Nhà siêu mỏng

Đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (TPHCM) có chiều dài gần 13,7km, chạy từ sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) tới quận Thủ Đức đã được thi công xong. Đi dọc con đường này, dễ thấy những ngôi nhà siêu mỏng với đủ kiểu dáng, hình thù méo mó… mọc lên trái phép.

Đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (TPHCM) có chiều dài gần 13,7km, chạy từ sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) tới quận Thủ Đức đã được thi công xong. Đi dọc con đường này, dễ thấy những ngôi nhà siêu mỏng với đủ kiểu dáng, hình thù méo mó… mọc lên trái phép.

        Dị dạng, thiếu an toàn

Trên tuyến đường này có đến hàng chục ngôi nhà xây trái quy định về tiêu chuẩn xây dựng do người dân tận dụng phần diện tích mặt bằng ít ỏi còn lại sau khi giải tỏa để xây thành nhà ở hoặc buôn bán. Căn nhà số 355 Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh) có hình thang dị dạng, chiều ngang chừng 10m, nhưng chiều sâu một đầu chỉ khoảng 0,8m, một đầu khoảng gần 2m. Như vậy chỗ rộng nhất cũng chỉ đủ để bộ bàn ghế hoặc chiếc giường ngủ, vậy mà chủ nhân vẫn xây cao chót vót 3 tầng.

Căn nhà ngay đoạn giao nhau với đường Lê Quang Định (quận Gò Vấp) có diện tích mặt bằng chỉ chừng 14m², được chủ nhân xây dựng để kinh doanh cửa hàng mắt kính. Khó tưởng tượng với diện tích nhỏ như vậy mà vẫn xây dựng được thành nhà. Bạn đọc Trần Vũ Tuấn, cư ngụ gần đấy, lo lắng phản ánh: “Tôi lo sợ căn nhà chênh vênh đó sẽ đổ, bởi mặt bằng quá nhỏ, kết cấu sơ sài, trên tường đã xuất hiện các vết nứt”. Đối diện bên kia đường, lại có một ngôi nhà hai lầu, một trệt, hình tam giác vừa mới được xây dựng xong, đây là nơi cư ngụ của 6 thành viên một gia đình. Chủ căn nhà này phân trần: “Sau khi chúng tôi nhận tiền đền bù giải tỏa nhưng gia đình không đủ tiền để mua một suất tái định cư nên lấy số tiền đó, cộng với diện tích đất còn lại xây nhà này. Nếu như mua được nhà ở khu tái định cư thì con cái đi học gặp khó khăn, công ăn việc làm không có”.

Bà Kim Liên, chủ căn nhà siêu mỏng ở đoạn giao nhau với đường Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp), cho biết: Trước đây gia đình bà sống trên mảnh đất rộng hơn 200m², khi giải tỏa chỉ còn lại hơn 14m², chiều dài 10m, chiều ngang 1,4m. Do số tiền đền bù không đủ mua nhà tái định cư cho gia đình 8 người ở được, nên bà Liên đã quyết định xây nhà trên diện tích còn lại, vừa ở, vừa buôn bán.

        Cần ngăn chặn ngay từ đầu

UBND TPHCM đã có Quyết định 45/2009 quy định: Nếu lô đất diện tích từ 15m² đến 36m² có chiều rộng mặt tiền và chiều sâu so với chỉ giới xây dựng từ 3m trở lên thì mới được cải tạo sửa chữa theo quy mô số tầng hiện hữu hoặc xây dựng mới tối đa 2 tầng. Chiều cao không quá 13,4m (đối với đường có lộ giới từ 20m trở lên) và không quá 12,2m (đường có lộ giới từ 12 đến 20m). Nhiều năm qua, TPHCM đã cương quyết xử lý những trường hợp xây nhà trái quy định, nhưng thực tế tình trạng xây dựng trái phép nhà siêu mỏng vẫn diễn ra.

Trong số những ngôi nhà siêu mỏng còn có những ngôi nhà từ 3 đến 7 lầu. Ngoài một số đã được xây từ lâu, một số được xây ngay từ khi giải tỏa mặt bằng, hiện đang có những căn nhà khác đang tiếp tục mọc lên. Thực tế người dân muốn tận dụng diện tích nhỏ hẹp còn lại để ở và làm ăn, vì địa thế ngay mặt tiền đường mới mở, thuận tiện và đỡ tốn kém hơn nhiều so với việc tái định cư.

Để mọc lên những căn nhà siêu mỏng không an toàn và mất mỹ quan đô thị là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Nếu không ngăn chặn hiệu quả sẽ tạo ra cảnh quan nhếch nhác, phá vỡ kiến trúc và quy hoạch đô thị. Thiết nghĩ, cùng với việc xử lý đối với các trường hợp xây dựng nhà trái phép, cũng nên có chính sách vận động các hộ dân còn những diện tích nhỏ hẹp sau giải tỏa cho giải tỏa hết, để sử dụng xây dựng các công trình công ích, chỉnh trang đô thị.

PHAN ANH

Tin cùng chuyên mục