Ngăn chặn ngay từ “sân nhà”

Ngày 24-12, Bộ Công thương dẫn báo cáo từ Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, Ủy ban châu Âu (EC) vừa đăng công báo về việc sửa đổi quy định áp dụng tạm thời các biện pháp kiểm soát khẩn cấp với một số thực phẩm được nhập khẩu từ Việt Nam vào EU. 

Cơ quan này đã bổ sung thêm mì ăn liền Việt Nam vào danh sách cần phải kiểm soát dư lượng Ethylene Oxide (EO) với tần suất 20% (bằng mức với thanh long) bên cạnh các sản phẩm rau gia vị mà thị trường EU rất ưa chuộng như: rau mùi, bạc hà, húng quế, hạt tiêu, đậu bắp.

Quy định này sẽ có hiệu lực từ ngày 6-1-2022. Điều này báo động danh sách các loại hàng hóa, thực phẩm Việt Nam xuất vào EU bị nghi ngờ sẽ ngày càng dài nếu các doanh nghiệp, cơ quan chức năng của chúng ta không quản chặt chất lượng hàng hóa xuất khẩu, không xử lý nghiêm các vụ vi phạm như thời gian qua.

Ethylene Oxide được các nước coi là chất cấm và cũng không được phép sử dụng ở Việt Nam, nhưng vừa qua dư luận không khỏi sốc khi EU phát hiện trong mì tôm Hảo Hảo, miến Good, phở khô Thiên Hương và nhiều sản phẩm xuất khẩu khác có chất cấm này.

Từ tháng 8-2021, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công thương báo cáo làm rõ vụ mì Hảo Hảo của Công ty CP Acecook bị Ireland và Na Uy thu hồi, nhưng việc xử lý lại không được công khai ra dư luận. Cơ quan chức năng chỉ trả lời “doanh nghiệp đang làm rõ”, “không biết nguyên nhân từ đâu”, “các doanh nghiệp đều tuân thủ quy định”… Do cơ quan chức năng làm không đến nơi đến chốn, doanh nghiệp không ráo riết rà soát sản phẩm, nên đến đầu tháng 12-2021, mì tôm Hảo Hảo, hủ tiếu và phở ăn liền Ricey, mì Đệ Nhất và mì lẩu Thái của Acecook Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Pháp cũng bị thu hồi vì cùng chất cấm này.

Sau các sự cố, Bộ Công thương thường chỉ khuyến cáo doanh nghiệp nên nghiên cứu các quy định và tiêu chuẩn dư lượng chất cấm mà nước nhập khẩu cho phép.Trớ trêu là ngay tại Việt Nam, đến nay các cơ quan chịu trách nhiệm như Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT cũng chưa xây dựng được tiêu chuẩn, quy chuẩn cho phép chất Ethylene Oxide được sử dụng tỷ lệ bao nhiêu để bắt buộc các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu phải tuân thủ, qua đó có thể ngăn chặn, kiểm soát chất lượng thực phẩm xuất khẩu ngay từ “sân nhà”.

Trong một cuộc họp trực tuyến mới đây với Bộ Công thương, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho rằng, do không quy định đầy đủ, rõ ràng quy chuẩn, tiêu chuẩn nên trên thị trường, hàng kém chất lượng vẫn có đất sống, trong khi năng lực của các doanh nghiệp của ta hiện nay hoàn toàn có thể sản xuất ra các mặt hàng đáp ứng tiêu chuẩn xuất sang các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…

Do đó, cơ quan quản lý an toàn thực phẩm phải khẩn trương ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn cho thực phẩm ở ngay thị trường nội địa cũng như xuất khẩu, trước mắt là với chất Ethylene Oxide để có “mệnh lệnh” bắt buộc nâng cao chất lượng thực phẩm. Nhưng quan trọng hơn, chính các cơ quan chức năng thực hiện vai trò “gác cửa” phải chịu trách nhiệm cùng với doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục