Nghiêm cấm cho đăng ký thường trú để trục lợi

* Tránh khen thưởng tràn lan

* Tránh khen thưởng tràn lan

Chiều 21-3, dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc nghiêm cấm hành vi giả mạo điều kiện để được đăng ký thường trú; cho người khác đăng ký vào chỗ ở của mình để trục lợi. Quy định bổ sung điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương (theo đó tăng thời gian tạm trú từ 1 năm lên 2 năm; chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND thành phố) cũng nhận được sự đồng tình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, chỉ áp dụng các điều kiện hạn chế đăng ký thường trú trong nội thành của các thành phố trực thuộc trung ương.

Liên quan đến quy định “chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ phải có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc công chứng”, một số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho là không cần thiết vì làm tăng thêm thủ tục hành chính, gây phiền hà, tốn kém cho người dân. Mặc dù vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lại ủng hộ quan điểm của cơ quan soạn thảo để tránh tình trạng “lách” luật.

Đối với các trường hợp được đăng ký thường trú, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đề nghị cân nhắc, bổ sung đối tượng người chưa thành niên (có cha mẹ ly hôn và cha mẹ đều đã kết hôn với người khác), còn cha, mẹ và cha mẹ vẫn có điều kiện nuôi dưỡng nhưng có nguyện vọng về sống với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột. “Không nên mở rộng quá đến cả các trường hợp “cô, dì, chú, bác, cậu ruột” như đề xuất của Ủy ban Pháp luật, vì như thế là quá rộng”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói thêm. Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn chia sẻ thái độ thận trọng này: “Cần đề phòng khả năng lợi dụng kẽ hở của pháp luật, đơn cử như trường hợp người gần đến tuổi thành niên lợi dụng quy định này để chuyển hộ khẩu đi, “né” nghĩa vụ quân sự”.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước lưu ý: “Việc sửa Luật Cư trú không nên chỉ tập trung điều chỉnh khu vực thành thị mà còn phải điều chỉnh các khu vực khác như ở những vùng biên giới, vùng sâu vùng xa”.

Buổi sáng cùng ngày, dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng cũng đã được Chính phủ trình, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, trong tổng số 103 điều của Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng đã sửa đổi, bổ sung 53 điều. Một trong những mục tiêu quan trọng của việc sửa đổi, bổ sung luật này là nhằm khắc phục tình trạng khen thưởng tràn lan, trùng lắp.

Đơn cử, thời điểm xét danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” dự kiến là 5 năm một lần thay vì xét chọn hàng năm như hiện nay. Các hình thức huân chương (từ Điều 34 đến Điều 48) cũng được sửa đổi, bổ sung theo hướng nâng cao tiêu chuẩn, chặt chẽ hơn, tránh khen thưởng tràn lan, trùng lắp, “tích lũy thành tích”...

Thời gian xét khen thưởng từ Huân chương Lao động lên Huân chương Độc lập, Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Sao vàng là 10 năm thay vì 5 năm như hiện nay. Đồng thời, quy định tiêu chuẩn cụ thể để những người lao động có thành tích, dù không phải là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang cũng sẽ được khen thưởng. Dự luật cũng bổ sung quy định Huân chương Sao vàng là huân chương cao quý nhất để tặng cho nguyên thủ quốc gia nước ngoài…

Đáng lưu ý, dự luật đã bổ sung hình thức khen thưởng cấp Nhà nước “Huy chương Thanh niên xung phong kháng chiến” để tặng hoặc truy tặng cho đối tượng là thanh niên xung phong có quá trình cống hiến trong hai cuộc kháng chiến. Qua thẩm tra, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho rằng, thanh niên xung phong kháng chiến là lực lượng đã có nhiều hy sinh, đóng góp cho sự nghiệp chung của dân tộc, cần có sự ghi nhận, tôn vinh, khen thưởng xứng đáng. Tuy nhiên, để đảm bảo sự thống nhất trong khen thưởng kháng chiến, Chính phủ cần tiếp tục rà soát và tổng kết khen thưởng kháng chiến theo quy định tại khoản 1, Điều 101 của Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành; làm rõ sự tương quan giữa Huy chương Thanh niên xung phong kháng chiến với các hình thức khen thưởng kháng chiến khác, tương quan với khen thưởng các đối tượng người có công khác cùng tham gia kháng chiến… Từ đó, đề xuất cụ thể hướng xử lý đối với vấn đề này cho phù hợp.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi thẳng thắn góp ý: “Không nên đặt ra thêm danh hiệu Nhà khoa học nhân dân và Nhà khoa học ưu tú. Đã là nhà khoa học thì vinh danh thành tựu sáng tạo của họ, bằng giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh. Còn vinh danh đóng góp cho cộng đồng đối với một số nghề đặc biệt như thầy thuốc, nhà giáo thì đã có Thầy thuốc nhân dân, Nhà giáo nhân dân… Tôi chưa thấy nước nào trên thế giới có “Nhà khoa học nhân dân”! Ngoài ra, “Danh nhân” cũng không phải là danh hiệu thi đua khen thưởng”. Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng cho rằng, cần hết sức tránh tính hình thức, đảm bảo các danh hiệu vinh dự được trao cho những đối tượng thực sự xứng đáng; bất kể là người lao động bình thường hay cán bộ lãnh đạo.

Anh Thư 

Tin cùng chuyên mục