Trong đó, có xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và cung ứng tiêu thụ thịt heo (chuỗi thịt heo) với mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu cung cấp thịt heo an toàn được kiểm soát theo chuỗi bình quân khoảng 3.000 con/ngày, chiếm khoảng 30% nhu cầu của người dân thành phố.
Từ năm 2013 đến nay, TPHCM đã triển khai mô hình chuỗi liên kết tiêu thụ được kiểm soát an toàn thực phẩm từ trang trại, cơ sở giết mổ, cửa hàng tiêu thụ. Trong đó, thành phố có 3 đơn vị được chứng nhận với sản lượng tiêu thụ bình quân đạt gần 1.350 con/ngày, chiếm gần 12,8% so với sản lượng tiêu thụ trên địa bàn.
Bên cạnh đó, số lượng đàn gia súc, gia cầm của thành phố duy trì ổn định, với tổng đàn trâu, bò ước tính đến tháng 3-2018 có 134.261 con, tăng 1,8% so cùng kỳ năm trước. Còn đàn heo ước đạt 304.249 con, giảm 7,1% so cùng kỳ năm trước; đàn gia cầm ước đạt 314.900 con, giảm 12,1% so cùng kỳ năm trước (trong đó đàn gà ước đạt 254.200 con).
Theo các chuyên gia, khâu tổ chức liên kết sản xuất ngành theo chuỗi còn yếu, phụ thuộc nhiều vào khâu trung gian và khó kiểm soát. Đặc biệt, thách thức lớn nhất đối với ngành chăn nuôi tại Việt Nam là làm sao để kiểm soát hệ thống thương lái, vì khâu này đang chiếm lợi nhuận cao trong chuỗi cung ứng nhưng chưa có quy định để đảm bảo sự bình đẳng, minh bạch. Bên cạnh đó, việc kiểm soát, giám sát hệ thống thương lái còn góp phần tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm và quyền lợi người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, kiêm Giám đốc Dự án Nâng cao giá trị chuỗi thịt heo Việt Nam theo định hướng quốc tế (VIP) cho rằng, đổi mới hợp tác liên kết chuỗi giá trị cần chính sách khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã triển khai liên kết chuỗi; đồng thời hỗ trợ xây dựng, phát triển khung thể chế mới về liên kết chuỗi giá trị hàng hóa cũng như các sản phẩm chủ lực của địa phương. Bên cạnh đó, xây dựng thương hiệu sản phẩm theo chuỗi giá trị gắn với mô hình hợp tác mới như Hiệp hội Sản xuất heo an toàn, trong đó, các hộ, trang trại chăn nuôi cần chủ động được nguồn thức ăn chăn nuôi, con giống để giảm giá thành sản phẩm.
Còn ông Johan den Hartog, Giám đốc điều hành Tổ chức tiêu chuẩn GMP+ International (Hà Lan), đánh giá Việt Nam có thị trường nội địa khoảng 95 triệu người tiêu dùng. Do đó, bên cạnh các chính sách định hướng xuất khẩu, cần tập trung vào năng lực cạnh tranh và chất lượng an toàn thực phẩm để giữ vững thị trường nội địa. Hiện tại Việt Nam có khoảng 80% các thành phần trong ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi hỗn hợp là từ nhập khẩu; 60% là ngũ cốc chưa qua chế biến. Trong đó, một phần đáng kể nguyên liệu nhập khẩu từ các nước có nhà cung ứng đạt chứng nhận GMP + FSA. Tất cả các công ty và nhà cung cấp dịch vụ như vận chuyển, kho bãi, trung chuyển… trong chuỗi thức ăn chăn nuôi GMP + phải kiểm soát mối nguy và rủi ro tiềm tàng đúng cách để tránh làm nhiễm bẩn các sản phẩm thức ăn chăn nuôi, nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng.
Khảo sát xu hướng kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm trên thị trường cho thấy trong những năm gần đây không đánh giá, kiểm định chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm ở khâu cuối cùng hay thành phẩm, mà chuyển dần sang chú trọng kiểm soát, tuân thủ quy định an toàn trong quá trình sản xuất. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần làm và chứng minh quy trình sản xuất đảm bảo chất lượng, an toàn sản phẩm mới là vấn đề phải chú trọng. Mặt khác, dựa trên 80% số doanh nghiệp tại Việt Nam được Công ty SGS Việt Nam chứng nhận GMP+, ông Phạm Ngọc Tuấn Anh, đại diện Công ty SGS Việt Nam, cho hay, một trong những nội dung mà doanh nghiệp đối mặt là thách thức đánh giá mối nguy thường thiếu hẳn một quá trình, dẫn tới việc nhận diện mối nguy bị thiếu sót. Ngoài ra, nhiều khi tiêu chuẩn chất lượng hay chứng nhận có sự thay đổi hàng năm mà doanh nghiệp không nắm rõ được, trong đó GMP+ là một điển hình cho việc thường xuyên thay đổi các tiêu chuẩn của mình. Tiếp theo, vấn đề không kém phần quan trọng trong nhận diện mối nguy là việc doanh nghiệp sử dụng các nguyên liệu hay công đoạn phối trộn, có những khâu giao cho đơn vị thứ khác thực hiện mà không đưa vào nhận diện mối nguy. Trong cả một chuỗi, mà thiếu đi công đoạn nào đó thì đây là điểm thiếu sót lớn. Đó cũng là lỗ hổng mà doanh nghiệp có thể trở thành mối nguy trong quá trình đánh giá chứng nhận GMP+.
Với gần 90% doanh nghiệp không nắm được hệ thống cảnh báo sớm của GMP+, ông Phạm Ngọc Tuấn khuyến cáo, doanh nghiệp thường thiếu phần thẩm định từ những người có kiến thức nên việc nhận diện và đánh giá mối nguy thiếu những công đoạn chính. Để khắc phục điều này, trong trường hợp doanh nghiệp thử mẫu kết quả phát hiện có một nội dung nào đó không đạt thì doanh nghiệp phải gửi thông tin cảnh báo đó cho tổ chức chứng nhận và cho khách hàng. Cụ thể, về việc lấy mẫu thì GMP+ quy định số lượng nguyên liệu nào, số lượng lấy mẫu bao nhiêu, thời gian lưu mẫu bao lâu, tần suất lấy như nào…
Tổ chức tiêu chuẩn GMP+ International, Hà Lan (tổ chức phi lợi nhuận quốc tế) cam kết hỗ trợ Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao và Công ty TNHH Dịch vụ ứng dụng hỗ trợ doanh nghiệp (BSAS) xây dựng năng lực chuỗi thức ăn chăn nuôi của Việt Nam phù hợp và tuân thủ tiêu chuẩn trong toàn bộ chuỗi cung cấp thức ăn chăn nuôi. Đặc biệt là tiêu chuẩn GMP+FSA - tiêu chuẩn thuộc hệ thống GMP+FC - được áp dụng cho các nhà cung cấp thức ăn chăn nuôi, triển khai các vấn đề đảm bảo an toàn thức ăn chăn nuôi và nhu cầu trong chuỗi sản xuất thịt tại Việt Nam.