Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã quy định rất rõ: “Ngôn ngữ của hợp đồng phải được thể hiện rõ ràng, dễ hiểu”. Thế nhưng, xem qua một số hợp đồng mẫu của các ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty bất động sản… vẫn thường có tình trạng cách diễn đạt và cách dùng từ khó có thể hiểu nổi!
Bạn đọc Nguyễn Văn Thành (ngụ tại quận 10, TPHCM) phản ánh, có việc phải ký hợp đồng thế chấp vay vốn ngân hàng, nhưng nhìn xấp hợp đồng 7 trang giấy in toàn chữ lít nhít, ngôn ngữ khó hiểu, câu cú dài dòng, anh thật băn khoăn. Khi cẩn thận hỏi lại từng mục, được nhân viên ngân hàng giải thích chi tiết, anh mới hiểu ra. Thế nhưng, anh đề nghị viết lại hợp đồng theo ngôn ngữ đơn giản giống như lời giải thích thì nhân viên trả lời rằng đây là hợp đồng mẫu, không sửa được! Anh lo lắng, nếu sau này xảy ra tranh chấp, những ngôn ngữ khó hiểu trên văn bản đó được giải thích theo cách khác, chứ không phải như lời giải thích của nhân viên ngân hàng thì khách hàng phải chịu thiệt. Biết vậy, nhưng vì cần vay vốn nên anh phải đặt bút ký đại.
Tương tự, bạn đọc Nguyễn Thị Kim Văn (ngụ tại quận 8, TPHCM) than phiền, trước đây chị mua bảo hiểm nhân thọ, thực hiện trong vòng 10 năm, đến kỳ nhận thanh toán mới hay ngôn ngữ trong hợp đồng đánh lừa mình. Nhiều ngôn ngữ trong hợp đồng rất khó hiểu như “quyền bảo đảm thời giá theo giá USD”, “bảo tức”, “lãi bảo tức”, “ngày kỷ niệm hợp đồng”…, để rồi đến hạn hợp đồng, chị chưng hửng khi công ty giải thích hợp đồng theo cách bất lợi cho khách hàng. Khái niệm “bảo đảm thời giá theo giá trị USD” mà chị tham gia (có nộp phí tăng thêm hàng năm) được công ty giải thích “không có nghĩa quy mệnh giá bảo hiểm ra giá trị USD, mà là quyền được điều chỉnh mệnh giá bảo hiểm mà không cần phải chứng minh khả năng được bảo hiểm”. Vì vậy, công ty không trả theo giá USD mà chỉ trả bằng số tiền chị đã nộp trong 10 năm. Rồi khái niệm “bảo tức” cũng thế, chị tưởng là lãi suất theo ngân hàng, nhưng công ty lại nói đó là tiền chia lãi theo lợi nhuận của công ty, bảo tức này do công ty ấn định hàng năm. Do vậy, khách hàng không biết dựa vào căn cứ nào để công ty ấn định mức chia lãi, vì không cung cấp báo cáo tài chính cho khách hàng thì làm sao khách hàng biết lợi nhuận của công ty là bao nhiêu. Do công ty tự ấn định nên bảo tức công ty trả cho chị thấp xa so với lãi suất ngân hàng.
Ngoài ra, trong hợp đồng mẫu của các công ty bất động sản, công ty bảo hiểm… luôn quy định quyền “nắm đằng cán” thuộc về phía công ty. Cụ thể, trong hợp đồng bảo hiểm thì bảo tức do công ty tự ấn định hàng năm, lãi suất bảo tức do công ty quy định; trong hợp đồng mua bán bất động sản, nếu khách hàng chậm nộp sẽ bị phạt hợp đồng và chịu tiền lãi suất chậm nộp, còn chủ đầu tư chậm giao nền thì không quy định phạt… Nói chung, trong các hợp đồng mẫu, khách hàng luôn là bên… “nắm dao đằng lưỡi”.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã quy định Bộ Công thương, Sở Công thương có trách nhiệm kiểm tra các hợp đồng mẫu để bảo vệ khách hàng; những điều khoản loại bỏ quyền của khách hàng trong hợp đồng mẫu sẽ bị vô hiệu; trong trường hợp hiểu khác nhau về nội dung hợp đồng thì tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giải thích theo hướng có lợi cho người tiêu dùng… Thế nhưng, ngành công thương đã làm hết trách nhiệm chưa khi đang có quá nhiều hợp đồng khó hiểu như thế?
HÀN NI