Hôm qua, Tòa án Nhân dân tỉnh Nam Định đã đưa ra xét xử vụ án làm giả hồ sơ để đưa hàng trăm trẻ bị bỏ rơi ra nước ngoài làm con nuôi. Đây là một vụ án được sự quan tâm đặc biệt của dư luận và đã từng được xem là 1 trong 10 vụ án nổi cộm của năm 2008. Bởi lẽ trong tổng số 16 bị cáo bị truy tố về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, có tới 2 người là giám đốc các trung tâm nuôi dưỡng trẻ và 14 trạm trưởng y tế xã ở một số huyện Ý Yên, Trực Ninh…
Đáng nói hơn cả, những đối tượng trên đã lợi dụng chức trách của mình và vị trí là cán bộ y tế để trong vòng 3 năm (2005 - 2008) thu gom hơn 320 trường hợp trẻ bị bỏ rơi đưa về 2 trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, sau đó là giả hồ sơ nhằm hợp thức hóa nguồn gốc trẻ đưa ra nước ngoài làm con nuôi tới 266 cháu.
Những đứa trẻ bị bỏ rơi là vô cùng bất hạnh trong cuộc sống, đáng lẽ ra những người đã từng khoác áo “blouse trắng” trên, với trách nhiệm của mình phải chăm sóc, giúp đỡ các cháu tận tình. Nhưng họ lại dã tâm biến những đứa trẻ này thành những con người có nguồn gốc giả, thành những “món hàng” đưa ra nước ngoài trục lợi.
Được biết, sau mỗi một “phi vụ” trót lọt, 16 đối tượng trên thu được một khoản tiền từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, một số tiền không nhỏ đối với những người lao động chân chính.
Thế nhưng, nó sẽ chẳng là gì đối với sinh mạng của một đứa trẻ. Mặc dù các bị cáo trên bị truy tố xét xử về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, nhưng với những hành động, việc làm của họ đối với những đứa trẻ bất hạnh thì cần phải được xem xét xét xử ở hành vi “buôn người trá hình”.
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước vẫn còn khoảng 3 triệu trẻ em sống trong các gia đình nghèo, trên 200.000 trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, tàn tật và hàng ngàn trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học, nhiễm HIV, mắc bệnh hiểm nghèo.
Trong khi chúng ta chưa có đủ điều kiện tốt nhất để bảo đảm cho tất cả các em được chăm sóc, nuôi dưỡng, được có mái ấm gia đình, thì việc cho trẻ em làm con nuôi được coi là một trong những biện pháp thay thế có ý nghĩa. Hơn nữa, nuôi con nuôi cũng là một hiện tượng xã hội, được chấp nhận ở hầu hết các quốc gia và Việt Nam cũng có những quy định pháp luật về việc cho phép nuôi con nuôi.
Tuy nhiên từ thực tế của vụ án trên, đòi hỏi pháp luật phải xử lý thật nghiêm những đối tượng đã lợi dụng chính sách nuôi con nuôi của nhà nước để biến những đứa trẻ thành hàng hóa để thu lợi bất chính cho bản thân mình.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải có những quy định pháp lý chặt chẽ và cụ thể hơn để nhằm bảo đảm cho những đứa trẻ bị bỏ rơi, có hoàn cảnh đặc biệt có được những mái ấm gia đình thực sự khi được nhận làm con nuôi.
N.QUỐC