Khi mới chào đời vài ngày, anh bị cha mẹ ruột đem bỏ ở ven cánh rừng già. Một người đàn ông gốc Campuchia nhặt anh về nuôi, lấy họ của mình và đặt tên cho anh là Yêng Hồng Mỹ. Lớn lên, trí óc của anh Mỹ không phát triển bình thường, mà bị ngơ ngơ theo kiểu bệnh tâm thần nhẹ.
Năm 2013, anh Mỹ đi dự đám cưới ở nhà người thân, cách gia đình khoảng 10km. Sau đó, không thấy anh Mỹ trở về nhà. Mọi người tỏa ra khắp nơi tìm kiếm ròng rã, nhưng vẫn bặt tin.
Hơn một tháng sau, nghe tin ở một xã trong tỉnh phát hiện xác chết trôi sông, gia đình anh Mỹ tìm đến, khi ấy thi thể nạn nhân đã được chôn cất.
Đưa hình anh Mỹ cho đội đạo tỳ xem, một người đội đạo tỳ khẳng định chắc nịch: “Ai lầm chứ tôi không lầm. Nạn nhân vừa chôn chính là anh Mỹ”.
Anh Mỹ đang sống trong căn nhà Đại đoàn kết
Từ đó, mọi người tin rằng người đàn ông xấu số nằm dưới nấm đất kia là anh Mỹ. Anh em dòng họ hùn tiền lại xây mồ mả và lập bàn thờ trong nhà. Hàng năm, cứ đến ngày 26-3 âm lịch, gia đình đều nấu cơm canh, thắp nhang cúng giỗ đàng hoàng.
Thế rồi, một ngày trung tuần tháng 4-2017, trong xóm Đồng Cỏ Đỏ có hai chị em đến Bệnh viện Ung bướu TPHCM khám bệnh. Trong lúc ngồi chờ kết quả, bỗng có một người đàn ông mặc trang phục bệnh viện, chân bị gãy còn đang bắt ốc vít, chống gậy đi xin ăn.
Khi đến gần, người đàn ông này nhận ra một trong hai người phụ nữ đang ngồi trước mặt là người quen và mừng rõ kêu tên. Hai người phụ nữ này cũng nhận ra anh Mỹ, liền gọi điện thoại báo tin cho gia đình anh.
Anh Mỹ được đưa về nhà. Nguyên do anh mất tích suốt 4 năm qua, theo lời kể chắp vá của anh Mỹ thì anh được một người đàn bà đem về nhà nuôi.
Hàng ngày bà chở anh qua sông, cho đi chăn bò. Nhưng anh không biết vì sao bị gãy chân và ai đưa anh vào bệnh viện. Anh Mỹ chỉ nhớ được rằng, ở bệnh viện, ban ngày anh đi xin ăn, tối về ngủ trên ghế đá.
Anh Mỹ trở về nhà với căn bệnh “tràn dịch tinh mạc” gây đau nhức, cộng thêm vết thương ở chân sưng tấy, có dấu hiệu nhiễm trùng. Các anh chị em trong gia đình anh Mỹ đều nghèo khó, làm nghề giúp việc nhà, chạy xe ôm, chỉ đủ mua gạo qua ngày.
Do vậy, dù hết mực thương yêu, nhưng hàng ngày họ chỉ có thể đem đến cho anh Mỹ miếng bánh bò, bánh chuối, hay đóng góp 5.000 - 10.000 đồng lo tiền cơm, thuốc cho anh. Vừa rồi, anh chị em trong nhà gom hết tiền đưa anh Mỹ đi TPHCM điều trị bệnh.
Đến nay căn bệnh “tràn dịch tinh mạc” đã xử lý xong; riêng vết thương ở chân đã tới kỳ tái khám và tháo bỏ ốc vít, nhưng người nhà không còn đủ tiền đưa anh Mỹ đến bệnh viện.
Bà Yêng Thị Hồng Xinh (53 tuổi, chị nuôi của anh Mỹ), cho biết: “Hiện nay, anh chị em tôi gom góp mới được 3 triệu đồng, không đủ chi phí đưa Mỹ đi bệnh viện tháo ốc vít ra, mong các nhà hảo tâm ra tay cứu giúp”.
Mọi giúp đỡ xin gửi về Ban Công tác bạn đọc - Chương trình xã hội Báo Sài Gòn Giải Phóng, 432-434 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, TPHCM; ĐT: (028) 22111263. Hoặc chuyển qua tài khoản Báo SGGP: 310.10000. 231438 Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh TPHCM.