
…Sẽ không còn thấy mái đầu cắt ngắn bạc trắng năng động, trẻ trung của cô, những bài viết phân tích “đến nơi đến chốn” các vấn đề nhức nhối trong xã hội, liên quan đến giáo dục, lối sống, tình yêu và định hướng nghề nghiệp cho giới trẻ. 12 giờ 50 ngày 1-5, ở Bệnh viện Chợ Rẫy, trái tim của cô Nguyễn Thị Oanh (ảnh) đã ngừng đập.

Ở tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng mọi người vẫn trìu mến gọi thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh là cô.
Tôi biết cô lần đầu trong một hội thảo, cách đây gần 10 năm, khi ấy tóc cô chỉ đượm muối tiêu. Dáng người nhỏ bé nhưng mỗi lần cô “đăng đàn” đều sống động và nhận được hàng tràng pháo tay giòn giã từ các đại biểu. Mỗi hội thảo có cô, chúng tôi đều “sướng” vì được nghe những lời đầy ắp nhiệt huyết, những trải nghiệm, phân tích sâu sắc.
Lần gặp cô sau cùng mấy tháng trước, tôi ngồi cách cô vài mét, một khoảng cách đủ nhìn thấy mái đầu cô bạc trắng. Sức khỏe cô có yếu hơn trước nhưng tâm huyết dành cho ngành giáo dục vẫn không suy giảm theo dòng thời gian. Cô phê bình cách giáo dục theo kiểu “dạy vẹt, học vẹt” đã dẫn tới thực trạng nói một đàng, làm một nẻo.
Theo cô, không thể giáo dục đạo đức theo kiểu xưa bằng cách đưa ra những nguyên tắc chung để “tụng” cho con trẻ nghe và bắt trẻ “tụng” lại như những cái máy. Cô giáo dục kỹ năng sống, định hướng nghề nghiệp cho học sinh bằng châm ngôn mà cô đã tích lũy suốt cả cuộc đời: Nghề nghiệp là cả cuộc đời của mình nên phải yêu nó, tìm niềm vui nơi nó. Do đó phải chọn nghề phù hợp với sở thích và năng khiếu. Hơn 60 năm trước, người phụ nữ đã dám cãi lời cha để theo ngành xã hội học, nay vẫn rất bằng lòng ở sự lựa chọn của mình. Chọn nghề không chỉ vì lợi ích cá nhân mà còn vì nhu cầu của xã hội.
Cô Nguyễn Thị Oanh, sinh ngày 25-12-1931, tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Phát triển cộng đồng tại Philippines, nguyên Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục TPHCM, Ủy viên Hội đồng Tư vấn xây dựng chương trình đào tạo công tác xã hội của Việt Nam. Cô là 1 trong 50 người trên thế giới được Tổ chức Bánh mì thế giới trao tặng danh hiệu Anh hùng đời thường năm 2008. |
Tâm huyết với giáo dục, đau đáu với hiện tượng suy giảm đạo đức, giới trẻ thờ ơ với những “nguyên tắc đạo đức cơ bản là không nói dối, không ăn cắp, không giết người, không làm cho người khác những gì mình không muốn họ làm cho mình”, cô đã viết nhiều bài báo lên tiếng như một chuyên gia giáo dục, tư vấn tâm lý.
Tôi nhớ mỗi lần nói đến làm từ thiện, cô luôn mỉm một nụ cười nửa miệng, nụ cười rất riêng, đặc biệt của cô. Việc từ thiện có những mặt tốt nhưng cũng có những thất bại là tạo sự ỷ lại, lệ thuộc hay sự thiếu trung thực của người được giúp đỡ. Vì vậy, cô đã đặt nền móng xây dựng ngành học Công tác xã hội ở Việt Nam bởi nguyên tắc cốt lõi của ngành học khoa học này là “sự tự giúp của thân chủ”.
Một người bạn của tôi nghe tin cô mất đã thảng thốt: “Một đời cô lo cho xã hội ngày một tốt đẹp hơn, làm cho người được giúp đỡ tự thay đổi, tự vận động nội lực ở chính sức mình mà vươn lên. Người sống có ích như cô mà sao ra đi sớm vậy! Tháng trước, cô còn là nhân vật trong bài dự thi ký văn học chân dung “Người đương thời” của Báo SGGP.
Biết là vòng sinh – tử luân thường, nhưng vẫn thấy xót xa, dù chỉ gặp cô vài lần, ít hơn rất nhiều lần so với thấy cô trên hàng trăm bài báo mà cô là tác giả. Khi nhớ về cô là nhớ đến tâm niệm: “Làm đúng việc mình thích, lại có ích cho xã hội cho ta một cuộc đời đầy ý nghĩa”. Suốt cuộc đời chọn mục đích sống vì cộng đồng, phần thưởng của cô chính là hạnh phúc từ niềm vui của những người mình được giúp đỡ. Cô Nguyễn Thị Oanh đi xa nhưng nhiều lời khuyên của cô, những bộ sách Tư vấn tâm lý học đường, Làm việc theo nhóm, Hạnh phúc - phải lựa chọn..., vẫn mãi là bạn đồng hành với thanh thiếu niên.
Linh cữu của cô quàn tại 40/10A đường Bùi Công Trừng, tổ 8, ấp 3, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TPHCM. Lễ truy điệu lúc 9 giờ sáng 5-5, sau đó đưa đi hỏa táng tại Nghĩa trang Đa Phước, huyện Bình Chánh. |
Hồng Liên