Một chuyên viên Ban Thi đua - Chính sách LĐLĐ TPHCM kể chuyện: Mỗi lần xuống giải quyết tranh chấp lao động tại công ty A. (quận Bình Tân) là anh thấy… mắc cỡ. Thậm chí sau này, những khi công nhân (CN) gọi điện thoại hoặc đến tận trụ sở LĐLĐ TP cầu cứu, anh cũng muốn… trốn vì có xuống cũng chẳng giải quyết được gì.
Công ty A. là công ty có 100% vốn Hàn Quốc, nổi tiếng là một doanh nghiệp (DN) có “bề dày thành tích” về nợ đọng BHXH, BHYT, nợ lương, nợ trợ cấp thôi việc, trợ cấp thai sản, tiền thuê mặt bằng… Từ lúc nợ nần chồng chất đến nay, công ty vẫn tiếp tục hoạt động dù đã bị BHXH TP khởi kiện ra tòa. Không những không có động thái trả nợ, công ty còn tiếp tục nợ lương CN…
Công ty A. chỉ là một ví dụ trong rất nhiều những DN nước ngoài đầu tư tại Việt Nam vi phạm nghiêm trọng pháp luật lao động của nước ta trong thời gian dài nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động, tiếp tục bóc lột sức lao động của CN. Vì sao như vậy? Trước hết, hệ thống các quy định pháp luật cũng như phản ứng từ phía các cấp chính quyền của VN đối với các DN vi phạm nói trên, vẫn còn quá thiếu sót và thụ động.
Cho đến thời điểm hiện nay, biện pháp cao nhất để xử lý các DN nợ BHXH, chây ì thực hiện pháp luật lao động là khởi kiện DN ra tòa. Thế nhưng, khởi kiện đã khó – có không ít vụ kiện lên xuống kéo dài vài ba năm trời đến khi hết thời hiệu là… hòa cả làng; “hậu” khởi kiện – việc thi hành quyết định của tòa án – lại càng khó hơn. Đơn cử như ở Công ty TNHH Kwang Nam, dù TAND quận Phú Nhuận đã tuyên buộc công ty phải trả một lần hơn 7 tỷ đồng nợ cho BHXH TP nhưng quá hạn thi hành án, công ty vẫn chỉ trả có 500 triệu đồng. Cơ quan BHXH TP phát văn bản đề nghị khởi tố hình sự ban giám đốc công ty vì hành vi chiếm đoạt tài sản, không thi hành án, nhưng đến nay, đề xuất đó vẫn chỉ dừng lại ở mức độ… kiến nghị.
Để hạn chế việc DN bỏ trốn, UBND TPHCM có văn bản chỉ đạo cấm giám đốc DN xuất cảnh. Thế nhưng, thực tế, bất chấp lệnh cấm, nhiều chủ DN vẫn quỵt lương CN rồi rời VN bằng nhiều con đường khác nhau. Một biện pháp nữa là làm việc với lãnh sự quán nước ngoài, nơi chủ DN có hộ khẩu thường trú, để đề nghị phối hợp giải quyết, nhưng đã có đại diện lãnh sự phát biểu “không biết công dân của họ đi đâu”, do vậy kết quả thu được hầu như cũng chỉ là con số không.
“Con át chủ bài” cuối cùng để xử lý tình trạng này là yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản, thanh lý, phát mãi tài sản để trả nợ cho CN. Thế nhưng, với cách làm ăn theo kiểu “nhà xưởng thuê, máy móc mướn” của đa số các DN nợ đọng thì dù có phát mãi tài sản vẫn khó có thể thanh toán hết các khoản nợ cho CN…
Chuyện DN nước ngoài nợ lương công nhân hay vi phạm Bộ luật Lao động của Việt Nam không phải là chuyện mới lạ. Nhưng, cái “lạ” nằm ở chỗ: Vì sao họ có thể vi phạm pháp luật, xâm hại quyền lợi CN Việt Nam ngay trên đất nước Việt Nam? Vì cách quản lý lỏng lẻo của các cơ quan quản lý chuyên trách, vì pháp luật còn những kẽ “hở” hay vì cơ quan có trách nhiệm đã xử lý lúng túng, nhẹ tay (trong số 87 DN nợ BHXH, đến nay, chưa có một DN nào bị khởi tố hình sự)? Đã đến lúc chính quyền các cấp, các cơ quan, tổ chức bảo vệ pháp luật và bảo vệ quyền lợi CN sớm ngồi lại để tìm ra câu trả lời thỏa đáng và có những biện pháp, giải pháp ngăn chặn từ xa, bảo đảm quyền lợi CN trong mọi trường hợp.
Mai Hương