Ngân hàng Thế giới: Nhiều quốc gia ngấp nghé bờ vực suy thoái

Ngân hàng Thế giới dự báo, tổng sản phẩm toàn cầu tăng trưởng 1,7% trong năm 2023, giảm gần một nửa so với báo cáo hồi tháng 6-2022 (3%).

Trong Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất, Ngân hàng Thế giới (WB) vừa cắt giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống mức ngấp nghé bờ vực suy thoái đối với nhiều quốc gia. WB dự báo tổng sản phẩm toàn cầu tăng trưởng 1,7% trong năm 2023, giảm gần một nửa so với báo cáo hồi tháng 6-2022 (3%).

Đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 1993 (ngoại trừ suy thoái 2009 sau khủng hoảng tài chính và suy thoái năm 2020 khi Covid-19 mới trở thành đại dịch toàn cầu).

WB cũng cho rằng tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế toàn cầu trong 5 năm từ 2020-2024 sẽ đạt dưới 2% - mức bình quân 5 năm thấp nhất kể từ thập niên 1960.

Theo WB, sự giảm tốc mạnh của các nền kinh tế phát triển - bao gồm dự báo tăng trưởng của cả Mỹ và khu vực Eurozone năm nay đều bị cắt giảm mạnh về mức 0,5% - có thể báo hiệu một cuộc suy thoái toàn cầu mới, chưa đầy 3 năm sau lần suy thoái gần đây nhất.

Nếu những dự đoán này chính xác, đây sẽ là lần đầu tiên trong hơn 80 năm qua, thế giới phải trải qua 2 cuộc suy thoái chỉ trong vòng 1 thập kỷ.

Cũng theo định chế tài chính này, tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2022 chỉ đạt 2,7%, mức thấp thứ nhì kể từ thập niên 1970 (chỉ cao hơn mức tăng 2,2% của năm 2020), do ảnh hưởng của chính sách Zero Covid, khủng hoảng bất động sản, và hạn hán gây ảnh hưởng đến tiêu dùng, sản xuất và đầu tư. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi lên mức 4,3% trong năm 2023, thấp hơn 0,9% so với mức dự báo mà WB đưa ra hồi tháng 6.

“Cả 3 đầu tàu tăng trưởng chính của thế giới là Mỹ, Eurozone và Trung Quốc, đều đang trải qua một thời kỳ suy yếu nghiêm trọng”, bản báo cáo vừa được công bố nêu rõ. Còn các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển chỉ đạt mức tăng trưởng 3,5% mỗi năm trong 2 năm tới, bằng một nửa mức tăng bình quân hàng năm của 2 thập kỷ qua.

Tin cùng chuyên mục