Ngành bán lẻ còn nhiều dư địa

Theo đánh giá của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa cho các nhà đầu tư. Hai yếu tố chính được xác định là quy mô và khả năng tăng trưởng thị trường rất mạnh trong thời gian tới. 
Mua hàng tại hệ thống siêu thị đang là xu hướng tiêu dùng của cộng đồng
Mua hàng tại hệ thống siêu thị đang là xu hướng tiêu dùng của cộng đồng

Vấn đề còn lại là những nhà đầu tư hệ thống bán lẻ cần tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quản lý và mang lại nhiều giá trị cộng thêm cho khách hàng.

Tăng trải nghiệm 

Theo số liệu thống kê của Nielsen, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng chi tiêu nhiều hơn vào các nhóm hàng (ngoài tiêu dùng nhanh) như hàng điện tử, dược phẩm, du lịch, bất động sản… cho thấy xu hướng nâng tầm cuộc sống. Mặc dù vậy, thị trường tiêu dùng nhanh cũng đang dần hồi phục tăng trưởng. Việt Nam vẫn là thị trường bán lẻ nổi bật với sự chi phối lớn của bán lẻ truyền thống (chiếm 76%) nhưng tốc độ tăng trưởng của kênh bán lẻ này rất chậm, chỉ 1%. Trong khi đó, bán lẻ hiện đại tuy chiếm 26% thị phần nhưng đang tăng trưởng 2 con số, ở mức 11,8%. Xu hướng bán lẻ trong tương lai sẽ định hình theo những đặc điểm chính như nhu cầu về sự tiện lợi, cao cấp hóa nâng tầm đời sống, kết nối người tiêu dùng. Đây là đối tượng mục tiêu lớn của nhà sản xuất và bán lẻ trong tương lai. 

Theo Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, thị trường bán lẻ trong nước đang có những biến động rất lớn bởi “diện mạo” của người tiêu dùng đang thay đổi với những xu hướng cập nhật liên tục. “Sân chơi” bán lẻ mở rộng nhưng thách thức và sức ép cạnh tranh cũng vô cùng lớn. Doanh nghiệp (DN) muốn đứng vững và phát triển cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh nhiều mặt. Cụ thể, ngoài yêu cầu hàng đầu về chất lượng, độ an toàn, người tiêu dùng cũng có nhiều nhu cầu khác nên DN bán lẻ cần nắm cụ thể để có chiến lược phù hợp. Trước hết, cần tạo lòng tin cho người tiêu dùng, cung cấp các mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, DN cần nâng cao quy mô để cạnh tranh về thị phần, số lượng; nâng cao phương pháp quản lý để cạnh tranh về phong cách, chất lượng phục vụ. Và cuối cùng, DN cần tạo thương hiệu uy tín để cạnh tranh về giá trị thương hiệu. 

Trong số nhà bán lẻ nội địa, Saigon Co.op đang là thương hiệu được người tiêu dùng ưa thích nhất. Hiện Saigon Co.op có 100 siêu thị trên tổng cộng hơn 600 điểm bán, ước tính có hơn 1 triệu khách hàng đến tham quan mua sắm mỗi ngày. Bên cạnh những mô hình hiện tại, Saigon Co.op sẽ tiếp tục phát triển những mô hình bán lẻ mới để có thể đạt 2 triệu khách hàng tại hơn 2.000 điểm bán vào năm 2020. Không dừng lại ở đó, Saigon Co.op đang từng bước áp dụng công nghệ hiện đại phù hợp với từng mô hình bán lẻ. Trong đó, ứng dụng công nghệ để dẫn dắt thị trường; đồng thời tập trung vào lĩnh vực thực phẩm, chiến lược phát triển sản phẩm hữu cơ. Nắm bắt xu hướng tích hợp bán lẻ trực tuyến và trực tiếp đang phát triển mạnh tại Việt Nam, bên cạnh việc đa dạng hóa và hiện đại hóa các mô hình bán lẻ, Saigon Co.op sử dụng công cụ số digital, mở trang mạng xã hội riêng để tương tác với khách hàng. Đặc biệt, các siêu thị Co.op Mart đang triển khai công cụ “scan and go”, giúp khách hàng mua sắm nhanh chóng, tiện lợi hơn. 

Mặt bằng quyết định sự thành bại

Nhiều chuyên gia cho rằng, ngoài các yếu tố về chất lượng sản phẩm, công nghệ, dịch vụ hậu mãi… để quyết định sự thành công của các nhà bán lẻ thì yếu tố về mặt bằng, cơ sở hạ tầng cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Mặt bằng được xem là yếu tố sống còn đối với DN bán lẻ nói chung và DN kinh doanh theo chuỗi nói riêng. Các DN bán lẻ vẫn cảm thấy yên tâm hơn khi sử dụng mặt bằng kinh doanh bên trong các trung tâm thương mại, bởi tính ổn định về thời gian thuê và giá thuê của loại mặt bằng này.

 Ngoài ra, mặt bằng bên trong trung tâm thương mại còn có một số thế mạnh nhất định, đó chính là những tổ hợp xung quanh, DN không đứng đơn lẻ hay cô độc trên phố. Trên thực tế, nhiều nhà bán lẻ đang kinh doanh thuận lợi đã bị bên cho thuê lấy lại mặt bằng, dẫn đến việc mất đi lượng lớn khách hàng đã gầy dựng suốt thời gian dài. Bà Rebecca Pearson, Phó Giám đốc CBRE châu Á, nhận xét Việt Nam đang là một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, với GDP lên mức “đỉnh” 7,08%. Nhiều DN 

Việt Nam đã vươn ra tầm quốc tế một cách mạnh mẽ và ngành bán lẻ cũng không ngoại lệ trong tương lai. Khi DN bán lẻ đã có mặt bằng tốt thì cần thiết kế cửa hàng một cách độc đáo, lạ mắt và hấp dẫn. Điều này sẽ tạo sự ngạc nhiên, hiếu kỳ cho khách hàng khi nhìn thấy những cửa hàng như vậy. Các cửa hàng cũng cần phát triển công nghệ số, bởi công nghệ này tác động rất nhiều vào ngành bán lẻ. 

Bà Lý Khánh Trang, Trưởng bộ phận kinh doanh Savills, cũng  nhận định xu hướng tiêu dùng của người Việt Nam đã và đang thay đổi nhanh trong những năm gần đây. Vì lẽ này, cả chủ đầu tư và khách thuê mặt bằng đều phải có những thay đổi trong ý tưởng phát triển, cũng như hình thức kinh doanh. Cũng theo Savills, trong giai đoạn 2018-2021, thị trường bán lẻ được dự đoán sẽ tăng trưởng ổn định nhờ nhu cầu giải trí tăng 10%/năm, cửa hàng tạp hóa hiện đại tăng 9%/năm và hàng may mặc tăng 6%/năm. Bên cạnh ngành hàng thời trang, dịch vụ cá nhân và giải trí như trung tâm thể thao đa năng và rạp chiếu phim sẽ ngày càng mở rộng hơn nhằm đáp ứng mức sống tốt hơn cho người dân tại các thành phố lớn. Từ đó, phát sinh nhu cầu về mặt bằng kinh doanh. Có vị trí mặt bằng ổn định, thuận lợi thì cơ hội cạnh tranh của DN sẽ tốt hơn.

Tin cùng chuyên mục