Ngày đầu thi đại học đợt 1-2012: Đề thi đúng tầm

Nhiều thí sinh bị đình chỉ thi
Ngày đầu thi đại học đợt 1-2012: Đề thi đúng tầm

Đúng như dự đoán, ngày đầu tiên của kỳ thi đại học (ĐH) đã diễn ra không mấy êm ả dù điều kiện thời tiết ở cả 3 miền tương đối dễ chịu. Có 2 vấn đề được xã hội quan tâm: Thứ nhất là kỷ luật phòng thi sau khi Bộ GD-ĐT bổ sung quy chế khuyến khích tố cáo tiêu cực cho phép thí sinh (TS) mang vào phòng thi các thiết bị có chức năng “thu” chứ không “phát” thông tin và thứ hai - quan trọng nhất - là chất lượng đề thi có đảm bảo lựa chọn những TS học được ở bậc học cao nhất. Với yêu cầu đầu tiên về sự nghiêm túc, đã có một sự cố xảy ra ở môn thi Toán khi có những nghi vấn đề thi bị tuồn ra ngoài ở thời điểm chưa hết thời gian thi và Bộ GD-ĐT phải nhờ cơ quan an ninh điều tra làm rõ. Còn về đề thi, có thể khẳng định là đúng tầm một kỳ thi ĐH với sự phân loại rất cao, có nhiều câu để học sinh trung bình làm nhưng cũng có nhiều câu chỉ học sinh giỏi mới làm được.

Thí sinh trao đổi với người thân sau giờ thi môn Toán tại Hội đồng thi Trường Đại học Bách khoa TPHCM. Ảnh: Mai Hải

Thí sinh trao đổi với người thân sau giờ thi môn Toán tại Hội đồng thi Trường Đại học Bách khoa TPHCM. Ảnh: Mai Hải

Nhiều thí sinh bị đình chỉ thi

Tổng hợp của Bộ GD-ĐT cho thấy, ngày đầu thi ĐH đợt 1, cả nước có 79 TS bị kỷ luật, trong đó 52 TS bị đình chỉ; 3 TS đến muộn; 21 TS bị khiển trách; 3 TS bị cảnh cáo. TS bị đình chỉ thi chủ yếu do mang điện thoại, tài liệu vào phòng thi. Trong đó, buổi thi môn Vật lý chiều qua tăng 33 TS bị kỷ luật so với môn Toán.

Trong đó, trong giờ thi Toán ở trường ĐH Điện lực Hà Nội, giám thị phát hiện một TS đeo tai nghe cắm nối với điện thoại di động. Trưởng phòng Đào tạo ĐH Điện lực Nguyễn Đức Hiền cho biết, sự việc xảy ra tại điểm thi ở CĐ Sư phạm Hà Nội. Sau khi làm bài thi Toán được hơn 1 giờ, TS Nguyễn Quỳnh Nga bị giám thị phát hiện đang sử dụng điện thoại di động có cắm tai nghe. Giám thị đã lập biên bản đình chỉ thi đối với TS này. Công an cũng đã niêm phong điện thoại, làm việc với TS. Việc TS dùng điện thoại để gọi ra bên ngoài trong giờ thi hay không sẽ được công an làm rõ. Tại Trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam, trong buổi thi môn Toán cũng phát hiện TS Nguyễn Thị Vân Anh, SBD A 00044, quê ở Xuân Mai, Hà Nội mang điện thoại có tai nghe vào phòng thi. Giám thị phát hiện trường hợp trên lúc 8 giờ sáng, sau 45 phút làm bài thi môn Toán. Hầu hết các TS mang điện thoại vào phòng thi, dù không sử dụng nhưng đều bị đình chỉ.

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, đại diện các trường ĐH Điện lực, Học viện Ngân hàng, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông đều cho rằng, chưa phát hiện TS sử dụng thiết bị thu hình để tố cáo gian lận, vì thực tế kỳ thi diễn ra rất nghiêm túc, mọi giám thị, TS vi phạm đều bị lập biên bản.

Xuất hiện đề Toán trước khi hết 2/3 thời gian làm bài?

Sáng 4-7, vào lúc 9 giờ sáng, trên mạng xã hội facebook, tại Fanpage “Hội những người sinh năm 1993” đã xuất hiện bức ảnh chụp lại đề thi ĐH môn toán khối A, A1. Bức ảnh này xuất hiện vào 9 giờ sáng, tức là thời điểm trước khi kết thúc thời gian dự thi 1 giờ 15 phút. Đề thi xuất hiện tại địa chỉ: http://www.facebook.com/hoinguoisinhnam1993?ref=ts. Ngay sau đó chỉ vài phút, trên mạng đã có đáp án gợi ý của đề thi này. Đề thi xuất hiện trên mạng chính là đề thi ĐH môn Toán khối A năm nay. 40 phút sau khi bức ảnh đề thi được đưa lên mạng, đã lan truyền với tốc độ chóng mặt.

Theo quy định, thời gian làm bài thi môn Toán là từ 7 giờ 15 đến 10 giờ 15 phút. Như vậy, việc xuất hiện đề thi vào lúc 9 giờ, trước 2/3 thời gian làm bài (là thời gian cho phép TS nộp bài ra về) là sai với quy chế thi của Bộ GD-ĐT. Bởi thế, nhiều ý kiến nghi ngờ việc có đề thi ở trên mạng có thể do TS trong phòng thi dùng các phương tiện thu hình và gửi trực tiếp qua mạng đến các địa chỉ trên. Cũng có thể từ khi có đề, người giải sẽ “bắn” trực tiếp bài giải qua phương tiện ghi hình của người nhận để làm bài.

 Về cơ bản, ngày thi đầu tiên đã diễn ra trật tự, an toàn, đúng quy chế, đúng như những gì bộ đã lưu ý các trường, vì thế bộ không cần phải có công điện chỉ đạo thêm. Tuy nhiên, tôi lưu ý các trường cần tiếp tục yêu cầu giám thị nhắc nhở TS không mang điện thoại vào phòng thi. Thực tế, hôm qua có tới 79 TS bị kỷ luật, trong đó phần lớn TS bị đình chỉ thi do mang điện thoại di động vào phòng, nhiều em không hề sử dụng, tắt máy nhưng theo quy chế vẫn bị đình chỉ. Như thế là các em bị “chết oan”. Nhiều TS cho biết không phải vì muốn gian lận mà chỉ vì sợ bị mất điện thoại nên mang theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga

Trước các nghi vấn này, chiều qua khi kết thúc ngày thi đầu tiên, trao đổi với PV Báo SGGP, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, Trưởng ban Chỉ đạo tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012, cho biết, ngay sau khi có thông tin, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với lực lượng công an kiểm tra, xác minh là đề thi Toán được đưa lên mạng vào lúc 9 giờ 38 phút, khi đó TS đã được phép rời khỏi khu vực thi (theo quy chế, sau 2/3 giờ làm bài thi, TS có thể rời phòng thi, tức là vào lúc 9 giờ 15). Do vậy, thông tin lộ đề là không chính xác.

Về hiện tượng bán đáp án ở một số điểm thi như báo chí phản ánh, một số cá nhân đã lợi dụng tâm lý lo lắng, sốt ruột của thân nhân TS, có hành vi lừa bán đáp án giả với giá 3.000 đồng/đáp án tại một số điểm thi ở TP Cần Thơ hoặc 10.000 đồng ở TP Hà Nội để trục lợi. Cơ quan công an cũng đã tiến hành xác minh, làm rõ đây là đáp án đề thi năm 2011.

Đề Toán dễ thở, đề Vật lý dài

Theo ghi nhận tại TPHCM, ở các hội đồng thi ĐH Giao thông Vận tải, ĐH Ngoại thương cơ sở 2, đề thi Toán vừa sức với TS. So với đề thi Toán năm 2011, có phần dễ hơn. Nếu nắm chắc kiến thức căn bản, TS có thể hoàn thành 80% phần thi chung. Tuy nhiên, năm nay đề thi có tính phân loại khá cao do có một số câu đòi hỏi kiến thức tổng hợp.

TS Kiều Nhật Minh Thư dự thi ngành kinh tế xây dựng (Trường ĐH Giao thông Vận tải) cho biết, câu 6 (phần thi chung) đòi hỏi TS phải nắm chắc kiến thức bất đẳng thức cosi mới có thể làm được. Trong khi đó, ở phần thi riêng, câu 9a (theo chương trình chuẩn) và câu 7b, 8b (theo chương trình nâng cao) cũng thật sự không dễ dàng cho TS. Còn TS Phạm Thị Thanh (Hội đồng thi ĐH Ngoại thương cơ sở 2) nhận định, với các câu dễ còn lại của đề thi, TS vẫn có khả năng đạt điểm trung bình khá cao.

Thí sinh dự thi vào ĐH Bách khoa TPHCM trao đổi sau giờ thi môn Toán. Ảnh: MAI HẢI.

Thí sinh dự thi vào ĐH Bách khoa TPHCM trao đổi sau giờ thi môn Toán. Ảnh: MAI HẢI.

Khác so với môn Toán vào buổi sáng, sau buổi thi Vật lý chiều 4-7, có khá ít TS ra khỏi phòng thi sớm. Các TS bước ra cổng với tâm lý nặng nề. Theo phản ánh của nhiều TS, đề Vật lý dài, có nhiều câu quá khó. “Phần lý thuyết chủ yếu là kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa nên cũng có thể hoàn thành được nhưng phần bài tập câu hỏi và trả lời đến 4 - 5 dòng. Đọc dễ rối và mất rất nhiều thời gian nên tụi em phải chọn làm trước các câu đơn giản mới kịp thời gian”, TS Trúc Quỳnh, dự thi Trường ĐH Kiến trúc chia sẻ.

Còn TS Đinh Đức Trung dự thi tại Hội đồng thi ĐH Công nghiệp cho biết, đề thi đòi hỏi TS phải tư duy và phải có sự kết hợp nhiều kiến thức mới làm được. Đặc biệt, các câu khó phần lớn tập trung vào phần dòng điện xoay chiều, khiến nhiều TS lao đao. Riêng Trung chia sẻ thêm, cuối giờ, do không kịp thời gian nên phải đánh “lụi” hơn 10 câu trắc nghiệm.

Cùng chung đánh giá về đề thi, tại Hà Nội, nhiều TS cũng cho rằng đề thi Toán không quá khó, không quá dài nhưng tính phân loại TS rất cao. Riêng với môn Vật lý, theo phản ánh của các TS, đề khá dài với 50 câu, trong đó có một số câu đòi hỏi tính toán nhiều nên với những học sinh có học lực trung bình, môn Vật lý không dễ kiếm điểm. TS Nguyễn Thị Hà đến từ Trường THPT Hồng Thái, Đan Phượng, Hà Nội cho biết em chỉ làm khoảng 60% - 70% đề Vật lý chiều nay. “Đề thi không phải là quá khó nhưng cũng không dễ. Học sinh khá trở lên có thể làm từ 60% trở lên, còn lại học sinh trung bình khó kiếm điểm”.

Như vậy, qua ngày đầu thi môn Toán, môn Vật lý, cơ bản có thể nhận thấy đề thi năm nay đúng như Bộ GD-ĐT tuyên bố là sẽ có tính phân loại cao. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho hay, đề thi ĐH năm nay được ra theo hướng không quá khó, không quá dài, không đánh đố để TS trung bình cũng có thể làm được và phải có tính phân loại cao. Có nghĩa là với phổ điểm rải đều ra và điểm cực đại của phổ điểm phải nằm trong vùng điểm trung bình để các trường có thể lựa chọn được TS phù hợp vào học các ngành đào tạo ở các nhu cầu đầu vào khác nhau.

Nhóm PV


Đề Toán khó

Đề Toán dành cho khối A và A1 năm nay khó hơn đề thi năm 2011. Cấu trúc đề vẫn ổn định nhưng có độ phân hóa cao, trong đó câu số 6 là câu cực khó phải học sinh thật sự giỏi mới giải được. Các câu còn lại dành cho học sinh có học lực từ trung bình khá cho đến giỏi. Với các câu 1, câu 2, câu 4 của phần chung, thí sinh (TS) có thể đạt được 4 điểm. Học sinh trung bình khá có thể làm được dễ dàng câu 5 thuộc hình học không gian thuần túy, học sinh chỉ cần nắm vững kiến thức dựng hình để tính khoảng cách hai đường chéo nhau (là phần khó đối với TS) nên TS khá trở lên mới hy vọng làm được. Giữa hai phần tự chọn đặc biệt năm nay phần nâng cao tương đối dễ hơn phần chuẩn về nội dung lẫn mức độ tính toán nên tiên đoán đa số TS sẽ chọn phần nâng cao.

Riêng phần chuẩn có câu 7.a tương đối khó, TS phải nắm vững tính chất hình học phẳng các lớp dưới thì mới có thể giải được dễ dàng và câu 9.a nhị thức Newton là phần tương đối khá bất ngờ so với các năm trước không có phần này, nên sự rèn luyện của TS ở phần này tương đối không kỹ càng và sẽ gặp nhiều khó khăn ở câu này. Phần nâng cao là những vấn đề của câu hỏi tương đối quen thuộc đối với chương trình 12.

Tóm lại, đề năm nay hay có độ phân hóa cao và rõ ràng, đúng với mức độ quan trọng của kỳ thi tuyển sinh đại học nhằm chọn được nhân tài cho đất nước trong tương lai. Với sự phân hóa này, học sinh khá, giỏi chỉ đạt từ điểm 7 đến điểm 8, những học sinh thật sự xuất sắc sẽ đạt từ điểm 9 nhưng dự đoán năm nay sẽ không có nhiều điểm 10.

Thầy Lưu Nam Phát
(Trung tâm Luyện thi đại học Vĩnh Viễn, TPHCM)

Đề Vật lý có tính phân hóa cao

Các câu hỏi trong đề thi tuyển sinh môn Vật lý năm nay đều nằm trong chương trình lớp 12, gồm 13 câu lý thuyết ở phần chung và 4 câu lý thuyết ở phần riêng. Phần trắc nghiệm tính toán chiếm khoảng 33 câu. TS cần nắm chắc lý thuyết và sử dụng thành thục máy tính để giải ra đáp án hay thay thế giá trị của các phương án vào nội dung tính toán trong lý thuyết để chọn câu trả lời chính xác. Các câu hỏi trải đều trong chương trình học gồm điện, cơ học, điện tử, quang, quang điện và hạt nhân. TS muốn làm tốt các câu trắc nghiệm tính toán cần phải hiểu sâu lý thuyết và phải biết sử dụng các phép biến đổi để có thể chuyển từ các câu trắc nghiệm nhiều biến thể về các dạng chuẩn tính toán vật lý cơ bản. Các câu khá khó tính toán phức tạp và có thể khiến TS chọn nhầm đáp án là câu 16, 24, 26, 27, 29, 36, 57…

Nhìn chung đề thi có khoảng 15 câu có mức độ khó và mức độ phức tạp của những câu hỏi dành để phân loại TS năm nay khó hơn các năm trước. Với đề thi này, TS học lực trung bình khá chỉ có thể đạt điểm 4-5, học sinh khá giỏi cũng chỉ đạt điểm 6-8. Học sinh thực sự xuất sắc nắm vững lý thuyết và có khả năng tính toán thật nhanh, chính xác mới có thể đạt điểm 9 -10. Đề thi còn có một vài câu thuộc nội dung của chương trình lớp 10 và 11, vì vậy TS phải có căn bản từ các lớp dưới mới có thể làm được đề thi này. Dự đoán mặt bằng điểm thi môn Vật lý sẽ thấp hơn năm trước.

Thầy Nguyễn Thế Phong
(Trường THPT Vĩnh Viễn, TPHCM)


Hành trang nặng trĩu

Trong mùa tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012, nhiều thí sinh có hoàn cảnh khó khăn không chấp nhận đầu hàng số phận. Không ít thí sinh đi cắt lúa mướn, phụ hồ, hái hạt điều… để kiếm lộ phí đi thi.

Ở Trường THPT Cao Lãnh II, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, Võ Văn Thới được nhiều bạn bè nể trọng không chỉ vì học giỏi mà còn vì tinh thần vượt khó. Là con lớn trong gia đình có 4 anh em, sau Thới, còn 3 đứa em cũng đang tuổi ăn, tuổi học nên gánh nặng cơm áo nặng trĩu trên đôi vai của cha. Nhà Thới có 6 người nhưng không có ruộng đất. Gia đình Thới phải thuê ruộng với giá 2 triệu đồng/công/năm để canh tác. Em cho biết: “Năm nào được mùa, nhà em còn có cái để ăn. Năm nào mất mùa, ba má phải đi làm thuê kiếm tiền đóng học phí cho 4 anh em”. Nhà nghèo nhưng 12 năm học phổ thông, Võ Văn Thới luôn đạt học sinh giỏi.

Năm lớp 12, Thới giành giải 3 học sinh giỏi môn Địa lý cấp tỉnh. Mùa tuyển sinh năm nay, Võ Văn Thới dự thi khối A vào ngành Công nghệ thực phẩm của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM và khối B vào ngành Công nghệ Kỹ thuật môi trường, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TPHCM. Tham dự 2 đợt thi tuyển sinh, sống xa gia đình gần 2 tuần nhưng trong túi Thới chỉ có xấp xỉ 500.000 đồng. Thế nhưng để có được số tiền đó, Thới phải tranh thủ đi hái trái cây thuê, cắt lúa mướn, giăng lưới… sau giờ học.

Thí sinh Nguyễn Văn Lành, quê xã Hưng Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh lên TPHCM dự thi chỉ với 400.000 đồng trong túi. Để có được số tiền đó, Lành phải tranh thủ phụ hồ, bán báo dạo, phơi bánh tráng… Lành kể: “Hè năm lớp 9, em lên TPHCM thu gom rác. Làm được 1 tháng, hết việc nên em về Trảng Bàng phơi bánh tráng thuê. Năm lớp 10, 11 và 12, em đi bán báo cho các bạn trong trường. Mùa hè, em đi phụ hồ”. Lành mồ côi mẹ năm lên lớp 5. Sau khi mẹ mất, sức khỏe cha em cũng suy yếu dần. Hiện tại, ba của Lành đã mất khả năng lao động. Lành vừa đi học vừa là lao động chính trong gia đình.

Còn chị gái Lành đã có gia đình và đang làm công nhân ở TPHCM. Mỗi tháng, chị gửi về cho 2 cha con 300.000 đồng để mua gạo. Lành tâm sự: “Tiền chị gái gửi về, em mua gạo để 2 cha con ăn cả tháng. Em chỉ cần có gạo ăn no là mừng lắm rồi. Thức ăn hàng ngày là những thứ em tự trồng được như rau muống, rau cải, bí… chấm với nước tương”.

Ba năm THPT, mỗi ngày Lành phải đạp xe hơn 10km để đến trường học. Thế nhưng, chưa năm nào Lành để tuột mất danh hiệu học sinh giỏi. Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Lành được 48,5 điểm. Ngày Lành mang ba lô lên TPHCM dự thi, hàng xóm và người chị họ góp mỗi người một ít tiền để Lành làm lộ phí. Năm nay, Nguyễn Văn Lành dự thi khối A ngành Kỹ thuật vật liệu Trường ĐH Bách khoa TPHCM.

Hoàn cảnh của thí sinh Đặng Thị Mỹ Tiên, ở huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre cũng khá khó khăn. Mẹ mất năm Tiên lên 2 tuổi. Sau đó, ba lập gia đình mới. Tiên sống với bà nội đã 88 tuổi. Hàng tháng, 2 bà cháu sống nhờ 800.000 đồng tiền trợ cấp của bà nội. Ngoài giờ học, Tiên phụ giúp bà nội làm việc nhà và đi làm hạt điều. Làm từ sáng tới chiều, Tiên được trả công 30.000 đồng. Lên TPHCM dự thi, Tiên chỉ có 300.000 đồng lận lưng. Em tâm sự: “Nếu đậu đại học, em cũng chưa biết tính như thế nào. Bà nội ở quê đã già lại không có ai chăm sóc. Học 4 năm ở TPHCM, biết lấy tiền đâu để đóng học phí?”.

Nguyễn Thụy

Quy chế phòng thi chưa nghiêm

Theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, nhiều hội đồng thi tại cụm thi TPHCM chưa tuân thủ đúng Quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. Cụ thể, tại điểm thi Trường THPT Marie Curie thuộc hội đồng thi Trường ĐH Mở TPHCM, dù phòng thi được bố trí từ 30-33 thí sinh (TS) nhưng có rất nhiều TS ngồi sát rạt nhau. Nhiều phòng thi có đến 2, 3 bàn TS ngồi cách nhau chừng 20cm. Trong khi đó, Quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT quy định mỗi TS cách nhau 1,2m.

Ngoài ra, tại các hội đồng thi Trường ĐH Tài chính Marketing, ĐH Quốc gia TPHCM, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, Trường ĐH Giao thông Vận tải cơ sở 2… có đến 10 TS bị đình chỉ do mang ĐTDĐ và mang tài liệu vào phòng thi.

Ghi nhận tại điểm thi của Trường ĐH Sài Gòn, Trường ĐH Kinh tế TPHCM tại các phòng thi chỉ dán thông báo các loại vật dụng được phép mang vào phòng thi. Trong khi đó, các loại thiết bị ghi âm, ghi hình được Bộ GD-ĐT cho phép TS được mang vào phòng thi không được dán thông báo tại trước cửa phòng thi cho TS biết.

Trao đổi về quy định này, một trưởng điểm thi của Trường ĐH Kinh tế TPHCM cho rằng: “Cả cán bộ coi thi và giám thị đều bối rối với quy định này. Bởi lẽ những thiết bị này tinh vi và nếu TS mang vào, họ cũng không có cách nào kiểm tra còn việc không cho mang vào phòng thi thì không thực hiện theo đúng quy định của bộ”.

Kết thúc ngày thi đầu tiên, Trường ĐH Cần Thơ thiết lập kỷ lục khi có 10 TS bị đình chỉ thi vì mang điện thoại di động vào phòng thi. Trong giờ thi môn Toán buổi sáng, có 3 TS bị đình chỉ. Vào buổi chiều thi môn Vật lý, có thêm 7 TS bị đình chỉ.

PV

TPHCM: Kẹt xe nghiêm trọng cuối giờ chiều

Tại khu vực Trường ĐH Công nghiệp, do lực lượng công an và dân quân phường không cho xe máy lưu thông trên đường Nguyễn Văn Bảo (quận Gò Vấp), phụ huynh phải đứng chờ con em trên hai tuyến đường Nguyễn Văn Nghi và Nguyễn Thái Sơn, khiến 2 con đường này tắc nghẽn giao thông. Dù được bố trí nhiều cảnh sát giao thông nhưng tuyến đường Pasteur (đoạn qua Trường ĐH Kiến trúc) vẫn ùn ứ cục bộ hơn 30 phút. Tuyến đường Nguyễn Bỉnh Khiêm quận 1 (đoạn qua các Hội đồng thi của ĐH Kinh tế và ĐH Luật) cũng xảy ra tình trạng tương tự.  Trước đó, vào đầu giờ chiều, lúc nhiều TS đến địa điểm chuẩn bị thi môn Vật lý bất chợt xuất hiện cơn mưa nặng hạt, khiến nhiều TS bị ướt nhẹ. Các phụ huynh phải trú tạm trong các mái hiên nhà dân gần đó.

Người thân chờ đợi thí sinh trong ngày thi đầu tiên. Ảnh: Mai Hải

Người thân chờ đợi thí sinh trong ngày thi đầu tiên. Ảnh: Mai Hải

Thông tin liên quan

Kỳ thi ĐH - CĐ 2012: đề Toán và Lý có tính phân loại thí sinh 

Tin cùng chuyên mục