Chúng tôi là những sinh viên đầu tiên của Trường Đại học Sư phạm TPHCM, ra trường sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Đó là những năm tháng khó khăn, đồng lương giáo viên rất ít ỏi. Nhiều người đã không nhận nhiệm sở để làm những nghề khác.
Phần tôi, lúc bấy giờ, tôi tính theo bạn bè đi buôn. Trong thời gian chờ đợi, rảnh rỗi, tôi đến Thư viện Quốc gia đọc ngấu nghiến hết cuồn sách này tới cuốn khác, vì sách là nỗi đam mê của tôi từ nhỏ. Tình cờ, tôi đọc cuốn "Người kỹ sư tâm hồn” của nhà giáo, nhà văn Xukhômlinxki (Liên Xô).
Cuốn sách đã làm thay đổi cả cuộc đời tôi.
Dù đã lâu lắm rồi nhưng tôi vẫn còn nhớ, với những mẩu chuyện nhỏ mang tính giáo dục cao, tác giả đã truyền vào đó tất cả tình yêu thương học trò, tình yêu con người, trách nhiệm lớn lao đối với lớp trẻ, với xã hội… Đặc biệt, nhà văn đã đặt niềm tin sâu sắc vào tâm hồn trong sáng của tuổi nhỏ. Tôi đọc thật chậm… thật chậm, từng lời… từng lời…
Có những chỗ, tôi phải dừng lại vì quá xúc động! Có những đoạn tôi cứ đọc đi, đọc lại hàng chục lần. Trái tim tôi xôn xao một niềm vui cao quý, mắt tôi như bừng sáng. Ngay lúc ấy, tôi quyết định nhận nhiệm sở ở một nơi xa thành phố. Hành trang của tôi đến với học trò là niềm vui, niềm tin và niềm đam mê nghề nghiệp mà tôi đã cảm nhận được từ cuốn sách ấy.
Qua hai mươi lăm năm công tác, cái hồn của cuốn sách vẫn đi cùng tôi, giúp tôi tìm ra nhiều bài học giáo dục tuyệt vời.
Cho đến giờ phút này, tôi thấy sự chọn lựa, quyết định của mình trong ngày hôm đó, sau khi đọc cuốn sách ấy là hoàn toàn đúng đắn. Xin cám ơn nhà văn, xin cám ơn đời, cám ơn bao lớp học sinh đã cho tôi cuộc sống đầy ý nghĩa.
TRƯƠNG THỊ KIM CHI
(Trường THCS Lê Đình Chinh, Hố Nai 3, Thống Nhất, Đồng Nai)
Tác phẩm đạt giải nhì tháng 10 – 2002 (Đăng trong SGGP T7 số 606 ra ngày 12-10-02)