“Người Việt cao quí” vẫn nóng hổi tính thời sự

Tôi đã đọc Người Việt cao quí của A. Pazzi từ năm 1965, sách do Cảo Thơm xuất bản. Trong lời nói đầu, dịch giả Hồng Cúc đã viết: "Thiết nghĩ, được nói về dân tộc mình là một niềm vui, nhưng được nghe người khác nói về dân tộc mình-và nói bằng những cảm tình tốt đẹp - là một niềm vui lớn lao...". Sau cùng, dịch giả bày tỏ: “Tôi xin chân thành cảm tạ nhà văn Vũ Hạnh đã hết lòng khuyến khích tôi trong bước đầu dịch thuật khó khăn, cũng như đã bỏ nhiều thì giờ tu chỉnh giúp bản dịch này".

Mãi đến 27 năm sau, Nhà xuất bản Mũi Cà Mau mới tái bản tác phẩm Người Việt cao quí, tôi thật bất ngờ thấy tác giả là nhà văn Vũ Hạnh. Chắc hẳn trong chế độ cũ nhà văn Vũ Hạnh đã từng vào tù ra khám, nên vì lý do chính trị và an ninh cho bản thân mình, ông đã mượn cái tên A. Pazzi (một cái tên Ý không có thật) để viết về dân tộc mình. Quyển sách đã theo tôi suốt 37 năm qua, với tôi, nó thuộc dạng “gối đầu giường”. Nhưng tác giả (chắc cũng như tôi) luôn ám ảnh bởi nỗi đau là chính có lúc một người Việt lại không dám đứng tên ca ngợi dân tộc mình mà phải mượn tên một người ngoại quốc.

Với tôi, trước năm 1975, cái tên A. Pazzi đã cho tôi niềm thán phục - một người ngoại quốc - chỉ sống ở VN hai mươi năm mà đã có nhận xét tinh tế đến độ một người Việt cũng khó có được. Sau 1975, tác phẩm được trả lại đúng tên người đã khai sinh ra nó: Vũ Hạnh. Càng đọc tác phẩm ấy, tôi càng kinh ngạc vì với những cử chỉ rất bình thường như ánh mắt, nụ cười... vậy mà tác giả đã phân tích với nhiều bất ngờ, thích thú. Chẳng hạn “... Lần đầu tiên thấy cái nhìn của họ, tôi tự nhủ rằng: đây không phải là một dân tộc tầm thường và sau tôi phải kết luận: Người Việt là một dân tộc ưu hạng, có nền văn minh riêng biệt, có lẽ không giống bất cứ nền văn minh nào trên thế giới này.” (sđd trang 28). Và những dòng của trang cuối cùng, dù đã 37 năm qua, vẫn luôn là đề tài nóng hổi: “... Ngày nay công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam đòi hỏi chống lại tất cả các hiện tượng suy đồi, thoái hóa cũng như mọi thứ ràng buộc, áp bức, bất công.” (sđd trang cuối 105).

 

TRẦN HỮU NGƯ

(280 An Dương Vương, quận 5)

Tin cùng chuyên mục