Kinh nghiệm đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng

Ngăn hậu quả lớn bằng xử lý ngay việc nhỏ

Ngăn hậu quả lớn bằng xử lý ngay việc nhỏ

Tại thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo các tỉnh, thành phố phía Nam vừa có cuộc họp rút kinh nghiệm về cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí theo tinh thần NQTƯ 6 (lần 2). Đây là nội dung quan trọng sẽ tiếp tục đặt ra trong nội dung Đại hội Đảng các cấp (nhiệm kỳ 2005 - 2010).

  • Quan liêu, nhũng nhiễu: nhân tố tiềm ẩn gây mất ổn định

Theo đồng chí Nguyễn Minh Triết, Bí thư Thành ủy TPHCM, quan liêu, nhũng nhiễu nhiều khi biểu hiện ở những vụ việc rất nhỏ, vô hình hoặc gây thiệt hại vật chất không đáng kể, nhưng làm mất niềm tin và gây thiệt hại lâu dài. Điều này phần nào lý giải tại sao TPHCM chỉ đứng thứ 17 về năng lực cạnh tranh trong môi trường kinh doanh cả nước.

Ngăn hậu quả lớn bằng xử lý ngay việc nhỏ ảnh 1

Nhà thi đấu TDTT Phú Thọ (TPHCM) - một điển hình vi phạm trong đầu tư xây dựng cơ bản.

Ông Lê Thanh Phong, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng dẫn chứng: 2 dự án lớn ở khu vực Suối Vàng và Thiền Lâm đến nay chậm triển khai là do nhũng nhiễu!

Là Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương 6 (lần 2), ông Vũ Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, tình trạng xa rời quần chúng, không đi sát thực tế hoặc “sát mà không sâu”, sợ mất thành tích còn khá phổ biến trong bộ máy công quyền. Hệ quả của việc này là đơn thư khiếu nại vượt cấp ngày càng nhiều; mâu thuẫn nội bộ tích tụ quá lâu gần đến đại hội mới “bục ra” khiến khó giải quyết hoặc khi giải quyết đã quá trễ v.v...

Đơn cử, có vụ vi phạm đã lâu nhưng nội bộ không biết (như vụ Mai Văn Dâu, Thứ trưởng Bộ Thương mại); hoặc việc tăng giá điện không hợp lòng dân (ngành điện phải tạm ngưng thực hiện giá mới). Có đại biểu bổ sung: cần đánh giá đầy đủ việc đề ra chính sách không rõ ràng, dẫn tới việc sinh con thứ 3 khá phổ biến trong cán bộ, đảng viên. “Nếu chúng ta bớt quan liêu, chịu nghe dân nói và kịp thời sửa sai thì đâu đến nỗi để cho việc sinh con thứ 3 tràn lan như vừa rồi!”.

  • Đổi đất lấy...chức vụ!

Trao đổi với phóng viên báo SGGP bên lề hội nghị về công tác quản lý và sử dụng đất đai - lĩnh vực nhạy cảm và nóng nhất hiện nay, ông Vũ Quốc Hùng nói: hiện nay có tình trạng một người có nhiều dự án với hàng trăm hécta đất trồng rừng, cây công nghiệp, xây dựng khu du lịch sinh thái, nhưng do người khác… đứng tên.

Không ít cán bộ lợi dụng chức quyền để có nhiều đất nhưng lại hợp thức hóa dưới tên của vợ, con, anh em và người thân trong gia đình. Ngoài vụ dùng đất công để chia chác và “đối ngoại” như ở thị xã Đồ Sơn (Hải Phòng), còn nhiều trường hợp dùng đất trả ơn cấp trên, “đổi đất lấy chức vụ”, ban ơn cho cấp dưới, cho dân bán đất để nhận tiền lót tay, thậm chí có nơi còn lập “hộ ma”, “mộ ma” để nhận tiền chính sách.

Ở tỉnh Hà Tây, trong năm 2000 - 2004 đã có 7.000 vụ vi phạm từ cấp tỉnh đến cấp xã, trong đó cấp xã dù không có thẩm quyền bán đất nhưng đã giải quyết bán đất cho 270 trường hợp. Các sai phạm trong cấp đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tình trạng lấn chiếm đất, bán đất trái thẩm quyền, ép giá đền bù đất dưới mức quy định… xảy ra khá phổ biến ở nhiều địa phương.

Ông Nguyễn Đức Hải, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam xót xa: “Đền bù cho dân rẻ mạt tới mức số tiền một mét vuông đất chưa mua nổi một bao thuốc lá!”. Ví von của ông như muốn thể hiện hết tâm trạng bức xúc của nhiều người dân nằm trong khu vực giải tỏa khi phải chịu áp giá đền bù “không thể tưởng tượng nổi”. Có lẽ thế, ông mới đúc kết: “Công nghiệp hóa có được hay không trước hết phụ thuộc vào giải phóng mặt bằng và tái định cư!”.

  • “Báo chí tỉnh nào thì chỉ nên viết về tỉnh đó” (!?)

“Báo chí có công rất lớn trong đấu tranh chống tham nhũng nhưng “tội” cũng không ít” - một số đại biểu có suy nghĩ như vậy. Theo đại biểu tỉnh L., có vụ việc ở tỉnh chưa có kết luận kiểm tra, thanh tra, nhưng báo chí đã “nhảy vào” bới tung lên, thậm chí quy kết người này người kia có tội. Đến khi kiểm tra, thấy tính chất và mức độ vi phạm chưa tới mức độ như báo chí “kết tội”, Tỉnh ủy chỉ xử lý hành chính cán bộ sai phạm, thế nhưng nhiều người cho rằng “tỉnh bao che, nương tay” vì “báo chí liệt kê tội dữ lắm mà!”.

Sau khi “kê bệnh” báo chí, lãnh đạo tỉnh T. đề nghị: “Báo chí tỉnh nào thì nên viết về tỉnh đó! Tỉnh của anh còn ối rác sao không quét mà lại quét sang tỉnh tôi, đã thế còn quét trật chìa, gây mất đoàn kết nội bộ!”.

Cảm thông với một số tỉnh, thành phố bị báo chí phản ánh chưa chính xác, đồng thời phê phán một số báo còn lệch lạc, chưa khách quan trong thông tin, nhưng đồng chí Trương Vĩnh Trọng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương vẫn nhấn mạnh: báo chí là công cụ xung kích, sắc bén của Đảng trên mặt trận chống tham nhũng; nhiều vụ tiêu cực không do báo chí phanh phui thì có nguy cơ “chìm xuồng”; báo chí có vai trò giám sát rất hiệu quả… Cuối cùng, đồng chí nhắc lại lời của Thủ tướng Phan Văn Khải: “90% vụ việc báo chí nêu lên, sau khi kiểm tra lại là đúng sự thật”. 

TUẤN SƠN

Tin cùng chuyên mục