mạnh ý nghĩa hết sức quan trọng là thay đổi nhận thức và cách làm quy hoạch. Những gì liên quan đến lợi ích của dân thì phải lấy ý kiến của người dân, khi thành phố giao quy hoạch chi tiết 1/2000 cho chủ tịch quận - huyện, với quy trình làm hiện nay thì người dân địa phương tham gia cùng chính quyền xây dựng quy hoạch, lập quy hoạch và thực hiện quy hoạch. Về đề án “Chính quyền đô thị” mà TPHCM được cho phép làm thí điểm, ông cho biết sẽ khẩn trương xây dựng đề án, dự kiến giữa năm 2006 trình Trung ương phê duyệt.
Phát biểu tại lễ bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐNDTP Phạm Phương Thảo nhận xét: Hoạt động của HĐNDTP không ngừng đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Các đại biểu tích cực tham gia giám sát, tham gia chất vấn đồng đều. Các phiên chất vấn có thêm những gởi gắm, kiến nghị của người dân làm cho kỳ họp thêm sinh động, dân chủ, sát với cuộc sống. Theo Chủ tịch HĐNDTP Phạm Phương Thảo, hàng tháng HĐNDTP sẽ phối hợp với đài truyền hình, tổ chức cho các “tư lệnh” của thành phố trả lời chất vấn của đại biểu cũng như cử tri để giảm tải câu hỏi chất vấn tại các kỳ họp. Chủ tịch HĐNDTP Phạm Phương Thảo cũng cho biết, năm 2006 được chọn là năm “Cải cách hành chính”.
NHÓM PVCT
* Một số chỉ tiêu chủ yếu của năm 2006 được kỳ họp thứ 6 HĐND TP khóa VII thông qua: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng từ 12% trở lên; tổng kim ngạch xuất khẩu không tính dầu thô tăng 17%; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên 62.000 tỷ đồng; thu ngân sách nhà nước 67.254 tỷ đồng; giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới (dưới 6 triệu đồng/người/năm) còn dưới 6,8%; giải quyết việc làm cho 230.000 lao động; tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch đạt 86,5%… |