Nan giải xử lý thuốc kém chất lượng

Thuốc chữa bệnh là mặt hàng thiết yếu, phải đảm bảo tuyệt đối về chất lượng, hiệu quả sử dụng vì ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng người bệnh. Tuy nhiên, gần đây, người dân hoang mang và bức xúc khi cơ quan chức năng liên tục phát hiện và yêu cầu thu hồi nhiều loại thuốc giả, thuốc kém chất lượng.

 Mới đây nhất là việc Bộ Y tế yêu cầu 8 doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước khẩn trương thu hồi 32 loại thuốc điều trị tim mạch được làm từ hoạt chất Valsartan do Công ty Zhejiang Huahai Pharmaceuticals (Trung Quốc) sản xuất vì hoạt chất này bị nhiễm tạp chất N-nitrosodimethylamine (NDMA) có nguy cơ gây ung thư cho người sử dụng. Cơ quan quản lý y tế cũng xử phạt 4 công ty dược tên tuổi trong nước trên 300 triệu đồng do sản xuất thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng, gồm: Công ty cổ phần Dược phẩm Tipharco, Công ty cổ phần Dược Trung ương 3, Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương 2, Công ty cổ phần BV Pharma. Trong 2 quý đầu năm 2018, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cũng phát hiện hơn 51 cơ sở sản xuất thuốc nước ngoài có thuốc vi phạm chất lượng, buộc phải lấy mẫu kiểm tra chất lượng 100% lô thuốc nhập khẩu vào Việt Nam. 

Đáng lo ngại, trước đây thuốc giả, thuốc kém chất lượng thường được phát hiện ở vùng sâu, vùng xa thì gần đây đã xuất hiện ở nhiều thành phố lớn, thậm chí trong không ít bệnh viện. Không chỉ vậy, thuốc giả ngày càng được làm tinh vi nên cơ quan chức năng và người sử dụng rất khó phát hiện. Nếu như trước đây, các loại thuốc bị làm giả, không đảm bảo chất lượng chủ yếu là: kháng sinh, chống nhiễm khuẩn, cảm cúm, tiêu hóa, vitamin... thì gần đây, cơ quan chức năng phát hiện biệt dược đặc trị nhập ngoại cũng kém chất lượng và không an toàn cho người sử dụng.

Số liệu thống kê gần đây của Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ thuốc kém chất lượng ở Việt Nam dao động khoảng 2% - 3% và tỷ lệ thuốc giả dưới 0,02%. Nghĩa là trong số hàng vạn loại thuốc đang lưu hành, mỗi năm cả nước có hàng trăm loại thuốc giả, thuốc kém chất lượng bị phát hiện và đình chỉ lưu hành. Thực trạng này đang gây ra những hậu quả rất khôn lường đối với sức khỏe người sử dụng, cũng như những thiệt hại nặng nề về kinh tế cho người bệnh và các cơ sở y tế, ảnh hưởng đến liệu pháp điều trị. 

Sở dĩ thuốc kém chất lượng vẫn phức tạp và có chiều hướng gia tăng do xuất phát từ thói quen sử dụng thuốc một cách tùy tiện của người bệnh như: mua, bán, thuốc không đơn, không chỉ dẫn của bác sĩ. Cùng với đó, việc kiểm soát chất lượng nguyên liệu sản xuất đầu vào và kiểm định chất lượng sản phẩm làm ra còn nhiều hạn chế. Theo quy định, các sản phẩm thuốc khi nhập vào Việt Nam hay trong nước sản xuất đều phải được kiểm nghiệm chất lượng, theo dõi các phản ứng phụ trước khi đưa ra lưu hành và phải thu hồi nếu phát hiện không đạt chỉ tiêu như công bố. Tuy nhiên với những loại thuốc nhập khẩu, việc đưa ra cảnh báo về độc tố, nguy cơ không an toàn vẫn còn nằm ngoài khả năng của hệ thống kiểm nghiệm dược trong nước. Theo Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, trong khi số lượng mặt hàng thuốc được sản xuất và lưu hành trên thị trường ngày càng tăng, nhiều dạng bào chế mới, hoạt chất mới với hơn 1.000 hoạt chất thì hệ thống kiểm nghiệm trong cả nước mới kiểm tra được khoảng 500 hoạt chất. Không chỉ vậy, việc phát hiện và xử lý thuốc giả, kém chất lượng cũng gặp không ít khó khăn do tình trạng mua bán lòng vòng, không hóa đơn vẫn phổ biến. Thậm chí, có cả tình trạng doanh nghiệp sản xuất, đơn vị kinh doanh khi phát hiện ra thuốc kém chất lượng cũng không thông báo cho cơ quan quản lý để đình chỉ lưu hành và thu hồi do sợ ảnh hưởng đến uy tín.

Đáng báo động hơn, phần lớn thuốc giả, kém chất lượng khi bị phát hiện và buộc phải thu hồi thì đã được đưa vào lưu hành trên thị trường, được người bệnh sử dụng. Việc thu hồi những loại thuốc kém chất lượng đã đưa ra thị trường gặp nhiều khó khăn, không hiệu quả và hậu quả là người sử dụng vẫn lãnh đủ. Trong khi đó, khó có thể yêu cầu cá nhân, hay đơn vị nào bồi thường thiệt hại cho người bệnh đã uống phải thuốc kém chất lượng. 

Để bảo đảm an toàn cho người dân khi sử dụng thuốc chữa bệnh, phòng ngừa thuốc giả, kém chất lượng, thiết nghĩ cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, người tiêu dùng và nhà sản xuất, kinh doanh dược phẩm. Trong đó, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng về việc sử dụng thuốc hợp lý và an toàn. Đồng thời đầu tư nâng cao năng lực về kiểm nghiệm thuốc, cũng như đẩy mạnh giám sát đầu vào, kiểm tra và hậu kiểm trên thị trường dược phẩm nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn việc đưa các loại thuốc giả, thuốc kém chất lượng ra thị trường. Nhất là phải xử lý nghiêm minh mọi trường hợp vi phạm chất lượng thuốc.

Tin cùng chuyên mục