Lúc 23h40 ngày 3-2-2016, xe tải 16 tấn BKS: 49C-056.03 do tài xế Nguyễn Công Đức đang điều khiển chở nông sản hướng từ Đồng Nai về TPHCM thì bất ngờ một xe chạy cùng chiều báo hiệu cho ông biết bánh xe phía sau đang bốc khói. Ông Đức dừng xe và cùng phụ xe xuống kiểm tra thì thấy lửa bùng lên 4 bánh phía sau bên phải. Hai người liền dùng bình bột dập lửa, đồng thời báo cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp qua số điện thoại 114. Ít phút sau lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp có mặt đập tắt đám cháy.
Kết quả, chiếc xe bị hư hỏng 4 bánh xe và một ít nông sản, ước tính thiệt hại khoảng 27 triệu đồng. Nguyên nhân cháy có khả năng do bánh bên trong phía sau bị xẹp, xe chạy ở tốc độ cao tạo ma sát lớn làm nóng vỏ gây cháy (xe chạy nhanh lại xẹp 1 bánh nên tài xế không phát hiện ra).
Tương tự, ngày 11-2-2016, trên cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, Km 05 + 200 thuộc địa phận phường Phú Hữu, quận 9, một chiếc xe Mazda 3 BKS 51F-213.20 cũng đã bị ngọn lửa bất ngờ thiêu rụi. Anh Nguyễn Thành Khang - chủ xe cho biết, kết quả khám nghiệm hiện trường cơ quan chức năng nhận định nguyên nhân cháy nhiều khả năng do kẹp điện tiếp xúc kém với cọc bình ắc-quy gây hiện tượng phóng tia lửa điện làm cháy vỏ bọc dây dẫn và lan ra khoang động cơ.
Đây chỉ là 2 vụ cháy gần đây liên quan đến phương tiện cơ giới, đặc biệt là xe ô tô. Theo cơ quan chức năng, các vụ cháy thường tập trung ở các nguyên nhân: lỗi trong khâu thiết kế xe, bảo dưỡng phương tiện không thường xuyên, va chạm (những va chạm quá mạnh vẫn có thể khiến xăng hoặc hóa chất dễ cháy khác rò rỉ ra ngoài, khi kết hợp với nhiệt hay khói nóng trong quá trình động cơ vận hành, lửa sẽ tất yếu xuất hiện), bộ trung hòa khí thải quá tải nhiệt, động cơ quá nóng, rò rỉ chất lỏng, chập điện, rò rỉ xăng...
Để hạn chế các nguy cơ dẫn tới cháy phương tiện cơ giới, cơ quan chức năng khuyến cáo người điều khiển phương tiện cần bảo trì, bảo dưỡng xe thường xuyên và phát hiện, khắc phục lỗi kỹ thuật có thể có của nhà sản xuất; không lắp đặt thêm thiết bị điện, phụ kiện không đúng theo thiết kế của nhà sản xuất. Tuân thủ quy trình vận hành bảo trì bảo dưỡng định kỳ, nên thực hiện việc bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa ở những nơi có uy tín, đảm bảo chất lượng. Thường xuyên kiểm tra phương tiện, khi phát hiện thấy dấu hiệu khác lạ (khó nổ máy, có tiếng kêu bất thường, nhiệt độ của máy cao…) cần khắc phục ngay. Ngoài ra cần tắt máy khi xe không lưu thông, sử dụng. Đóng khóa bình xăng, để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; không mua xăng, dầu ở các điểm bán tự phát, không rõ nguồn gốc. Không để các chất dễ cháy, dễ bắt lửa trong xe, dưới yên xe, trong cốp xe. Phương tiện giao thông cơ giới từ 4 chỗ ngồi trở lên cần tự trang bị bình chữa cháy phù hợp theo quy định của Luật PCCC.
Đồng thời, khi phát hiện thấy có ngọn lửa, khói hoặc nhiệt độ cao bất thường cần bình tĩnh, dừng xe ở lề đường, tránh xa nơi có nhiều người, nhiều chất dễ cháy. Tùy thuộc vào tình huống cháy cụ thể mà sử dụng những giải pháp thích hợp để chữa cháy, theo quy trình xử lý sau:
1. Tắt khóa điện, tìm cách khóa bình xăng (nếu có thể).
2. Sử dụng các phương tiện chữa cháy sẵn có để dập lửa.
3. Hô hoán để mọi người đến trợ giúp chữa cháy, gọi lực lượng Cảnh sát PCCC (điện thoại 114).
4. Nếu nhiên liệu đã tràn ra ngoài (ngọn lửa cháy dữ dội) thì phải sử dụng các bình chữa cháy, cát, chăn chiên, bao tải, vải nhúng nước để dập lửa.
5. Đối với ô tô, nếu phát hiện khói, lửa ở trong nắp capô cần tắt ngay khóa điện để ngừng việc bơm xăng cho động cơ.
MINH PHƯƠNG