Ngày làm việc thứ 4 của Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII: Thúc đẩy tăng trưởng, tạo tiền đề cho phát triển nhanh, bền vững hơn

Ngày 6-10, tại Hà Nội, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII làm việc ngày thứ 4. Buổi sáng, Ban Chấp hành Trung ương làm việc tại hội trường, thảo luận về Đề án tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 
Ngày làm việc thứ 4 của Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII: Thúc đẩy tăng trưởng, tạo tiền đề cho phát triển nhanh, bền vững hơn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, thay mặt Bộ Chính trị, điều hành thảo luận. Buổi chiều, Ban Chấp hành Trung ương làm việc tại tổ, thảo luận báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2023 và kế hoạch tài chính ngân sách Nhà nước 3 năm 2023-2025.

Về xem xét, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2023, trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Việc này được đặt trong bối cảnh, tình hình thế giới đang có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, chưa từng có tiền lệ, vượt khỏi khả năng dự báo của các nước và các tổ chức quốc tế, đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của đất nước. Ở trong nước, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, chúng ta tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới, nặng nề hơn...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Ban Chấp hành Trung ương nghiên cứu thật kỹ Báo cáo, Tờ trình của Ban cán sự đảng Chính phủ và thực tế ở bộ ngành, địa phương nơi công tác, tập trung thảo luận, phân tích kỹ những đặc điểm nổi bật của năm 2022, làm rõ những kết quả đã đạt được; những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, những khó khăn, vướng mắc phải giải quyết, những thách thức phải vượt qua; chỉ ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan và bài học kinh nghiệm; dự báo những khả năng, những tình huống sắp tới, trước hết là từ nay đến cuối năm 2022 và năm 2023, với tinh thần thật sự công tâm, khách quan, khoa học, toàn diện. Trong đó phải chú ý đối chiếu với những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, để vừa phòng chống, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ưu tiên kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, đẩy mạnh phục hồi, phát triển sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và tạo tiền đề cho phát triển nhanh, bền vững hơn trong những năm sắp tới.

Tin cùng chuyên mục