Không lời cũng bán
Thành phố đầu năm nóng rát, nắng như đổ lửa trên đầu, đâu đó trên những góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Trần Quốc Thảo, Trương Định, Nguyễn Đình Chiểu… Người ta lại thấy người đàn ông trung niên, vẻ ngoài khá phong trần, mái tóc hơi dài đang ngồi phì phèo điếu thuốc, hay uống ly nước nghỉ mệt trên một góc đường và bên cạnh là chiếc xe đạp chở đầy mặt nạ. Đó là chú Bảy - gần như là người đàn ông duy nhất chở mặt nạ rảo khắp thành phố này.
Người qua lại mấy con đường trong thành phố cũng không ai lạ gì với chú Bảy, bữa thì thấy ổng đang đạp xe trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, bữa kia lại thấy phì phèo điếu thuốc góc đường Pasteur… Buôn bán lời lỗ sao không rõ, chứ thấy ổng cũng nghệ sĩ lắm, khách mua thì mua, không mua cũng cho xem thoải mái, ông không kỳ kèo hay chèo kéo bất cứ ai.
Gần 30 năm, bươn chải với nghề bán mặt nạ, nhiều khi ế tới nỗi cả mấy tháng trời không có ai mua nhưng chú Bảy vẫn miệt mài với cái nghề bán mặt nạ thế nhân.
“Hồi đó, có khi ế cả nửa năm trời có bán được cái nào đâu, nhưng tao vẫn không nản, sáng đạp xe đi tới tối về xâu hạt cườm phụ vợ kiếm cơm. Bán tới bây giờ thì cũng đỡ hơn, mấy quán cà phê người ta cũng mua để trang trí rồi khách nước ngoài họ cũng thích mua làm quà lưu niệm”, chú Bảy kể.
Vừa lựa xong 2 cái mặt nạ nhỏ để trang trí cho một góc trong quán cà phê, chị Trần Thu An (35 tuổi, chủ quán cà phê trên đường Út Tịch, quận Tân Bình) cho hay: “Lúc nhỏ cũng có coi hát bội vài lần ở quê nên nhìn mặt nạ này cũng hiểu được chút, mua về để trang trí lại mấy chỗ trong quán cà phê cũng hay, còn không thì để cho tụi nhỏ trong nhà tìm hiểu, chứ con nít bây giờ đâu có được biết hát bội như mình ngày xưa”.
Nhiều bạn trẻ ghé lại xe mặt nạ của chú Bảy cũng vì chút tò mò, bởi mặt nạ tuồng xưa lắc này cũng còn người nặng lòng. Phan Minh Thu (sinh viên năm 2, Trường Đại học Kinh tế TPHCM) nói: “Mình cũng biết chút về hát bội, mấy lần chạy ngang đường thấy chú bán cũng ngộ ngộ nên dừng lại mua thử một cái nhỏ chừng bằng bàn tay để trên bàn học cho vui. Sau này bạn bè với người nhà của mình ở nước ngoài về thấy họ cũng thích nên mình mua để làm quà, có bữa đi vội không đem nhiều tiền, thiếu gần cả trăm ngàn đồng mà chú cũng bán luôn, chú nói bữa nào rảnh thì ghé lại đưa sau, có gì đâu”.
Theo chú Bảy, khách ghé lại nếu ai có đọc qua sách vở hay biết về các tuồng tích hát bội thì mua nhân vật mà mình thích, còn không thì cứ chọn theo cảm nhận. Thích cái nào lấy cái đó, có nhiêu tiền thì đưa bấy nhiêu, có thiếu thì bữa nào đưa thêm cũng được.
“Tao bán cái này là tại tao mê coi hát bội từ nhỏ, nên khách mua mà người ta thích là tao vui rồi, thiếu đủ bao nhiêu dữ vậy, thiếu thì bữa nào đi ngang đưa thêm có sao đâu”, chú Bảy nói rồi lại cười khà khà.
Miệt mài lưu giữ truyền thống
Cũng vì thuở nhỏ mê coi hát bội, thấy người ta vẽ mặt, hóa trang cho nghệ sĩ, những đường nét điệu nghệ ấy đã cuốn hút chú Bảy, về nhà cũng lấy phấn son tập tành vẽ theo. Lớn lên chú bắt đầu tìm hiểu qua sách vở, nghệ thuật hát bội thì khâu hóa trang rất quan trọng để tạo nên cái thần của nhân vật, không nắm vững các nguyên tắc, quy định khi vẽ mặt thì ông tướng sẽ không đủ oai hùng, hay vai tiểu nhân không toát lên hết cái đê tiện, xấu xa… và mất đi cả cái đặc trưng của hát bội.
Những chiếc mặt nạ được chú Bảy tỉ mẩn vẽ tay, làm thủ công từng chút một. Khuôn mặt nạ thô đúc bằng khuôn thạch cao kết hợp với silicon và nguyên liệu để làm mặt nạ là hỗn hợp bột đá, polymer và cuối cùng là tô vẽ bằng sơn dầu. Những chiếc mặt nạ đầu tiên không chỉ chật vật trăm đường trong việc buôn bán, mà để tạo ra được một mặt nạ hoàn chỉnh thì phải bỏ đến năm, bảy cái coi như xé nháp.
Chú Bảy kể, làm cái khuôn đúc mặt nạ gần cả chục lần mới ra được khuôn ưng ý vì khuôn đúc lệch vài đường nét nhỏ cũng ảnh hưởng đến thẩm mỹ của chiếc mặt nạ, lỡ hư rồi thì bỏ luôn chứ có vẽ tạo hình cũng không ra được cái thần của nhân vật.
Sau khi tạo hình khối cho những chiếc mặt nạ thô, chú Bảy miệt mài vẽ mặt thế nhân với đủ những vẻ mặt chính nghĩa, liêm khiết, thiện, ác, hung dữ… Và những cảm xúc hỷ, nộ, ái, ố… của cuộc đời được chú chăm chút trong từng nét cọ, mỗi mặt nạ một biểu cảm một gam màu sống động, đa dạng.
“Người nào khéo tay chút đều vẽ mặt nạ được hết, nhưng quan trọng là cái thần, mặt nạ nhìn có hồn hay là không ở chỗ đó. Phải hiểu, phải biết về nhân vật thì khi vẽ dù là một nét nhỏ cũng góp phần thể hiện tính cách nhân vật. Trung quân thì vẽ nụ cười phải có hậu, còn gian thần thì miệng cong cớn một chút”, chú Bảy chia sẻ.
Mặt nạ chú Bảy làm nhiều nhất là những hình tượng quen thuộc với nhiều người như Bồ Tát, Bao Thanh Thiên, Quan Công, Tào Tháo… Mỗi chiếc mặt nạ, tùy kích cỡ 150.000 - 400.000 đồng/cái.
Ở trong căn nhà thuê nhỏ, chỉ hơn 20m2 ở quận Tân Phú, vợ làm công nhân và 2 con đang tuổi ăn học, nhưng công việc bán mặt nạ của chú Bảy cũng vô chừng.
“Ổng mê mặt nạ tuồng này lắm, hỏi nhân vật nào ổng còn thuộc tuồng tích, lời thoại luôn mà. Buôn bán cũng không biết trước được đắt, ế. Thôi kệ, cứ để ổng hết lòng với cái ổng mê”, cô Ngọc (vợ chú Bảy) vừa cười, vừa nói khi nhắc đến nghề đam mê của chồng mình.
Một buổi trưa trên góc đường Nguyễn Đình Chiểu, ngồi trò chuyện cùng chú Bảy, tôi lặng nhìn chú với thân hình gầy nhom, gương mặt với những đường nét khắc khổ nhưng con người vẫn phảng phất một chút gì đó rất nghệ sĩ. Và khi có khách nào dừng lại hỏi hay biết chút về hát bội, chú Bảy lại say sưa những câu chuyện.
Không khoa trương, cũng không cầu kỳ, người đàn ông này vẫn lặng lẽ vẽ mặt thế nhân trong những tuồng xưa tích cũ, rồi mang đi khắp thành phố. Bằng cách nào đó, những giá trị truyền thống vẫn tồn tại giữa bộn bề thời cuộc.