Qua đường dây nóng, bạn đọc phản ánh tình trạng “cò” hoạt động tại các bệnh viện, dụ dỗ bệnh nhân ra khám bệnh ở các phòng khám tư. Lại có tình trạng phòng khám tư chẩn đoán không chính xác, khiến nhiều bệnh nhân hoang mang, lo buồn vì bị kết luận mắc bệnh nan y, nhưng đi khám nơi khác mới hay không bị bệnh.
Kiếm tiền trên nỗi lo âu của bệnh nhân
Với kết quả chẩn đoán bị ung thư vùng cổ, chị Đào Thị Nguyên (ở tỉnh Bình Thuận) đã suy sụp tinh thần, mất ăn mất ngủ. Những người thân trong gia đình chị cũng lo buồn khi hay chị mắc căn bệnh nan y này. Chị Nguyên kể: “Thấy bị sưng một khối u ở cổ, tôi đi khám bệnh tại địa phương, bác sĩ nghi ngờ bị ung thư vùng cổ, nên tôi vào TPHCM để khám cho chính xác. Khi tôi vừa đến cổng Bệnh viện Ung bướu, đã bị những tay “cò” dụ dỗ dắt ra phòng khám tư bên ngoài cổng bệnh viện, bịa rằng đây là phòng khám của bệnh viện dành cho các bệnh nhân không bảo hiểm y tế, muốn khám nhanh không phải chờ đợi lâu. Khám bệnh tại đó, bác sĩ chẩn đoán tôi bị ung thư vùng cổ, cho thuốc, hẹn 1 tháng sau trở lại tái khám để xem bệnh có thuyên giảm không. Sau khi khám bệnh, tôi bị “cò” đòi tiền dẫn đi khám với giá 200.000 đồng và tốn tiền thuốc hơn 2 triệu đồng. Tôi về nhà, buồn rầu vì mắc bệnh nan y, nhưng nghe tôi kể lại chuyện đi khám bệnh, nhiều người thân cho rằng đã bị tay “cò” của phòng khám tư lừa rồi. Do vậy tôi lại vào TPHCM, đến Bệnh viện Ung bướu khám, thì được chẩn đoán chỉ là bị bướu cổ nhẹ và rồi chỉ cần ăn nhiều muối i ốt là tự hết mà không cần phải uống thuốc điều trị”.
Cũng bị lừa như vậy, chị Phạm Thị Oanh (ở huyện Củ Chi, TPHCM) bị đau ở ngực, đi khám ở một phòng khám tư nhân và bác sĩ chẩn đoán bị ung thư vú, có nguy cơ phải cắt bỏ. Lo lắng, chị cũng đến Bệnh viện Ung bướu để khám lại, nhưng gặp “cò” dụ dỗ, dắt ra ngoài phòng khám bên ngoài bệnh viện để được khám nhanh. Theo kết quả chẩn đoán, chị bị ung thư vú, phải mua thuốc gần 1 triệu đồng để bồi dưỡng đủ sức khỏe và được dặn uống hết thuốc sẽ vào bệnh viện mổ. Chị Oanh và gia đình đã có một tháng lo âu, buồn bã đến suy sụp tinh thần. Nhưng đến khi vào bệnh viện để làm thủ tục xin mổ, chị được bệnh viện chẩn đoán không hề bị ung thư. Hóa ra để lừa lấy tiền của người bệnh, “cò” và bác sĩ phòng khám tư đã nhẫn tâm đưa người bệnh vào cảnh lo âu cùng cực.
Anh Nguyễn Văn Thảo (ở quận Bình Tân, TPHCM) phản ánh: Con của anh bị lỡ miệng, khi anh đưa con đến khám bệnh tại Bệnh viện Da Liễu TPHCM, bị “cò” dụ dỗ dẫn ra phòng khám bên ngoài bệnh viện. Bác sĩ ở phòng khám này chẩn đoán con anh bị bệnh vẩy nấm, rồi bán thuốc điều trị (có sẵn hiệu thuốc ngay tại đây). Nhưng uống thuốc và bôi thuốc hơn 1 tháng vẫn không hết bệnh. Lúc này anh mới đưa con vào khám trong bệnh viện thì được bác sĩ chẩn đoán bị viêm da, mua thuốc về thoa thì khỏi ngay.
Cảnh giác với “cò”
Theo ghi nhận của chúng tôi, tình trạng “cò” môi giới, dẫn dắt bệnh nhân ra khám ở các phòng khám tư vẫn diễn ra công khai, nhộn nhịp tại các bệnh viện: Ung Bướu, Da Liễu, Hòa Hảo, Từ Dũ… Có hàng chục phòng khám tư vây quanh các bệnh viện này. Để cạnh tranh, họ dùng đội ngũ “cò” mời chào, dụ dỗ bệnh nhân. Nhằm tránh cho bệnh nhân không bị mắc lừa, một số bệnh viện quan tâm treo băng rôn và phát loa căn dặn, cảnh báo bệnh nhân không nghe lời dụ dỗ của “cò” dẫn ra ngoài phòng khám trước bệnh viện. Thế nhưng, nhiều bệnh nhân do nhu cầu được khám bệnh nhanh hoặc do nhẹ dạ đã nghe theo “cò”.
Chúng tôi thử vào Bệnh viện Ung bướu, ngồi tại băng ghế phòng khám được một lúc thì có một “cò” lân la đến hỏi thăm bị bệnh gì. Sau một hồi nói chuyện, người này tự xưng có người nhà là bác sĩ làm tại bệnh viện này, nên có thể liên hệ dẫn vào khám bệnh ngay, với điều kiện khi khám bệnh xong phải cho 200.000 đồng. Chúng tôi đồng ý thì “cò” lại dẫn chúng tôi ra phòng khám đối diện cổng bệnh viện, quảng cáo chất lượng dịch vụ khám rất tốt, nhanh. Chúng tôi không đồng ý ra khám bệnh ở phòng khám bên ngoài mà chỉ vào khám trong bệnh viện thì tay “cò” hậm hực bỏ đi.
Được biết, để được cấp phép hoạt động, các phòng khám tư phải được kiểm định chặt chẽ của Sở Y tế, đảm bảo đội ngũ bác sĩ, trang thiết bị máy móc, nhân viên. Thế nhưng thực tế vẫn có những phòng khám tư chỉ chạy theo lợi nhuận, xem nhẹ chất lượng điều trị và cả xem nhẹ y đức, lôi kéo bệnh nhân đến khám bằng đội ngũ “cò”, chứ không phải bằng thanh danh, uy tín. Việc chẩn đoán bệnh qua loa, không có hội chẩn của nhiều bác sĩ, nên kết quả chẩn đoán không chính xác, thậm chí cố ý kết luận bệnh nhân bị bệnh nặng để bán thuốc và kéo dài việc khám điều trị nhằm thu nhiều lợi nhuận. Rất mong Sở Y tế TP quan tâm kiểm tra các phòng khám tư quanh các bệnh viện hoạt động theo kiểu lừa gạt bệnh nhân.
THANH HẢI