Nắm bắt thời cơ, ngành hàng không Việt Nam bứt phá sau đại dịch

Trong khuôn khổ Diễn đàn phát triển đường bay châu Á 2022 diễn ra tại Đà Nẵng từ ngày 6 đến 8-6, nhiều đại biểu cho rằng, ngành hàng không có vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế, là cầu nối quan trọng giữa Việt Nam và thế giới. Tuy nhiên, việc phục hồi ngành hàng không sau đại dịch Covid-19 cần áp dụng nhiều cách thức, lộ trình phù hợp.

Xúc tiến dự án, kế hoạch mở rông sân bay, nâng cấp chất lượng phục vụ
Xúc tiến dự án, kế hoạch mở rông sân bay, nâng cấp chất lượng phục vụ

Hàng không nội địa phục hồi nhanh chóng

Theo ông Đinh Việt Sơn, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm đạt nhiều kết quả tích cực như GDP quý I-2022 tăng trên 5% so cùng kỳ. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ.

Cộng đồng quốc tế đánh giá tích cực về sự ổn định môi trường chính trị - xã hội, phòng chống dịch bệnh cho thấy Việt Nam là một điểm đến an toàn đối với khách quốc tế, một nơi hấp dẫn cho các hoạt động đầu tư kinh doanh. Điều này đã đem lại lợi thế rất lớn cho Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực.

Ngành hàng không đang dần phục hồi 

Việc dỡ bỏ các hạn chế liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19 trong vận chuyển hàng không nội địa thực hiện vào tháng 1-2022 cùng với nhu cầu du lịch nội địa bùng nổ sau khi bị kìm nén trong thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội toàn quốc đã tạo điều kiện cho thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh chóng, kết quả vận chuyển tăng dần qua các tháng đầu năm 2022. Cộng dồn 4 tháng đầu năm 2022, tổng thị trường nội địa đạt 11,5 triệu khách, bằng 98% so cùng kỳ 2019.

Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong không nhiều quốc gia sớm triển khai các biện pháp mở cửa, nới lỏng quy định nhập cảnh cho khách quốc tế cũng như khôi phục chính sách thị thực nhập cảnh, miễn visa cho công dân 13 nước, trong đó có các nước Tây Âu.

Mặc dù các hãng hàng không Việt Nam cũng như quốc tế đã khôi phục phần lớn các đường bay đến các thị trường truyền thống, tuy nhiên số lượng hãng hàng không tham gia thị trường cũng như tần suất khai thác còn hạn chế do lượng khách quốc tế vẫn chủ yếu là khách công vụ, thăm thân, kinh doanh, còn khách du lịch chưa nhiều.
Nắm bắt thời cơ, ngành hàng không Việt Nam bứt phá sau đại dịch ảnh 2 Tọa đàm "Vietnam case study" nằm trong chuỗi sự kiện của Diễn đàn Phát triển đường bay châu Á - Routes Asia 2022

Hạn chế này có thể thấy rõ khi các thị trường du lịch lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan vẫn chưa được kích hoạt trong khi các thị trường tại châu Âu, đặc biệt là thị trường khách Nga bị đóng băng từ tháng 2-2022 đến nay.

Ngoài ra, thu nhập của người dân trong đại dịch bị ảnh hưởng nên người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, tiết giảm nhu cầu không cần thiết trong đó có nhu cầu du lịch quốc tế.

Tập trung mở rộng, nâng cấp các sân bay

Là đơn vị khai thác cảng hàng không lớn nhất Việt Nam, theo ông Nguyễn Quốc Phương, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), dịch bệnh bùng phát, đơn vị đã phát triển một số quy trình vận hành đặc biệt đảm bảo an toàn cho nhân viên, hành khách và đạt Chứng nhận Sức khỏe Sân bay (AHA) và sáng kiến Hành lang An toàn (SCI). Đồng thời, chủ động kết nối ACI và các sân bay trên thế giới cùng tạo ra các chính sách ưu đãi cho các hãng hàng không nhằm thu hút thêm đường bay khi mở cửa biên giới. Năm 2021-2022, ACV đã ký kết thành công các thỏa thuận khai thác cảng hàng không với các sân bay Nhật Bản, Hàn Quốc, Ý, Istanbul và Pháp.

Sân bay Đà Nẵng trong thời điểm Covid-19

Bên cạnh đó, đơn vị đang tích cực mở rộng cơ sở hạ tầng các sân bay đảm bảo mục tiêu trở thành cửa ngõ kết nối các vùng kinh tế của Việt Nam với thế giới và ngược lại. Cụ thể, đơn vị thực hiện một loạt dự án xây dựng và mở rộng các nhà ga hành khách, hành hóa mới tại các sân bay Cát Bi, Cam Ranh, Đà Nẵng… dự kiến hoàn thành năm 2025.

Đối với sân bay quốc tế Long Thành, giai đoạn 1 sẽ được đưa vào khai thác vào năm 2025, công suất 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Đây là công trình cấp quốc gia, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.

Đối với sân bay quốc tế Đà Nẵng, trong giai đoạn 2021-2030, ACV sẽ xây mới nhà ga hành khách và hàng hóa. Nhà ga hàng hóa mới có tổng vốn đầu tư ban đầu 350 tỷ đồng, công suất từ 100 đến 150 ngàn tấn/năm. Nhà ga này sẽ là một trong 3 trung tâm hậu cần hàng không chuyên dụng tại Việt Nam. Nhà ga hành khách mới có tổng vốn đầu tư ban đầu 10.000 tỷ đồng, công suất 15 triệu lượt khách/năm. Dự kiến khởi công vào năm 2025 và đi vào hoạt động vào năm 2030.

Check-in vé online 

Còn theo ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng Ban Kế Hoạch và Phát triển, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA), khủng hoảng vừa qua để lại nhiều bài học, trong đó có việc linh hoạt đổi mới, rà soát tối ưu chi phí, nắm bắt cơ hội để phục vụ nhu cầu thiết yếu của khách hàng, từ đó đa dạng hóa nguồn thu. Giai đoạn 2020-2021, VNA là hãng đi đầu trong việc cải biến khoang hành khách để tăng cường vận tải hàng hóa, vaccine, thuốc và đồ dùng y tế phục vụ nhu cầu chống dịch cũng khai thác chở khách chuyên gia, hồi hương. Để đẩy nhanh tốc độ phục hồi sau Covid-19, VNA đã cải tiến các máy bay không chỉ phục vụ vận chuyển hành khách mà sẽ có những chuyến bay chuyên chở hàng hóa.

Đồng thời, đơn vị cũng đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong đó phát triển nền tảng shopping online. Đến năm 2025, VNA đặt mục tiêu hướng tới việc trở thành hãng hàng không số. Các thông tin sẽ được cập nhật thường xuyên trên trang web của hãng. Trí tuệ nhân tạo được đưa vào sử dụng nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng.

ông Jay L Lingeswara, Giám đốc thương mại Hãng hàng không Vietjet (Vietjet air) cho biết, dịch Covid-19, để hiểu rõ những yêu cầu của các quốc gia, sân bay khác nhau, các đơn vị khai thác, tập hợp thông tin bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin. Hành khách sẽ biết được tất cả những thủ tục cần làm, những yêu cầu của hãng bay cũng như từ điểm đến để có thể chuẩn bị. Sau đó chuẩn bị kỹ lưỡng, đơn vị liên lạc với ban ngành liên quan để biết rõ yêu cầu cũng như giới hạn của từng nơi, cũng như có sự cấp phép chính thức. Việt Nam đã thực thi xuất sắc những điều đó, vì vậy việc phục hồi và thúc đẩy ngành hàng không, du lịch sẽ là chuyện sớm muộn cũng như trở lại mạnh mẽ như trước đại dịch.

Tin cùng chuyên mục